Thứ Sáu, tháng 6 23, 2023

Tại sao cần tách A0 ra khỏi EVN?

 

Hệ thống điện quốc gia bao gồm 4 khâu Nguồn (các nhà máy sản xuất điện), Truyền tải, Phân phối và Tiêu thụ điện năng. Hiện nay, ngoài nguồn điện có sự tham gia của tư nhân và các doanh nghiệp khác, có thể nói hầu như cả 4 khâu này đều đang trực thuộc EVN.

Trong thị trường điện, A0 đang giữ 2 vai trò là Điều độ hệ thống (System Operator - SO) và Điều hành giao dịch thị trường điện (Market Operator - MO).
Tuy nhiên, trong một thị trường điện cạnh tranh, điều độ cần tách bạch độc lập để tránh liên quan về mặt lợi ích với nguồn điện và thị trường, hay cụ thể hơn là mối quan hệ giữa các nguồn điện với nhau, giữa nguồn và bên mua trong một thị trường.
Huy động nguồn điện linh hoạt, hợp lý, giảm tối đa sự cố điện, vận hành thị trường điện cạnh tranh công bằng, minh bạch, bảo đảm cấp điện liên tục, an toàn và chất lượng… là những nhiệm vụ quan trọng của A0.
Do đó, nhằm đảm bảo các tiêu chí về tính độc lập, khách quan của A0 so với hiện tại, khả năng phối hợp với các đơn vị liên quan và khả năng linh hoạt đổi mới, sáng tạo của đơn vị, tại Tờ trình gửi Thủ tướng do Thứ trưởng Đặng Hoàng An ký ngày 14/6, Bộ đề xuất 2 phương án chuyển đổi mô hình quản lý, chỉ đạo A0.
Trong đó, Phương án 1, A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương. Phương án 2, A0 trở thành Công ty TNHH một thành viên (TNHH MTV) Vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ưu tiên chuyển nguyên trạng A0 (SO và MO) về Bộ, theo phân tích của Thứ trưởng An trong điều kiện hiện nay, mô hình đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện là phù hợp. Trong giai đoạn tiếp theo, sau khi Luật Giá và Luật Điện lực sửa đổi được ban hành, có thể xem xét thêm phương án 2.
Song song với việc điều chuyển mô hình quản lý, Thứ trưởng An cũng kiến nghị việc cần phải có cơ chế tài chính đặc thù để đảm bảo nhân lực của AO không bị xáo trộn, dẫn đến những rủi ro về vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả hệ thống điện.
Do tính chất đặc thù và vai trò đặc biệt quan trọng, A0 là nơi tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao, là lực lượng tối quan trọng đối với vận hành an toàn, kinh tế hệ thống điện, cần phải duy trì ổn định và không dễ dàng thay thế. Do đó, các nhân sự đáp ứng yêu cầu được bố trí công việc với lương theo chức danh ở mức cao, có tính cạnh tranh.
Trao đổi với tôi, một chuyên gia độc lập về thị trường điện cho rằng: “Đây là bước đi đúng đắn và quan trọng đầu tiên để phát triển một thị trường điện bền vững”.
Bên cạnh tán thành việc tách Điều độ hệ thống ra khỏi EVN, ông bổ sung thêm: “Cần tăng thêm sự minh bạch thị trường nguồn điện, đặc biệt là công tác thiết lập giá thị trường nguồn điện.
Ngoài ra, việc tập trung soạn thảo các qui định về việc công bố và minh bạch thông tin vận hành, thông tin nguồn, truyền tải, giá thị trường… cũng rất cần thiết để có một thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa”.
Sửa đổi bổ sung đồng bộ các quy định pháp luật hiện hành để đảm bảo sự hoạt động của A0
Qua rà soát các quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương không có chức năng thực hiện việc quản lý, điều hành trực tiếp A0. Do đó để điều chỉnh việc quản lý, chỉ đạo A0 về Bộ Công Thương theo quy định của Đảng và Nhà nước, Bộ đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 26/2018/NĐ-CP quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN để bỏ nội dung “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia;” khỏi danh mục các ngành, nghề kinh doanh chính của EVN, bỏ A0 điện quốc gia khỏi danh sách các đơn vị trực thuộc EVN.
Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi bổ sung Nghị định số 96/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương để bổ sung, làm rõ thêm chức năng “chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia” trong nhiệm vụ của Bộ Công Thương.
Đây là những đề xuất rất quan trọng nhằm đảm bảo Bộ Công Thương có đủ quyền hạn và công cụ đủ mạnh trong trường hợp điều độ thiếu nguồn, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.
Ngoài ra, một số văn bản khác do Bộ Công Thương ban hành cũng cần được rà soát, sửa đổi bổ sung để chuyển chức năng điều hành, chỉ đạo A0 từ EVN về Bộ Công Thương cũng như quy định chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trong Bộ có liên quan đến A0, nhất là những chức năng, nhiệm vụ thay thế cho vai trò của EVN...

FbLinhTran

10 bình luận


0 nhận xét: