Nếu đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải cùng với khởi động, xử lý các dự án điện trọng điểm quốc gia thì có lẽ chúng ta không phải chịu áp lực thiếu điện như hiện nay", Phó ban Kinh tế Trung ương nói.
Phiên thảo luận liên quan đến năng lượng trong Hội thảo chuyên đề "Xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045", sáng 14/6, đã đề cập đến nhu cầu cấp thiết về việc triển khai các dự án năng lượng.
Sốt ruột vì việc triển khai rất chậm
TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhắc đến nghị quyết của Trung ương về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đã được triển khai hơn 3 năm.
"Nói thật, chúng tôi rất sốt ruột khi nhiều cơ chế, chính sách chưa được kịp thời cụ thể hóa để triển khai. Tất nhiên cũng có những có khăn vì nhiều cái mới như điện gió ngoài khơi khiến việc xây dựng, phát triển kế hoạch còn lúng túng, nhưng đánh giá khách quan thì việc triển khai cơ chế, chính sách rất chậm", ông Hiển nhấn mạnh.
Theo ông, nếu không làm ngay sẽ không hoàn thành được các mục tiêu đầy thách thức đặt ra trong nghị quyết của Trung ương.
"Hệ thống chính sách về năng lượng phải ban hành sớm, công khai, minh bạch và có thể dự đoán được. Ví dụ, Nghị quyết 55 của Trung ương nói rất rõ phải có cơ chế thực sự đột phá và đặc biệt, đặc thù để phát triển hệ thống điện, nhất là truyền tải. Nếu những năm qua chúng ta đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải cùng với khởi động, xử lý các dự án điện trọng điểm quốc gia, có lẽ hiện nay không phải chịu áp lực thiếu điện như vậy", ông Hiển nói.
Về định hướng xây dựng các trung tâm năng lượng tái tạo tại một số khu vực, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết nhiều việc cụ thể bị vướng. Có dự án tư nhân đầu tư hệ thống truyền tải điện khi triển khai có gặp vướng mắc, khi đó, theo ông Hiển, Nhà nước cần vào cuộc tháo gỡ, tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp và nguồn lực chung của đất nước.
Về nguồn lực, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định Việt Nam không thể chỉ dựa vào nguồn lực trong nước mà cần cơ chế thu hút, mời gọi nhà đầu tư nước ngoài hoặc cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với định hướng cụ thể.
"Chậm một ngày, thiệt hại một ngày"
Chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Thế Nghĩa, Tổng giám đốc Tổng công ty sản xuất thiết bị Viettel, cho biết dù là đơn vị viễn thông, Viettel được Chính phủ yêu cầu nghiên này được giao nghiên cứu năng lượng tái tạo từ năm ngoái. "Với tinh thần dò đá qua sông, Viettel chọn 2 mảng là điện gió và lưu trữ năng lượng", ông Nghĩa nói.
Nhắc đến cơ hội phát triển điện gió ở Việt Nam, ông Nghĩa nhấn mạnh nhiều chính sách mới đã được đề cập trong Quy hoạch điện VIII như ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu; phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác; thí điểm tiến tới xây dựng chính thức cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ...
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng chỉ ra thách thức khi chi phí đầu tư lớn với hàng tỷ USD, trong khi đó chưa rõ thị trường đầu ra và phải cạnh tranh với đối thủ từ nước ngoài đã có thương hiệu.
Cũng theo ông Nghĩa, Chính phủ chưa có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển ngành năng lượng xanh như: Vốn vay ưu đãi dài hạn, bảo hộ đầu ra hoặc giao doanh nghiệp trong nước các dự án thí điểm cấp quốc gia…
Đồng tình về tiềm năng phát triển điện gió, ông Lê Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam chỉ ra gió là tài nguyên vô hạn, còn nguồn vốn là hữu hạn nên "chậm một ngày, thiệt hại một ngày". Vì vậy, ông Cường cho rằng cần tận dụng cơ hội vô hạn của gió.
Ở một khía cạnh khác, TS Lê Trường Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Thủy điện Mai Châu chia sẻ về bất cập trong đấu thầu điện gió.
"Hiện nay, có những nước giá điện bằng 0 và có những nước người phát điện phải trả cho người tiêu dùng, trong khi đó Việt Nam có nguy cơ thiếu điện trong mùa nắng tới", ông Thủy nói. Ủng hộ những định hướng trong Quy hoạch điện VIII, song ông Thủy cho rằng để triển khai được tốt còn rất nhiều vấn đề.
Và vấn đề đáng nói nhất là giá điện hiện nay đang khá cao. "Nếu ký hợp đồng với đối tác nước ngoài mà giá điện cao sẽ dễ có khiếu kiện về sau này. Còn nếu không đưa ra ưu đãi tốt thì cơ hội đầu tư không có", ông Thủy nói.
Chỉ ra thực tế thủy điện gần như đã hết dư địa khai thác, điện mặt trời nếu phát triển mạnh cũng có nhiều rủi ro, ông Thủy nhấn mạnh tiềm năng về phát triển điện gió, song ông kỳ vọng cơ chế chính sách cho định hướng này phải đồng bộ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trao đổi thêm về câu chuyện "giá điện bằng 0", PGS.TS. Phạm Hoàng Lương (Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ quốc tế Việt Nam - Nhật Bản, Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng giá điện bằng 0, không có nghĩa rằng người mua điện được nhà sản xuất điện cung cấp.
"Chúng tôi cũng có nghiên cứu, có những thời điểm điện tái tạo rất thấp, nhưng việc mua bán điện thì người mua phải trả tiền, còn việc giá điện bằng 0 chỉ ở một thời điểm nào đó thôi chứ không thể kéo dài", theo lời ông Lương.
TheoDantri
0 nhận xét:
Đăng nhận xét