e

Thứ Ba, tháng 9 28, 2010

10 câu nói hay của Bill Gates


1. Thế giới vốn không công bằng, Bạn biết điều này chứ ? Dù bạn có nhận thấy sự bất công trong xã hội hay không thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi được nó. Việc cần làm là hãy thích nghi với nó.

2. Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn, điều mà họ quan tâm chính là thành tựu mà bạn đạt được. Do đó, trước khi có được những thành tựu thì bạn đừng nên quá chú trọng hay cường điệu lòng tự trọng của bản thân mình lên.

3. Thường thì bạn sẽ không trở thành CEO nếu chỉ mới tốt nghiệp trung học. Nhưng khi bạn đã trở thành CEO thì không còn ai để ý bạn mới chỉ tốt nghiệp trung học nữa.

4 Khi bạn gặp khó khăn hay bế tắc trong công việc thì đừng có oán trách số phận. Điều bạn học được khi gặp trắc trở chính là kình nghiệm và bài học để lần sau không bao giờ mắc phải nữa.

5. Nên hiểu một điều rằng: Trước khi có bạn, bố mẹ bạn không phải là những người “ chán ngắt , vô vị “ như bạn của ngày hôm nay đã nghĩ. Đây chính là cái giá rất lớn mà bố mẹ đã phải trả cho sự trưởng thành của bạn.

6.Khi đi học, bạn đứng thứ mấy trong lớp cũng không phải là vấn đề quan trọng. Nhưng khi đã bước chân ra xã hội thì mọi việc lại không đơn giản như vậy. Dù đi đâu hay làm công việc gì bạn cũng nên tạo đẳng cấp cho mình.

7.Khi đi học, bạn luôn mong chờ đến ngày nghỉ lễ, Tết. Khi đi làm thì hoàn toàn không giống như vậy, dường như bạn sẽ không được nghỉ ngơi. Công việc sẽ cuốn bạn đi bất cứ lúc nào kể cả ngày nghỉ.

8.Khi ngồi trên ghế nhà trường, lúc gặp khó khăn trong học tập thì có giáo viên giúp đỡ bạn. Tuy nhiên, nếu lúc đó bạn lại cảm thấy mọi khó khăn đều có những yêu cầu quá nghiêm khắc từ phía giáo viên thì bạn đừng nên đi làm sau khi tốt nghiệp. Đơn giản nếu như không có những yêu cầu nghiêm khắc từ phía công ty thì chắc chắn bạn sẽ không làm được gì và sẽ nhanh chóng thất nghiệp, hơn nữa lúc này sẽ không có ai giúp đỡ bạn cả.

9. Mọi người đều thích xem phim truyền hình, nhưng bạn không nên xem nhiều vì đó không phải là cuộc sống của bạn. Vì công việc ở công ty mới phản ánh cuộc sống thực của bạn.

10. Không bao giờ phê bình người khác sau lưng họ, đặc biệt đừng bao giờ phê phán sếp là người không có năng lực, điều này là không đúng

(Theo Internet )

Chủ Nhật, tháng 9 12, 2010

Hà Nội trong tôi




Kể từ năm 1992 đến nay, thấm thoát đã 18 năm tôi xa Hà Nội để vào TpHCM công tác cho đến khi về hưu năm 1998. Trong quãng thời gian trên tôi đã tranh thủ nhiều lần ra thăm HN nhất là khi Các Cụ thân sinh hai bên nội ngoại còn sống, sau khi Các Cụ qui tiên việc ra HN tuy có ít hơn, nhất là sau khi về hưu, nhưng vẫn cố gắng tranh thủ ra HN khi có dịp thuận tiện hay có những sự kiện lớn trong gia đình hay chi họ. Từ khi sinh ra ở HN từ năm 1938 tôi đã có 54 năm sống ở Thủ Đô, đã chứng kiến sự thay đổi của HN qua nhiều giai đoạn : HN thời Pháp thuộc, HN khi khởi nghĩa CMT8, HN bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp và bị tạm chiếm, HN được giải phóng, HN trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, HN sau khi miền nam được giải phóng, HN những ngày bao cấp, HN ngày đất nước mở cửa.và hội nhập với thế giới, rất nhiều kỷ niệm và ấn tượng còn đọng lại trong tôi, mà biểu hiện sâu sắc là :

- Thời thơ ấu cảm thấy HN xưa rất đẹp một cách bình dị, môi trường trong lành,phố xa vắng vẻ vì dân cư còn thưa thớt, những lễ nghi và phong tục truyền thống khá hấp dẫn, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu….

- Những năm 1945 người chết đói từ các tỉnh về HN khá nhiều, mà đến nay chỉ có những bức ảnh giá trị của Cố Nhiếp ảnh gia Võ An Ninh mới lột tả hết được sự khủng khiếp và tang thương của đồng bào ở miền quê lúc đó.

- HN những năm đầu tiên của CM Tháng 8 như thay da đổi thịt với khí thế hừng hực chào đón thời kỳ mới của đất nước , từ già đến trẻ ai ai củng hồ hởi tham gia các phong trào hay hoạt động tập thể một cách phấn khởi và tự giác, chứ không phải thụ động và tốn kém vận động như ngày nay. Cùng theo dòng người của thủ đô tôi đã vinh dự được tham dự mít tinh tại nhà hát lớn HN ngày 17/8/1945 và Lễ Tuyên Ngôn Độc lập 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử

- HN những ngày bước vào kháng chiến chống Pháp có những tiếc nuốc phải tiêu thổ nhà cửa, phố xá để phục vụ chiến đấu và phải rời xa đô thị nơi chôn rau cắt rốn tản cư về các vùng quê xa xôi.

- HN những năm 1954 cũng hừng hực khí thế mới vào những năm đầu giải phóng, sau trải qua cải tạo tư sản, cải cách ruộng đất, chống nhân văn giai phẩm …với những sai lầm thời đó không ít thì nhiều cũng tác động đến tâm tư và tình cảm của một số người dân Thủ Đô, may mà những vấn nạn phải giải quyết không lan rộng vì dân số cả nước tôi còn nhớ năm 1954 chỉ có 24 triệu người.

- HN những năm xây dựng của thời kỳ đầu bao cấp đã có nhiều đổi mới như nhiều chung cư đã mọc lên : Kim Liên, Trung Tự v.v, nhiều nhà máy công nghiệp nhẹ ra đời : nhà máy cao su Sao vàng, nhà máy bóng đèn phích nước Rạng đông với công nghệ nhập từ TQ…nhiều của hàng Mậu dịch quốc Doanh, nhưng các mặt hàng còn khan hiếm, bán hàng theo sổ hay tem phiếu phân phối. Tôi cùng gia đình đã trải qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp : gạo, thịt, lương thực, thực phẩm,vải vóc,thiết bị gia đình khan hiếm , rồi thiếu điện , thiếu nước v.v. Thời đó ai mua được chiếc xe đạp Thống Nhất là sang lắm rồi….Lúc đó phản ứng của người dân không gay gắt như bây giờ, và các phương tiện truyền thông lại ít đề cập đến những sự việc trong xã hội với phản ứng nhiều chiều như bây giờ.

- HN những năm trải qua hai cuộc chiến ném bom trên không của địch đã có bao nhiêu tổn thất và người chết, vì bom đạn tên lửa , nhất là bom giải thảm của máy bay B52,các cơ quan và dân cư phải sơ tán ra khỏi nội thành…. Nhà nào cũng phải đào hầm trú ẫn trong vườn nhà hay ngoài vỉa hè mặt phố, hay là đi sơ tán hàng tháng về nơi xa.Phương tiện giao thông lúc đó khó khăn và nguy hiểm, vì các bến xe, bến tầu thường xuyên bị oanh tạc, thế mà bà xã mới đẻ xong đã phải đạp xe đạp từ HN lên Yên Bái cách xa hàng trăm cây số để đi làm việc mà không gặp nguy hiểm gì. Việc phải đi nhờ các xe tải liên tỉnh từ xa về HN hay ngược lại là phổ biến, mà vẫn an toàn ít xảy ra những tiêu cực giống như ngày nay. Mọi người đối với nhau tỉnh cảm hơn bây giờ.

- HN những ngày thống nhất 2 miền tràn ngập không khí phấn khởi ai ai cũng náo nức được vô Nam để thăm Tp Sài gòn hiện đại mới được giải phóng, với những tin đồn như xe ôto chạy trên các con đường nhựa hiện đại để cốc nước không đổ, máy bay trực thăng có thể đỗ ngay trên đường…..Nhà nào nhà ấy cũng sắm dàn nhạc Akai, hay xe Honda sản xuất từ Nhật, nhưng hầu hết đã cũ….Năm 1977 tôi dẫn đoàn chuyên gia Liên Xô đi công tác miền Nam, được đi máy bay lần đầu tiên trong đời trên máy bay TU – 118 đã thấy rất khang trang hiện đại, ở KS Caravell – SG sang trọng, rồi những chuyến công tác sau này đến Nha Trang bằng ôto thấy nhà cửa ở đây to lớn hơn HN, được tắm biển ở các bãi biển Khánh Hòa hay Vũng Tầu thấy rộng rãi và sạch hơn Đồ Sơn, Sầm Sơn ở miền Bắc……Ai ai cũng hy vọng đất nước sẽ phát triển nhanh và mạnh, sau khi miền nam được giải phóng …..?

- HN những ngày đầu mở cửa , trên đường phố đã gặp khá nhiều người nước ngoài, hồi đó ai cũng có thể đi du lịch Thái Lan để xem cửa ngõ đầu tiên và gần VN, đặc trưng của nền kinh tế Tây Phương. Khoảng những năm 1990 – 1992 tôi lại được 2 lần từ HN đi dự hội thảo ở Pháp, transit qua Bangkok, lúc đó thủ tục làm giấy tờ xuất ngoại tuy đã thoáng hơn nhưng vẫn còn tập trung ở Bộ NG và Cơ quan quản lý xuất cảnh, mỗi lần đi trầy trật mới đổi được khoảng 100 USD

thế mà ra cửa khẩu vẫn bị…..Lần đầu tiên được sử dụng máy ảnh chụp phim mầu, vì lúc đó ở HN đã xuất hiện nhiều cửa hàng bán phim mầu và rửa ảnh mầu. Nhiều nhà cao tầng đã xây lên, phố phường đã khang trang hơn, xe máy nhập đủ loại đã chạy kín các nẻo đường, người ở nhiều vùng đất nước đã về HN sinh sống, dân cư THỦ ĐÔ ngày càng đông…

- HN khi chuyển mạnh sang kinh tế thị trường đã có nhiều bản sắc của đất nước trong khí thế xây dựng để phát triển, đáng chú ý nhất là trường Đại Học Bách Khoa HN nơi tôi học từ 1958 – 1962 đã được đầu tư xây dựng lại khang trang và to đẹp hơn. Nhiều công trình khách sạn sang trọng như Caravel, Hilton… đã mọc lên, nhà giam Hỏa Lò cũng được cải tạo thành cao ốc. Nước ngoài đầu tư vào HN ngày càng tăng, tiêu biểu như các công trình của tập doàn Daewo Hàn Quốc. Nhiều đường phố cũ đã được xây dựng lại khang trang hơn, và khá nhiều tuyến đường mới xuất hiện, làm thay đổi diện mạo thủ đô. Nhiều làng ven đô đã nhanh chóng đô thị hóa không còn nhận ra như làng Mọc quê tôi đã thành Khu đô thị Nhân Chính, làng hoa Nhật tân đã thành Khu đô thị cao cấp Ciputra, …Nổi bật nhất hiện nay là khu trung tâm Mỹ Đình với Cung Hội Nghị Quốc Gia, Sân vận Động…Năm 1999, Thủ đô Hà Nội đã được UNESCO phong tặng danh hiệu Thành phố vì Hòa Bình

- Nhớ về HN không thể kể hết những kỷ niệm, mà không rõ vì sao chỉ có những kỷ niệm xa xưa mới còn đọng lại lâu, như những ngày nghỉ đạp xe trên đường Cổ Ngư – Hô Tây thoáng mát, thăm các làng hoa Nghi tàm - Nhật Tân rực rỡ hoa đào vào những ngày cận tết thưởng thức hương vị ấm cúng của mùa Xuân,hay thăm vườn Bách Thảo, chùa Trấn Quốc, đền Quan Thánh …cùng với gia đình những khi rảnh rỗi với niềm vui thích, vì không có cảnh chen chúc. Rồi những đêm giao thừa đi bộ vòng quanh bờ hồ Hoàn Kiếm đón Tết Nguyên Đán trong tiếng pháo nổ ròn rã. …HN còn là hương vị của bốn mùa trong năm, đó là những ngày ấm áp của mùa xuân, mưa phùn rầm dề vào tháng 3, nóng nực hầm hập rát lưng vào thàng 6 – 7, dễ chịu và phong cảnh đẹp vào mùa thu, rét đậm tê tái mặt, mũi,chân, tay vào mùa đông. HN còn là sự thú vị khi thưởng thức những đặc sản như phở bò Bát Đàn, Lý Quốc Sư, chả cá Lã Vọng hàng Cân, cốm Vòng, đậu phụ làng Mơ, bánh cuốn Thanh Trì, bánh tôm hồ Tây, bún ốc, bún chả Mai hắc đế, kem Tràng Tiền…, thịt quay và xá xíu dòn và thơm hay tô tào phớ nòng hổi, chè chí mà phù ngọt lịm ở phố hàng Buồm. Nhớ những tiếng rao về đêm khuya của những người bán rong, hay thưởng thức mùi thơm của các loài hoa ( sữa , bàng lang, phượng..) khi đi trên các con đường rộng rãi mà hai bên vỉa hè không bị lấn chiếm………

- Tôi biết HN đã 2 lần mở rộng. Lần đầu tiến ngày 21 tháng 12 năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm năm huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hoài Đứcthị xã Sơn Tây của tỉnh Hà Sơn Bình cùng hai huyện của tỉnh Vĩnh PhúMê Linh, Sóc Sơn. Dân số Hà Nội lên tới con số 2,5 triệu người. Bên cạnh lượng dân cư các tỉnh tới định cư ở thành phố, trong khoảng thời gian từ 1977 tới 1984, Hà Nội cũng đưa 12.861 hộ, 21.587 nhân khẩu tới Lâm Đồng theo chính sách xây dựng kinh tế mới. Năm 1991, ranh giới Hà Nội lại được điều chỉnh, trả lại năm huyện và một thị xã đã lấy của Hà Sơn Bình năm 1978 cho Hà Tây và Mê Linh được nhập vào Vĩnh Phú. Hà Nội còn lại bốn quận nội thành và năm huyện ngoại thành, với diện tích đất tự nhiên 924 km².

Ngày 29 tháng 5 năm 2008, với gần 93% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô Hà Nội và các tỉnh, có hiệu lực từ 1 tháng 8 cùng năm. Theo nghị quyết, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình được nhập về Hà Nội. Từ diện tích gần 1.000 km² và dân số khoảng 3,4 triệu người, Hà Nội sau khi mở rộng có diện tích 3.324,92 km² và dân số 6.232.940 người, nằm trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Ngày 11 tháng 12 năm 2008, quận Hà Đông được thành lập từ thành phố Hà Đông trước đây và thành phố Sơn Tây cũng được chuyển thành thị xã Sơn Tây. Việc mở rộng HN , dân cư về sinh sống, làm ăn ngày càng đông, nạn ùn tắc giao thông xảy ra như cơm bữa nghe ra rả trên đài, công tác quản lý thủ đô trở nên hiện đại đã và sẽ khó khăn và phức tạp hơn xa xưa rất nhiếu, chưa tình đến những bất thường xảy ra do biến đổi khí hậu và tình hình trong và ngoài nước...

HN đã có "siêu qui hoạch " về xây dựng Thủ Đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với dự báo qui mô dân số đến năm 2030 là 10 triệu dân, trong đó có 6,4 triệu dân đô thị, đến năm 2050 là 15 triệu dân, trong đó có 12 triệu dân đô thị.Với qui hoạch này từ nay đến năm 2020, HN cần 34.000 ha đất sạch để phát triển và 160 tỷ USD để đầu tư cho hàng trăm dự án, hạng mục công trình xây dựng. Nhiều ý kiến đã đóng góp những mặt được và chưa được của qui hoạch trên, cảm nghĩ của tôi lo ngại về tính khả thi, nếu thực hiện không được sẽ trở thành qui hoạch treo, thiệt hại sẽ nhiều hơn.....

Mỗi lần có dịp ra HN, rong ruổi trên các nẻo đường, ai ai cũng thấy những đổi thay rõ rệt những vật thể hữu hình trong cuộc sống của thủ đô Hà Nội, giàu mạnh hơn và to lớn hơn, nhưng những vật thể vô hình như “ nếp văn hóa của HN “ còn khó thấy và đã pha tạp nhiều so với ngày xưa. “ Hy vọng rằng trong quá trình phát triển, Hà Nội vẫn giữ được nét hấp dẫn của riêng mình". Đó là lý do cơ bản mà nhiều du khách nước ngoài thích đến và thăm HN hơn TpHCM ( Hanoi is city of tourism ), vì HN có nhiều thế mạnh mà các thành phố khác trong nước không có, đó là các vật thể hữu hình : cây xanh nhiều, nhiều hồ lớn, nhiều di tích lịch sử , có nhiều phố cổ, các công trình mới tiêu biểu....và vật thể vô hình “ là phong thái và nếp sống văn hóa của người dân thủ đô hòa quyện giữa quá khứ, hiện tại và tương lai



Giọng ca ngọt ngào của Hồng Nhung cất lên đâu đó bài hát “ Nhớ về Hà Nội “ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, càng làm sao xuyến những người sinh ra ở HN nay đã đi xa như tôi :

“Dù có đi bốn phương trời

Lòng vẫn nhớ vế Hà Nội

Hà Nội của ta, thủ đô yếu dấu

Một thời đạn bom, một thời hòa bình “





......Một ngày Thu Sài Gòn nhớ về Hà Nội

Thứ Sáu, tháng 9 10, 2010

Tính sáng tạo của CEO

Tính sáng tạo của CEO: Nội lực phát triển của DN



Hội đàm Nghiên cứu Toàn cầu về CEO của IBM ngày 17/8/2010 tại Hà Nội

(baodautu.vn) 60% tổng giám đốc (CEO) toàn cầu được hỏi cho rằng, tính sáng tạo là phẩm chất quan trọng nhất của lãnh đạo và đây cũng được xem là nội lực giúp doanh nghiệp phát triển tốt trong sự phức tạp và bất ổn của nền kinh tế.

Viện Nghiên cứu giá trị kinh doanh IBM vừa chính thức công bố kết quả Nghiên cứu CEO năm 2010. Đây là nghiên cứu được IBM thực hiện hai năm một lần kể từ năm 2004 trên phạm vi toàn cầu.

Năm nay, số lượng CEO tham gia nghiên cứu đã lên tới trên 1.500 người, thuộc 33 lĩnh vực trên phạm vi 60 quốc gia, trong khi tại lần nghiên cứu đầu tiên, chỉ có trên 500 CEO trên toàn cầu tham gia nghiên cứu này của IBM. Trong đó, lần đầu tiên, các CEO của Việt Nam tham gia nghiên cứu này.

Kết quả Nghiên cứu CEO toàn cầu năm 2010 về thách thức lớn đối với các CEO trong giai đoạn phát triển 5 năm tới có sự khác biệt khá lớn so với kết quả của 3 năm trước. Cụ thể, năm 2004, các CEO được phỏng vấn cho rằng, thách thức lớn nhất là tăng trưởng doanh thu, năm 2006 là đổi mới mô hình kinh doanh, còn trong năm 2010, sự phức tạp và bất ổn của nền kinh tế được các CEO coi là vấn đề khó kiểm soát hơn cả. Có tới 79% trong tổng số trên 1.500 CEO tham gia nghiên cứu cho rằng, mức độ phức tạp và bất ổn của nền kinh tế sẽ ngày càng gia tăng trong vòng 5 năm tới. Chỉ có 49% các CEO cảm thấy đã sẵn sàng đối phó với độ phức tạp đã được dự báo.

Tuy nhiên, các CEO cho rằng, chính sự thay đổi và bất ổn của nền kinh tế lại tạo ra những cơ hội phát triển mới và lợi thế cạnh tranh đối với những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt cho những thay đổi này. Ông Juan Ramon Alaix, Chủ tịch Pfizer Animal Health (Hoa Kỳ) - một trong những CEO tham gia cuộc nghiên cứu - cho biết: “Không nên coi sự phức tạp như một gánh nặng cần tránh. Chúng tôi coi đó là một chất xúc tác và là một nhân tố hỗ trợ để sáng tạo và đưa ra những phương thức mới để tạo giá trị”.

Theo bà Anita Mehta Iyer, Phó giám đốc, kiêm Lãnh đạo chiến lược và đổi mới khu vực ASEAN thuộc Bộ phận Dịch vụ tư vấn kinh doanh toàn cầu IBM, phần đông các CEO tham gia phỏng vấn đều cho rằng, để tìm kiếm cơ hội trong sự phức tạp và bất ổn, cần phải có 3 yếu tố là năng lực sáng tạo, đổi mới các mối quan hệ với khách hàng và xây dựng tính uyển chuyển trong hoạt động.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 60% CEO được hỏi cho rằng, tính sáng tạo là phẩm chất quan trọng nhất của lãnh đạo và đây cũng được xem là nội lực giúp doanh nghiệp phát triển tốt trong sự phức tạp và bất ổn của nền kinh tế. Theo bà Anita Mehta Iyer, để thể hiện năng lực sáng tạo, các CEO cần phải chấp nhận sự bất ổn, chấp nhận những rủi ro từng phá vỡ các mô hình kinh doanh cũ và vượt khỏi ranh giới của phong cách quản lý “dò dẫm”.

Về yếu tố đổi mới các mối quan hệ với khách hàng, 88% các CEO cho rằng, gần gũi hơn với khách hàng là ưu tiên hàng đầu và là việc cần phải tập trung trong vòng 5 năm tới. Bên cạnh đó, để đổi mới quan hệ với khách hàng, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng thông qua cộng tác và chia sẻ thông tin, đồng thời khai thác sự bùng nổ thông tin để cung cấp các dịch vụ khách hàng chưa từng có.

Yếu tố thứ ba giúp doanh nghiệp có được cơ hội trong sự thay đổi và bất ổn là xây dựng tính uyển chuyển trong hoạt động. Có trên 54% các CEO tham gia phỏng vấn đưa ra nhận định rằng, đây là yếu tố quan trọng để kiểm soát tốt hơn sự phức tạp, đồng thời là nhân tố thiết thực tạo ra nguồn tăng trưởng mới cho doanh nghiệp.

Trong khi năng lực sáng tạo được xem là nội lực của doanh nghiệp, thì sự phát triển của công nghệ được xem là một trong 3 ngoại lực quan trọng đối với các CEO trong việc điều hành doanh nghiệp. Theo bà Anita Mehta Iyer, các CEO tham gia phỏng vấn cho rằng, 3 động lực bên ngoài quan trọng nhất trong vòng 3 năm tới đối với doanh nghiệp là thị trường, công nghệ và kinh tế vĩ mô. Trong đó, yếu tố thị trường là ngoại lực quan trọng hàng đầu, với tỷ lệ 56% công nhận của các CEO. Tiếp đến là nhân tố về công nghệ với tỷ lệ 39%.

Điều đáng nói ở đây là, nếu trong cuộc khảo sát năm 2004, nhân tố công nghệ chỉ được các CEO coi là ngoại lực quan trọng đứng hàng thứ 6, thì trong năm 2010, nhân tố công nghệ đã vươn lên đứng ở vị trí ngoại lực quan trọng đứng hàng thứ 2, sau yếu tố thị trường. Theo ông Võ Tấn Long, Tổng giám đốc IBM Việt Nam, sự ảnh hưởng của công nghệ đã được các CEO coi như là một ngoại lực quan trọng để tạo cơ hội thành công cho doanh nghiệp.

Kết quả nghiên cứu trên cũng đã được IBM công bố tại Việt Nam, với sự tham gia của số lượng khá lớn các CEO thuộc các doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Theo ông Võ Tấn Long, đa phần các CEO cho rằng, nghiên cứu đã phần nào phản ánh được điều mà các CEO Việt Nam đang trăn trở. Đồng thời, các CEO Việt Nam cũng đóng góp thêm một số nhận định và ý tưởng táo bạo mà nghiên cứu chưa đề cập, như làm thế nào để đưa doanh nghiệp, hay thậm chí là đưa nền kinh tế Việt Nam, lên tầm cao hơn trong chuỗi giá trị; hay phải làm sao “đưa thuyền ra biển lớn” để thay đổi chính mình và nâng cao sức cạnh tranh… Đó cũng là những câu hỏi mà các CEO Việt Nam đang ấp ủ cho chính doanh nghiệp của mình.

Thứ Năm, tháng 9 09, 2010

Vai trò của các CEO trong các DN VN nhỏ và vừa

Theo các nghiên cứu thì ở VN các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ tới 80% tồng số các DN. Đó là một đặc điểm ở một nước đang phát triển như VN tuy đã hội nhập với thế giới và là thành viên của WTO. Tuy giữa các DN nhỏ và vừa khác nhau về tính chất kinh doanh, về qui mô góp vốn, về số lượng nhân viên, nhưng nói chung đã hình thành những người quản lý , nhất là Giám Đốc điều hànhCEO ( Chief Executive Officer ) tự học hỏi hay đã qua đào tạo, mà trong hoàn cảnh nhỏ bé của tổ chức DN loại này, họ còn phải kiêm nhiệm các chức năng của Giám Đốc Nhân Sự - HRM ( Human Resource Manager ) ; hay Giám Đốc Tài Chính - CFO ( Chief Financial Officer ) – đôi khi phải hiểu biết về nhiệm vụ của Giám Đốc Kinh DoanhCCO ( Chief Customer Officer ); Giám Đốc Tiếp Thị - CMO ( Chief Marketing Officer ); Giám Đốc quan hệ công chúngPRM ( Public Relation Manager ). Ngày nay ở hầu hết các DN đều có sử dụng IT nên các CEO ít nhiều cần có kiến thức cơ bản về IT

Sau gần 10 năm hoạt động của AXIS Research Co., Ltd ( 2001 – 2010 ), ít nhiều cũng thu thập được những kiến thức và kinh nghiệm vế các vấn đề trên, mà những kiến thức cần thiết cho nhu cầu điều hành công ty sẽ nói tóm tắt ở dưới đây :

a/ Về CEO :

- Tổ chức quản lý doanh nghiệp

- Nghiên cứu thị trường

- Hoạch định chiến lược kinh doanh - marketing

- Các kỹ năng quản lý : tổ chức &nhân sự; nghệ thuật lãnh đạo, thương lượng đàm phán; giải quyết vấn đề và ra quyết định, xây dựngvăn hóa doanh nghiệp, về mục tiêu PR

- Luật kinh doanh : Kế toán – tài chính cho CEO; kỹ năng phân tách chi phí và kết quả kinh doanh

- Luật vế thuế

b/ Về HRM :

- Tổng quan về quản trị doanh nghiệp

- Tổng quan về lãnh đạo và quản trị nhân sự

- Chiên lược và kế hoạch nhân sự

- Hệ thống lương và phúc lợi

- Chính sách và chế độ nhân sự

c/ Về CFO :

- Vai trò của CFO

- Phân tách báo cáo tài chính

- Phân tách và xử lý lợi nhuận

- Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ

- Điều hành kế toán và kiểm toán

- Luật về kinh tế

d/ Về CCO :

- Phân tách khách hàng tiềm năng và đối thủ cạnh tranh

- Đối sách thích hợp từng giai đoạn

e/ Về CMO :

- Hiểu biết “ 6 in 1 “ : marketing, thương hiệu, PR, Event, creative, products

f/ Về PRM :

- Kỹ năng về giao tiếp trí tuệ

- Kỹ năng lạp kế hoạch truyền thông và chiến dịch PR

- Kỹ năng tổ chức sự kiện

- Kỹ năng quản trị rủi ro…..

Đến nay ở VN đã có nhiều trường Đại Học và Trung tâm Đào Tạo các chức danh trên, nên có thuận lợi về giáo trình chuyên môn. Gần đây câu lạc bộ các CEO và các sinh hoạt của CEO đã hình thành và bắt đầu hoạt động. Đáng khích lệ là các trang web dành riêng cho các CEO tìm hiểu và trao đổi ngiệp vụ đã hình thành ở VN như :

www.ceocenter.vn

www.trolygiamdoc.com

www.thukygiamdoc.com

www. Doanhnhansaigon.vn

www.doanhnhan.asia.com

www.dddn.com.vn

..........

( Tản mạn )