Thứ Ba, tháng 8 16, 2011

Nhiên liệu sinh học

Tin Tham Khảo :

Các nhà hoạt động môi trường của tổ chức Hòa bình Xanh – Greenpeace, vừa công bố kết quả một công trình nghiên cứu, trong đó đã đặt nghi vấn cho ưu thế chính của nhiên liệu sinh học là an toàn đối với môi trường.

Triệt hạ cỏ dại, cây bụi để trồng cây nhiên liệu sinh học đã làm tăng lượng khí thải CO2

Nếu tin vào kết luận của Greenpeace thì xăng sinh học chế từ cây cỏ, làm hại cho môi trường còn kinh khủng hơn so với nhiên liệu truyền thống được lọc từ dầu mỏ.

Công trình nghiên cứu của Greenpeace dựa trên số liệu của Braxin, Inđônêxia, Mỹ và các nước Liên hiệp Châu Âu (EU) vốn là những nơi trồng nhiều hạt cải dầu, cọ, đậu tương, ngô, mía, sắn để chiết xuất thành xăng. Nhiên liệu sinh học được chế ra từ dầu thực vật đã qua xử lý bằng methanol hay ethanol. Nhiên liệu sinh học có thể được dùng ở dạng nguyên chất hoặc trộn với dầu diesel thông thường.

Tại Châu Âu xăng sinh học được khuyến khích bằng các biện pháp hành chính: tỷ lệ nhiên liệu sinh học tối thiểu trong dầu diesel thông thường được quy định bằng pháp luật và mỗi năm một tăng. Hiện tại nhà cung cấp dầu diesel buộc phải pha trộn diesel từ dầu mỏ với ít nhất 5,75% nhiên liệu sinh học.

Tổ chức Greenpeace lưu ý rằng để trồng cây nhiên liệu cho xăng sinh học thì khắp nơi trên thế giới người ta đã chặt phá hàng trăm hec-ta rừng khiến cho khí thải CO2 tăng cao. Từ đây mà có hiệu ứng khí hậu tiêu cực được nhắc đến trong công trình nghiên cứu của Greenpeace. Bản thân các đồn điền trồng cọ hay đậu tương không bù đắp được sự thiệt hại từ việc phá rừng. Tại Châu Âu việc triệt hạ cỏ dại, cây bụi để trồng cây nhiên liệu sinh học đã làm tăng lượng khí thải CO2 lên 56 triệu tấn, tương ứng với lượng khí thải hàng năm của 20 – 26 triệu xe ô tô chạy bằng xăng.

Để so sánh thiệt hại từ việc đốt cháy nhiên liệu thông thường với thiệt hại từ xăng sinh học ta lấy lượng khí thải CO2 từ xe Volkswagen Golf (chạy 100 km hết 8,8 lít xăng) làm chuẩn. Nếu chiếc xe này vượt qua quãng đường 300 m bằng nhiên liệu chiết từ dầu cọ thì nó nhả vào khí quyển chỉ 35 g khí thải chứ không phải 74 g như khi chạy bằng dầu diesel tinh lọc từ dầu mỏ. Nhưng nếu cộng vào đây hiệu ứng từ việc phá rừng thì sau quãng đường 300 m chạy bằng nhiên liệu sinh học lượng khí thải độc hại mà động cơ nhả ra sẽ lên tới 89 g. Như vậy là xăng sinh học độc hơn xăng thông thường!

Các tác giả của công trình nghiên cứu có thiện cảm hơn đối với nhiên liệu sinh học ethanol. Đây là cồn ethanol được chiết ra từ cây mía hoặc ngô. Ethanol có thể được pha thêm xăng thông thường hoặc được dùng nguyên chất để chạy xe.

Vladimir Chuprov, Giám đốc Chương trình năng lượng Greenpeace tại Nga, giải thích rằng kết luận chính của công trình nghiên cứu nói trên không phải là để phủ nhận nhiên liệu sinh học mà lưu ý tới cách tiếp cận hợp lý trong việc thay thế xăng thông thường

Ông nói: “Từ góc độ khí hậu thì sản xuất nhiên liệu sinh học không phải là vô hại, nhưng có thể giải quyết vấn đề này. Đối với hệ sinh thái thì so với dầu cải và dầu cọ dĩ nhiên nên chọn ethanol sinh học và khí sinh học hơn”.

Greenpeace cho rằng đối với riêng Nga, Canađa và Braxin thì lãnh thổ rộng lớn cho phép trồng nhiều cây nhiên liệu mà không làm tổn hại đến sinh quyển.

Chuprov cho biết: “Ở Nga đất canh tác bị bỏ hoang tới 40 – 60 triệu ha, mà đó là con số chính thức, có thể trồng trên đó các loại cây phát triển nhanh để chế khí sinh học hay cồn ethanol, mỗi ha thu được 10 tấn nhiên liệu. Nhân lên 40 triệu ha thì ta có 500 triệu tấn nhiên liệu. Cả nước Nga cũng chỉ dùng tới 1 tỷ tấn mà thôi”.

Mặc dù ở Nga vấn đề nhiên liệu sinh học không cấp thiết như ở các nước EU song việc nghiên cứu theo hướng này cũng đang được thực hiện. Vladimir Volodin, Giám đốc Phòng Thí nghiệm Hóa sinh và Công nghệ sinh học thuộc Viện Sinh học Komi, cho biết rằng các nhân viên của ông đang thử nghiệm trồng vi tảo đơn bào.

Vi tảo cũng là nhiên liệu sinh học, nó có thể thay cho các loại nông sản nhưng không cần đất trồng. Có thể nuôi vi tảo tại các hồ nước chuyên dụng và tỷ lệ năng lượng của loại thực vật này cũng khá lớn. Tuy nhiên, ở Nga việc chuyển sang nhiên liệu sinh học chưa phải là vấn đề của hôm nay mà cũng chưa phải của ngày mai.

Các chuyên gia cho rằng nhiên liệu sinh học có độ axit cao, còn chất este chứa trong đó có thể gây hại cho động cơ, trong khi đó việc tinh lọc lại quá đắt đỏ.

Các nhà sản xuất nhiên liệu cũng chưa quan tâm tới xăng sinh học. Dmitry Dolgov, đại diện chính thức của đại gia dầu mỏ Lukoil, nhấn mạnh: “Hãng chúng tôi hiện chưa sản xuất nhiên liệu sinh học và cũng chưa nghiên cứu việc này. Tại EU có đòi hỏi phải pha 5,75% nhiên liệu sinh học vào dầu diesel thông thường. Ở Nga chưa có luật như vậy, do đó mà thị trường cũng không có. Song Nga đang chuẩn bị gia nhập WTO nên rõ ràng sớm hay muộn cũng sẽ xuất hiện những đòi hỏi như vậy”.

(theo Izvestia.ru)

0 nhận xét: