Năng lượng gió thì vô hạn nhưng nguồn lực đầu tư, nguồn lực vốn thì hữu hạn, do đó cần cơ chế hướng dẫn cụ thể để "giữ chân" nguồn lực đầu tư này ở lại Việt Nam.
Chia sẻ về xu hướng công nghệ và giải pháp phát triển ngành công nghiệp năng lượng của Việt Nam trong Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra ba nhóm vấn đề vướng mắc chính về lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã chỉ ra ba nhóm vấn đề vướng mắc chính về lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo.
Thứ nhất, nhóm vấn đề về thể chế, cơ chế chính sách. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, các doanh nghiệp đều kiến nghị hệ thống cơ chế chính sách của chúng ta trong lĩnh vực năng lượng cần ban hành sớm, công khai, minh bạch và có thể dự đoán trước được.
Bên cạnh đó, một số vấn đề liên quan đến hồi tố, quy định về phòng cháy chữa cháy cũng đang là vướng mắc phổ biến của các doanh nghiệp. Hiện Bộ xây dựng đã tiếp thu và chỉnh sửa, hoàn thiện lại.
Đặc biệt, trong Nghị quyết 55-NQ/TW nêu rõ cần có những cơ chế đặc biệt, đặc thù để phát triển hệ thống điện trong đó có truyền tải điện. "Nếu như trong những năm qua, chúng ta đã đầu tư đồng bộ hệ thống truyền tải điện, đặc biệt là xử lý các dự án điện quốc gia thì có lẽ đã không phải chịu những áp lực về thiếu điện cục bộ gần đây", ông Hiển nói.
Hoặc có những thể chế đã được ban hành nhưng thực thi lại rất chậm, như việc Nghị quyết 55 nêu việc xây dựng các trung tâm năng lượng tái tạo nhưng trong quá trình triển khai lại có rất nhiều vướng mắc, nhiều dự án tư nhân đi tiên phong lại gặp phải những vấn đề đáng tiếc.
Ví dụ như CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đầu tư vào hệ thống truyền tải, khi triển khai phát sinh những vướng mắc, với vấn đề này Nhà nước cần vào cuộc để tránh dẫn đến sự lãng phí về nguồn lực. “Nguồn lực của doanh nghiệp cũng là nguồn lực chung của đất nước”, ông Hiển nói.
Cần phối hợp giữa các bộ, ngành, các cấp để đẩy nhanh việc triển khai các dự án về năng lượng. Hiện Quốc hội cũng đang có chương trình giám sát về năng lượng, ông Hiển cho hay.
Thứ hai là vấn đề nguồn lực, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết với mục tiêu từ Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần khoảng 11,5 tỷ USD mỗi năm để đầu tư nguồn, lưới điện. Vì vậy, không thể dựa hoàn toàn vào nguồn lực trong nước mà phải có cơ chế để thu hút đầu tư nước ngoài hoặc cơ chế để doanh nghiệp trong nước hợp tác với nước ngoài với những chính sách rất cụ thể.
Đơn cử như những hợp đồng phải thể chế rõ rủi ro chứ không chỉ trách nhiệm, hợp đồng là cơ sở để xác định tổng vốn toàn bộ dự án hay vấn đề dòng tiền chung,… có rất nhiều đang vướng mắc, Phó Ban Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu vấn đề.
Theo ông, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng tham gia vào các dự án năng lượng tái tạo như PTSC có thể tham gia sản xuất các chân đế hay sản xuất các linh kiện.Phải giao cho các doanh nghiệp Nhà nước tham gia các dự án trọng điểm có yếu tố quốc phòng an ninh.
Nhà nước hiện đã có chủ trương, định hướng nhưng việc thể chế hoá còn đang vướng mắc. Sắp tới khi sửa đổi hàng loạt văn bản pháp luật như Luật Đấu thầu để làm sao các doanh nghiệp Nhà nước tham gia vào chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo. Thứ ba là điểm nghẽn về công nghệ.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Trường Thuỷ, Tổng Giám đốc CTCP Thuỷ điện Mai Châu cho hay: "Khi nghiên cứu Sơ đồ quy hoạch điện VIII, chúng tôi nhận thấy Chính phủ đang đi đúng hướng, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề để phát triển ngành điện".
Theo ông Thuỷ, hiện thuỷ điện đã đến hạn nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vì vậy phải phát triển năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề vướng mắc đối với năng lượng tái tạo. Đầu tiên là vấn đề về giá điện với các dự án năng lượng tái tạo. Theo đối tác nước ngoài, giá ưu đãi FIT của Việt Nam hiện khá cao so với các quốc gia trên thế giới, nhưng nếu đã ký hợp đồng 20 năm mà không duy trì được giá này thì Việt Nam sẽ gặp phải các vấn đề về khiếu kiện.
Ngược lại, nếu không có giá cao để ưu đãi thì lại rất khó thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, do dự án điện tái tạo cần chi phí lớn, thời gian triển khai dài.
Ông Thuỷ cũng chỉ ra một số bất cập về thủ tục, giấy tờ hành chính gây cản trở đến hoạt động đầu tư. Ví dụ như bản thân doanh nghiệp này sau một năm triển khai dự án điện mặt trời, phát lên lưới rồi lại bị hồi tố các thủ tục về đất đai.
"Hàng trăm triệu đồng tiền điện của doanh nghiệp sẽ không được thanh toán nếu không làm đủ hồ sơ giấy tờ", ông Thuỷ cho hay. Ông cũng đề xuất, Việt Nam nên tập trung vào điện gió, điện gió ngoài khơi thay vì phát triển ồ ạt điện mặt trời. Bởi, điện mặt trời cần hệ thống lưu trữ nếu không nguồn điện này không ổn định, không đáp ứng được yêu cầu kinh tế xã hội.
Cũng về góc nhìn của các dự án năng lượng tái tạo, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) Lê Mạnh Cường cho hay, các tổ chức quốc tế Việt Nam có tiềm năng về điện gió lớn nhất Đông Nam Á, vượt xa các quốc gia khác. Như Hội đồng năng lượng gió toàn cầu (GWEC) đã ước tính, Việt Nam có khoảng 600 GWh điện gió chưa khai thác, gồm 300 GWh điện gió ngoài khơi và 300 GWh điện gió trên bờ.
Đáng nói, ngay khi Việt Nam có chủ trương sơ bộ về thu hút đầu tư vào điện gió thì các nhà đầu tư quốc tế đã đến và thành lập văn phòng ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, công tác hướng dẫn chưa rõ ràng nên nhiều dự án đang trong giai đoạn khảo sát bị dừng lại. Giai đoạn trầm lắng của thị trường trong một vài năm trở lại đây khi chưa ban hành Quy hoạch điện VIII cũng như những vướng mắc về dự án năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư quốc tế đã có vẻ chần chừ khi đầu tư vào Việt Nam.
Ông Cường chia sẻ thông tin đáng tiếc về một tuần trước đây, Tập đoàn Orsted, Tập đoàn năng lượng lớn nhất Đan Mạch đã tuyên bố giảm mục tiêu tham vọng của họ từ 30 GWh xuống 28GWh cho đến năm 2030 và rút khỏi thị trường Việt Nam.
Về kế hoạch đầu tư phát triển dự án, Orsted cho rằng, thị trường Việt Nam chưa đủ hấp dẫn so với các thị trường khác. Tuy nhiên, Tập đoàn này cũng đánh giá dù không có sự hấp dẫn về mặt đầu tư, song về mặt sản xuất và chuỗi cung ứng thì Việt Nam vẫn là quốc gia tiềm năng trở thành trung tâm của Đông Nam Á.
"Năng lượng gió thì vô hạn nhưng nguồn lực đầu tư, nguồn lực vốn thì hữu hạn. Vì vậy, nếu không có những chính sách, cơ chế hướng dẫn cụ thể thì nguồn lực đầu tư này sẽ chuyển từ Việt Nam sang những khu vực khác trên thế giới", Tổng Giám đốc PTSC nhấn mạnh.
TheoDiendandoanhnghiep
0 nhận xét:
Đăng nhận xét