Mấy ngày vừa qua, miền bắc nước ta gặp cái họa lớn, đó là ông trời làm cho thời tiết oi nồng, vùng rừng núi không mưa làm cho một số nhà máy thủy điện có hồ chứa cạn trơ đáy, đương nhiên là phải giảm công suất phát, đương nhiên là phải hạn chế người dùng điện, đương nhiên là ngành điện bị chửi, rồi cũng đương nhiên là anh giám đốc Trung tâm điều độ quốc gia bị mất chức. Không biết đúng sai thế nào, riêng tôi cho là anh giám đốc này bị oan, xử không đúng người đúng tội. Nếu ai đã từng làm việc trong ngành điện thì đều biết, cái nhiệm vụ chính của Trung tâm điều độ là “điều tiết” trong việc huy động công suất các nhà máy điện sao đạt hiệu quả kinh tế và kỹ thuật cao nhất. Nói nôm na là khi nào thì huy động nhiều nguồn điện có giá thành thấp, khi nào thì hạn chế bớt nguồn điện có giá thành cao nhưng phải bảo đảm an toàn cho hệ thống điện. Đó là nhiệm vụ chính của cái trung tâm này, chứ nó chả cắt điện của ai, cắt hoặc hạn chế là mấy anh làm công việc bán điện cơ.
Tôi có cảm tưởng rằng, việc cách chức giám đốc của cái Trung tâm này và việc tổ chức thanh tra ngành điện trong lúc nó gặp khó khăn nhất (hạn hán), có mùi “dân túy” chứ đáng lẽ ra phải xắn tay áo lên đi mà giải quyết, đằng này lại bảo, “mày ngồi xuống đây để tao kiểm điểm”. Mấy chục năm làm trong ngành điện, tôi biết quy luật của ông trời, đó là cứ tiếp theo năm mưa nhiều là đến một năm hạn.
Cũng lại là một cái bệnh chả hiểu gì về chức năng của cái Trung tâm điều độ, nó sinh ra để giúp cho cái EVN khai thác nguồn điện hợp lý, thì có ông lại định đá nó lên nhập vào cùng bộ máy của bộ MOIT. May mà Bộ Nội vụ còn tỉnh, chứ đã ngà ngà say như ai đó mà đồng ý thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra sau này.
Còn cái việc tư nhân hóa ngành điện hay bất cứ một ngành có tính chiến lược của quốc gia, như có người đòi hỏi, bởi họ “chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ” đó thôi. Mới chỉ cho tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các nhà máy điện đã ối chuyện để nói. Ở đây lão chỉ nói về giá mỗi ki-lô-oắt giờ họ bán cho EVN đều dựa trên cơ chế thị trường, chứ không có chuyện bao cấp như mấy ông Cộng sản làm dưới thời bao cấp. Lợi nhuận trên hết như Marx mô tả về chủ nghĩa tư bản, tức là cái cơ chế thị trường đấy. Ngày nay, điện từ các nhà máy điện của tư nhân (trong nước và nước ngoài) thì mua bán theo cơ chế thị trường, tức thuận mua vừa bán, còn lại thì nhà nước quản lý theo cơ chế “định hướng XHCN”, đó là các nhà máy điện do nhà nước đầu tư, hệ thống truyền tải điện do nhà nước đầu tư, lưới điện phân phối do nhà nước đầu tư. Nhờ có thế nên vùng sâu vùng xa, hải đảo mới có điện, chứ để cho tư nhân thì nhân dân ở những nơi đó cứ vêu mõm lên mà chờ. Đó là CNXH.
Còn chuyện giá điện có phải điều chỉnh, thì chủ yếu dựa trên giá nhiên liệu (than, dầu, khí), giá trên thế giới mà lên thì giá điện cũng phải lên theo (vì chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu), chứ mấy nhà máy điện do tư nhân đầu tư chẳng bao giờ chịu lỗ và bù giá cho người dùng điện. Hiện nay đã thế, và sắp tới cũng thế, có khi còn hơn thế, vì sẽ có một số nhà máy do tư nhân đầu tư dùng khí hóa lỏng (LNG) phải nhập từ nước ngoài.
Mấy hôm nay, trời đã chuyển sang mưa rào, con người lão cũng bớt hâm hấp nên mới viết bài này. Chứ mấy hôm trời nóng chảy mỡ mà lão còn đốt lửa lên nữa thì ngay bản thân lão cũng không chịu nổi.
Nhân nói chuyện tư nhân hóa, lại đúng vào dịp cái đám lính đánh thuê tư nhân Wagner ở Nga tính làm binh biến, mới thấy tư nhân quản lý mọi chuyện thì làm gì có “phát huy tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng”, mà chỉ là “quyền và lợi”. Cái lão Prigozhin ngày 24/06 vừa qua thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà buôn.
Nhưng cũng có thể nói, tình hình nước Nga, đặc biệt là Putin, rất khó để người ta tiên đoán chính xác điều gì đã và đang xảy ra. Biết đâu việc Prigozhin tính làm phản rồi lại ngoan ngoãn rút quân rồi đi sang Belarus, chỉ là diễn theo kịch bản mà Putin là tác giả kiêm đạo diễn. Việc gì cũng có hai mặt.
Song dù sao cũng là một bài học về tư nhân hóa./.
Hình trong bài: Prigozhin, một bài học về tư nhân hóa.
Ngày 26/06/2023
Ngã Thị Dã
0 nhận xét:
Đăng nhận xét