e

Thứ Hai, tháng 3 21, 2011

Nhật ký Fukushima

Kỳ 1: Phóng xạ ở Nhật có lan đến nước ta không?

SGTT.VN - Để kịp thời cập nhật thông tin, và nhận diện đúng mức nguy cơ hạt nhân Fukushima, Sài Gòn Tiếp Thị đã mời giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên viện trưởng viện Hạt nhân Đà Lạt giữ chuyên mục Nhật ký Fukushima.

Ảnh 1: Đường đi của bụi phóng xạ theo hướng bắc – đông bắc và vị trí của Việt Nam. Ảnh:

Phóng xạ đang tăng lên ở Fukushima, vượt lên trên ngưỡng gây tác hại rõ rệt đến sức khoẻ con người, nhất là các nhân viên trụ lại tại cơ sở hạt nhân Fukushima, và chắc còn tiếp tục tăng lên trong những ngày tới.

Ngày 12.3, sau khi có tin phóng xạ đã tung ra môi trường bên ngoài nhà máy, được hỏi liệu nó có lan đến Việt Nam không và tác hại thế nào, một chức sắc đã nhanh nhảu: “Chúng tôi đang theo dõi... nhưng chưa thấy gì!” Thật ra, quan trắc phóng xạ trong môi trường không đơn giản như ngồi ở nhà bật tivi lên để “theo dõi” trận đá bóng trên sân vận động Mỹ Đình. Đây là một khoa học liên ngành, khá phức tạp.

phóng xạ không đi nhanh như ánh sáng để chưa đầy tích tắc đã đến Việt Nam. Thậm chí, nó lan truyền còn chậm hơn sóng thần, khoảng 800km/h. Bụi phóng xạ lan theo các khối không khí, mỗi ngày chỉ đi được vài trăm cây số, tựa như gió mùa đông bắc lan đến miền Bắc nước ta trong các bản tin thời tiết hàng ngày.

Kiểm tra phóng xạ cho người dân tại Nhật Bản. Ảnh: AFP

Thứ hai, “có mời” chưa chắc nó đến. Mà nó đã không đến thì máy móc có tối tân bao nhiêu cũng không phát hiện ra, nói chi đến tác hại lên sức khoẻ con người. Ở một thời điểm nhất định sau khi bốc lên, nó lan truyền theo một quỹ đạo nhất định.

Trong sáu ngày qua và mấy ngày tới nó thường đi thẳng ra biển phía đông Fukushima, trong vòng cung đông nam – bắc. Vì chưa có số liệu khí tượng cho nhiều ngày tới, nên để hình dung chất phóng xạ sẽ lan theo hướng nào, ta có thể nhờ cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ, nơi có cơ sở dữ liệu quan trắc khí tượng đầy đủ từ trước đến giờ, tính giúp quỹ đạo lan truyền cho cùng thời kỳ này năm ngoái, từ 15.3 đến 10.4.2010.

Trên ảnh 1 là các quỹ đạo lan truyền trong 96 giờ (bốn ngày), mỗi ngày bắt đầu từ 0 giờ GMT. Ta thấy chúng chỉ đi về hướng bắc – đông bắc. Kết quả tính toán cho thấy nếu lan đến nước ta, nó phải mất không ít hơn năm ngày.

Thứ ba, trên đường lan truyền nồng độ phóng xạ trong không khí bị pha loãng rất nhanh, nên khi đến nước ta tác hại sẽ giảm hẳn so với điểm xuất phát (hôm qua Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã trấn an dân Trung Quốc đừng quá lo chuyện này!). Ảnh thứ hai giúp ta hình dung quá trình pha loãng này. Sau một ngày lan truyền, nồng độ phóng xạ trong không khí giảm đi 1.000 lần so với vị trí ban đầu. Sau bốn, năm ngày sẽ còn giảm nhiều hơn nữa. Lại phải giả thiết thêm là nếu có mưa trên đường lan truyền, nhất là ở điểm xuất phát, nồng độ còn pha loãng thêm. Điều kiện thời tiết ở điểm xuất phát ảnh hưởng rất lớn, có thể làm cho mức độ phóng xạ tại đó thăng giáng nhiều lần giữa buổi trưa (lúc phóng xạ thường bốc lên rất cao), và ban đêm (phóng xạ thường lẩn quẩn trong tầng khí quyển sát đất).

Rất tiếc, hiện nay chưa có thông tin về lượng chất phóng xạ thoát ra từ nhà máy nên ảnh 2 chỉ cho ta ấn tượng về mức độ pha loãng phóng xạ trong quá trình lan truyền, không thể nói gì cụ thể và thực tế hơn.

Ảnh 2: Nồng độ phóng xạ trong không khí giảm dần trên đường lan truyền (màu biểu thị nhạt dần).

Thứ tư, nó có đến, chưa chắc đã phát hiện được. Trong nhiều năm gần đây, rất nhiều dự án về phóng xạ môi trường được nhà nước tài trợ, nhưng kết quả khoa học quá ít ỏi. Nhớ lại hơn 25 năm trước, chúng ta là nước độc nhất trong vùng Đông Nam Á ghi được phóng xạ từ Chernobyl và nghiên cứu quy luật của chúng, kết quả khoa học này vẫn còn lưu giữ trong các tạp chí quốc tế.

Các hãng thông tấn hôm 16.3 đưa tin tình trạng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima là “gần Chernobyl”. Một số chuyên gia đã nâng tai nạn lên cấp 6 theo thang quốc tế, chỉ dưới Chernobyl (cấp 7, cao nhất) (xem box). Mong cho điều tồi tệ nhất không xảy ra. Nhưng nếu lò bị nổ do áp suất và nhiệt độ quá cao (tuy vẫn chưa phải là Chernobyl), thì phóng xạ sẽ nhiều hơn và bốc lên cao hơn, nên hoàn toàn có thể phát hiện được ở Việt Nam bằng những thiết bị hiện có.

Trong bất cứ tình huống nào, nhân cơ hội này phải tổ chức nghiêm túc lại công tác quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Đây không phải là lúc nói mà không làm gì đúng thực chất. Fukushima cách ta hơn 5.000km, nhưng rồi đây nhà máy điện hạt nhân sẽ ở ngay trong nước ta, hoặc chỉ cách biên giới 60km phía bên Trung Quốc.

Kỳ 2: Cái nghiệp hạt nhân

SGTT.VN - Với những ai đã trót mang lấy cái nghiệp “hạt nhân” vào thân, tuần lễ qua là những ngày dài và đêm thâu cùng ăn cùng ngủ với Fukushima.

Lính cứu hoả phun nước vào làm mát lò phản ứng số 3, hôm 18.3. Ảnh: Kyodo

Ăn lấy lệ, ngủ chập chờn, những đám khói bụi phóng xạ hết màu xám đến màu trắng đục trên bầu trời xứ hoa anh đào đang mùa nở rộ luôn lởn vởn trong đầu cùng bao nhiêu câu hỏi dập dồn: việc gì đã đến và việc gì sẽ đến? Hết thắc mắc lại day dứt rồi tự vấn: chả lẽ một khoa học đẹp đến thế lại có thể mang bất hạnh đến cho con người đúng vào lúc mà những nổi bất hạnh do thiên nhiên gây ra đã quá đủ? Và chỉ ai quên hết gốc gác mới tự mình tước đi cái quyền lo lắng, liệu điện hạt nhân ở Việt Nam rồi sẽ ra sao?

Tiếc thay, đang lúc này, khi mà ngay các chuyên gia hàng đầu thế giới liên tục bị ngỡ ngàng trước bao nhiêu kịch bản chưa hề được trải nghiệm, thậm chí chưa hề nghĩ đến, ta lại nghe những khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng “Việt Nam sẽ có lò phản ứng (LPU) thế hệ III với cơ chế an toàn thụ động tiên tiến và an toàn hơn nhiều so với lò thuộc thế hệ II ở Fukushima”.

Lò thế hệ III và cơ chế an toàn thụ động là gì mà nghe như phép thần vậy? Sau những sự cố lớn ở Three Miles Island (Mỹ) và Chernobyl (Ukraine), công nghệ LPU tiến lên thế hệ III có tính năng an toàn thụ động, nghĩa là ít bị tác động bởi những sai sót do thiết bị và con người có thể dẫn đến tan chảy lõi lò. Lò nước sôi (BWR) ở Fukushima được thiết kế cách đây hơn 40 năm nên những yếu tố an toàn thụ động như thế còn hạn chế. Nhưng những sự cố vừa qua, cùng những hậu quả nặng nề của chúng, không phải do lò BWR thiếu yếu tố an toàn thụ động. Đặc biệt, tai họa được xem là nghiêm trọng nhất trong chuỗi sự kiện ở Fukushima liên quan đến bể chứa nhiên liệu đã cháy càng không hề dính dáng gì đến những nguyên lý cao siêu về an toàn thụ động cả (phần sau sẽ trình bày chi tiết về tai họa này).

Thật ra, chính toàn bộ sự kiện ở Fukushima đã khẳng định điều ngược lại có tính nguyên tắc:

Đối với mọi công nghệ phức tạp và tiềm ẩn nhiều hiểm nguy thì dù máy móc có tinh xảo bao nhiêu vẫn không thể sánh được bộ óc và trái tim của con người.

Thử nghiệm bạn sẽ thấy khẳng định trên còn chắc hơn cả đinh đóng cột. Giả thử bạn phải chuẩn bị cho một hành trình dài và được cấp trên cho phép chọn một trong hai chiếc xe đang đợi sẵn. Xe thứ nhất có tay lái tự động, hết sức tối tân, đắt tiền, nhưng ngồi trước tay lái là một anh chàng kiếm được đâu đó tấm bằng lái dởm, lại hay rượu chè, ba hoa. Xe thứ hai thô sơ và rẻ tiền hơn nhiều, nhưng có tài xế chuyên nghiệp, nghiêm túc, chú tâm. Bạn sẽ bước lên xe nào? Chắc bạn sẽ bảo: “Nếu đằng nào cũng phải đi, thì hãy cho tôi lên xe thứ nhất nhưng phải hoán đổi tài xế”. Ồ không! Xe nào tài xế ấy chứ, cấp trên không đồng ý. “Thế thì thà lên xe thứ hai còn hơn!”.

Câu chuyện hôm nay, bể chứa nhiên liệu đã cháy

Sau một thời gian cháy trong LPU, khoảng 1/3 số thanh nhiên liệu sẽ được rút ra đưa vào bể chứa, thay vào đó là các thanh mới. Những hạt nhân uranium 235 (U-235) đã cháy do phân hạch làm đôi để lại trong thanh nhiên liệu những mảnh vỡ phóng xạ cực mạnh. Chúng là những đồng vị sống từ hàng giờ đến hàng nghìn năm. Lâu hàng chục năm là hai đồng vị xê si (Cs) và strong xi (Sr), hàng nghìn năm có plutonium (Pu), một đồng vị không có trong thiên nhiên, nó do uranium biến hóa ra trong LPU, thường được sử dụng làm bom nguyên tử. Cho nên, các bó nhiên liệu sau khi vớt ra khỏi lò phải được làm nguội bằng nước tuần hoàn trong vài chục năm, chờ cho phóng xạ rã bớt mới chuyển đến nơi tái chế.

Bảo quản và chôn cất nhiên liệu đã cháy là món nợ chưa giải quyết xong của công nghệ điện hạt nhân hiện nay. Những nguy cơ lan truyền vũ khí hạt nhân, rơi vào tay bọn khủng bố, và tác động lâu dài đến môi trường sống trên Trái đất đã làm cho nhiên liệu đã cháy trở thành điểm huyệt khiến điện hạt nhân bị chống đối ở các nước phương Tây. Khó khăn này càng được tô đậm thêm bởi những sự kiện vừa qua ở Fukushima.

Ở lò số 4 có một bể chứa làm bằng thép không gỉ dày 1 cm, sâu 12 m, đựng được 2.000 mét khối nước. Tại đây có 1.479 bó nhiên liệu đã cháy, mỗi bó cao 4,5 m, chìm dưới đáy bể, chừa lại hơn 7 m nước phía trên vừa dùng làm lớp cản xạ vừa để cần cẩu có thể vận chuyển chúng từ thùng lò sang hoặc mang đi tái chế. Đặt bể chứa và lò phản ứng trong cùng một tòa nhà có thuận lợi trong vận chuyển các bó nhiên liệu đã cháy bằng cần cẩu, nhưng cũng rất mất an toàn. Nhiều chuyên gia cảnh cáo bể chứa xây trong cùng một nhà với LPU chẳng khác nào đẻ ra một cặp sơ sinh dính đôi. Hóa ra thật! Nếu tình trạng nghiêm trọng hiện nay ở bể chứa mà không giải quyết được, thì LPU bên cạnh cho dù còn nguyên vẹn, cũng sẽ bất hoạt, vì chẳng ai dám đến gần.

Sáng ngày 15.3, một tiếng nổ lớn phát ra từ nhà lò số 4 làm tung cả mái. Các chuyên gia chẳng hiểu việc gì đã xảy ra. Lò số 4 đã ngừng hoạt động từ cuối năm ngoái, nhiên liệu đã được rút hết ra khỏi lò rồi. Nhưng ba giờ sau lại nổ tiếp, khói bốc lên qua mái nhà bị thủng, để lại cả một bầu trời khói trắng đục kéo dài rất lâu. Phóng xạ khu vực xung quanh tăng lên rất cao khiến nhân viên không thể tiếp cận được vào nơi này. TEPCO quyết định rút nhân viên khỏi hiện trường, chỉ để lại những người rất thiết yếu.

Máy bay trực thăng múc nước biển để thả xuống bể chứa nhiên liệu nhà lò số 4. Máy bay lấy được 7,5 tấn nước mỗi lần. Ảnh: Reuters

Lúc này, các chuyên gia khắp nơi “ngơ ngác” trong khi có rất nhiều thông tin khó kiểm chứng. Sau đó, các bức ảnh chụp từ trên cao qua mái nhà bị thủng cho thấy cháy lớn không phải ở LPU mà ở ngay bể chứa. Máy bay hải quân Mỹ phải quay trở về trước khi chạm vào vùng phóng xạ rất cao. Màn bí ẩn đã được vén dần lên, thế là bể chứa nhiên liệu đã cháy. Không có bơm nước tải nhiệt, nước sôi bốc hơi, cạn đi, tia gamma không bị nước cản nên chiếu thẳng lên trời. Các thanh nhiên liệu quá nóng và phơi ra không khí, phản ứng ô xy hóa của zircon (Zr) trong vỏ bọc bằng hợp kim zircaloy tạo ra khí hydro, gặp ô xy trong không khí gây ra nổ.

Nhà lò số 4 sau đó đã tràn ngập tia phóng xạ. Tưởng tượng một hố to tướng sâu 12 m, mỗi bề 13 m, dưới đáy là một lớp vật liệu phóng xạ cực mạnh nóng chảy nham nhở. Tia gamma không chỉ chiếu thẳng lên trời mà còn chiếu lên thành bể, tường nhà, mái nhà, từ đấy tán xạ theo đủ mọi góc, “quay cuồng” nhiều lần trước khi bị một vật cản nào đó hấp thụ.

Lúc này rất cần biết liệu trong bể chứa có còn nước không? Các chuyên gia Mỹ cho rằng nước đã bốc hơi hết cả. TEPCO bảo vẫn còn, và cảnh báo điều đáng sợ nhất lúc này là nguy cơ trở lại tới hạn (re-criticality) của các bó nhiên liệu. Nếu điều tồi tệ này xảy ra, bể chứa sẽ trở thành một lò phản ứng không điều khiển được mà lại không có nắp đậy. Một chuyên gia đâu đó bên kia Thái Bình Dương la lên: “Bể chứa vốn được thiết kế sao cho các bó nhiên liệu xếp cách nhau đủ xa để phản ứng dây chuyền không xảy ra cơ mà! Nếu bể đã khô thì khả năng xảy ra tới hạn càng ít hơn, vì không có nước làm chậm nơ trôn. Hay là người Nhật xếp lại (re-racking) để nhét thêm nhiều bó nhiên liệu hơn?”. Tính toán số bó nhiên liệu do TEPCO cung cấp, ông lại càng khẳng định lập luận của mình. Nhưng có lẽ TEPCO nói đúng. Các bó nhiên liệu cao hơn 4 mét giờ đây có còn hàng lối gì nữa đâu. Chúng xiêu vẹo xô đổ vào nhau, nhiều khả năng xảy ra tới hạn lắm.

TEPCO huy động vòi phun nước tìm cách cho nước vào bể chứa. Trên bầu trời, máy bay trực thăng mang nước tưới xuống. Gió tạt mạnh, nước tung tóe khắp nơi. Một blogger viết: “Dưới đất là vòi rồng cảnh sát, trên không là máy bay chữa cháy rừng”. Qua hàng thập kỷ phát triển điện hạt nhân có mấy ai nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ chứng kiến quang cảnh này? Mỗi chiếc trực thăng mang 7,5 tấn nước, chỉ thả được một phần nhỏ trúng đích. Bao nhiêu chuyến trực thăng mới đổ được 700 mét khối vào bể để ít nhất một phần ba bể có nước. Nhưng biết làm sao? Lúc này phải làm mọi chuyện cốt sao tránh được những tai nạn tồi tệ hơn.

Tin giờ chót 18.3: nước vẫn thả xuống nhà lò, và hình như cố gắng này đã mang lại hiệu quả.

19.3: đã phát hiện được i ốt phóng xạ trong sữa và rau bó xôi ở miền đông bắc nước Nhật. Các nhà khoa học Mỹ ở Sacramento, California phát hiện xê nôn phóng xạ (Xe-133) trong không khí đến từ Fukushima. Sẽ có bình luận trong số sau.

GS. Phạm Duy Hiển


Thứ Bảy, tháng 3 19, 2011

Năng lượng toàn cầu đang chịu sức ép từ mọi phía

Động đất, sóng thần và có thể là rò rỉ phóng xạ hạt nhân Nhật Bản, tất cả đang gây sức ép lớn lên hệ thống năng lượng toàn cầu.

    • Năng lượng toàn cầu đang chịu sức ép từ mọi phía












    • Biến cố lớn đến với Nhật Bản bắt đầu từ động đất, tiếp đến là sóng thần và hiện nay là thảm họa năng lượng - một thảm họa tiềm ẩn bắt nguồn từ những quyết định trước đây về việc làm thế nào cung cấp điện cho nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới cũng như một trong những xã hội giàu có nhất hành tinh.

      Sau khoảng thời gian chờ đợi và xem xét diễn biến từ Nhật, các nhà giao dịch hôm nay bán các hợp đồng trong sự lo ngại - giá dầu được bán ở mức dưới 100 USD/ thùng tại Mỹ. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật bất ngờ sụt 11%, và sàn giao dịch New Yorrk (NYSE) cũng mất hơn 250 điểm, tương đương 2,4%.

      Thị trường trở nên cực kỳ ảm đạm với bất cứ thứ gì liên quan đến ngành công nghiệp hạt nhân. Bằng chứng là các nhà đầu tư bán cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khai thác uranium, ở mức hai chữ số phần trăm; hay cổ phiếu của các công ty điều hành nhà máy điện hạt nhân như Exelon và Entergy ở mức 1 chữ số phần trăm.

      Những gì đang diễn ra không những gây lo ngại về kinh tế mà còn tạo sức ép cực nghiêm trọng lên hệ thống năng lượng toàn cầu. Trong vài tháng qua, chúng ta học cách sửa lỗi từ những tình huống cực kỳ ngẫu nhiên gây ảnh hưởng đến các nguồn cung năng lượng chính. Đó là những tình huống mà chúng ta gần như không kiểm soát được.

      Hoạt động khoan dầu ở khu vực nước sâu có thể trở nên nguy hiểm nếu các công ty làm mọi cách để giảm chi phí và bỏ qua các quy định. Và với sự điều hành kém vốn đã ăn sâu tại các quốc gia dầu mỏ, chúng ta cũng không nhất thiết cứ phải dựa vào nguồn cung từ OPEC.

      Hoạt động khai thác khí gas từ đá phiến có thể dẫn đến ô nhiễm phóng xạ nguồn nước. Mặc dù vậy, nhiều công ty liên quan đến hoạt động này có vẻ được chuẩn bị sẵn để chấp nhận tai tiếng và các vụ kiến cáo sau đó hơn là chủ động giải quyết chính tình hình xấu. Đối với năng lượng điện hạt nhân vốn được quảng bá nhiều, giờ thì chúng ta biết rằng những thảm họa lớn, hiếm thấy kiểu “Thiên nga đen” có thể đến cùng một lúc.

      Nhưng khó khăn đối với cả thế giới chưa hết. Tại Bahrain hôm nay, đức vua ban bố tình trạng chiến tranh trong 3 tháng giữa lúc có các báo cáo khác nhau cho rằng một lính Ảrập Xê-út có thể đã bị giết trong số 1000 lính được đưa sang để dập tắt nổi loạn tại Bahrain. Ảrập Xê-út tỏ ra lo ngại bởi Bahrain tiếp giáp với tỉnh phía Đông nhiều dầu mỏ và có đông lượng người Hồi Giáo Shiite của nước mình. Tại Lybi, lực lượng của đại tá Muammar al-Qaddafi tiến sát nơi đóng quân của lực lượng nổi loạn, tuy nhiên chưa có đối đầu trực tiếp giữa hai bên.

      Tuy nhiên, một lần nữa, chúng ta lại bất ngờ bởi thị trường thậm chí còn chẳng bất ổn hơn tình hình hiện tại. Chúng ta hiểu tại sao giá dầu không biến động hơn - nguồn cung dầu trên thế giới vẫn còn nhiều đến mức các nhà giao dịch không thể quá liều lĩnh với những dự đoán của mình. Một số còn giúp giảm bớt những phỏng đoán gây bực mình.

      Trên tờ thời báo Financial Times, một vài chuyên gia Anh còn làm dịu nguy cơ của một vụ nổ hạt nhân kiểu Chernobyl tại Nhật Bản. Và trong video của hãng tin Bloomberg, Robert Kelly, một kỹ sư hạt nhân của Mỹ, cho biết dù có gì xảy ra thì Fukushima sẽ không giống Chernobyl.

      Trung Quốc cho biết, trong khi quan sát tình hình tại Nhật, nước này vẫn sẽ xúc tiến việc mở rộng các nhà máy điện hạt nhân. Nhìn chung, nhiều chuyên gia cho rằng các nước đang phát triển có thể sẽ đẩy mạnh xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

      Về phần Mỹ và châu Âu, chúng ta vẫn đang trong quá trình dài chờ đợi và theo dõi khi mà công chúng và các nhà lãnh đạo yêu cầu nhiều hơn các biện pháp an toàn không cần thiết đối với các nhà máy điện hạt nhân. Trong đó bao gồm một vài hệ thống dự phòng điện để có thể hoạt động và vận hành nhà máy điện ngay cả trong trường hợp khẩn cấp.

      Bởi thực tế như chúng ta thấy từ Nhật Bản, máy phát điện chạy bằng dầu diesel và ắc quy vẫn là chưa đủ. Đức cũng vừa ra lệnh đóng cửa tạm thời tất cả các nhà máy điện hạt nhân xây dựng trước năm 1980. Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh, cũng đang phải đánh giá lại kế hoạch xây dựng dần các nhà máy điện hạt nhân trị giá 175 tỷ USD của mình.
      Hà Lê
    • Theo Foreign Policy



Thứ Tư, tháng 3 16, 2011

Điện hạt nhân ở Nhật - họa vô đơn chí

TT - Nhiều bạn đọc muốn rõ nguyên nhân, cơ chế gây nổ ở nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản cũng như giải pháp cứu nhà máy có bảo đảm an toàn. Bài viết dưới đây của GS Phạm Duy Hiển, chuyên gia vật lý hạt nhân, sẽ giải đáp những thắc mắc vừa nêu.

Sơ đồ hoạt động của một lò phản ứng hạt nhân - Đồ họa: NHƯ KHANH

Trận động đất 9 độ Richter lúc 15g chiều 11-3 khiến các nhà máy điện hạt nhân trên đất Nhật tự động dập lò, chấm dứt tức khắc phản ứng dây chuyền bên trong các lõi lò phản ứng.

Nhưng các lõi lò vẫn còn rất nóng, bởi nhiệt tỏa ra do bức xạ gamma từ vô số mảnh vỡ phân hạch được tích lũy nhiều năm bên trong các bó nhiên liệu. Nếu không kịp thời tải lượng nhiệt này đi (bằng 6% công suất lò), các bó nhiên liệu sẽ bị nóng chảy, chất phóng xạ sẽ thoát ra nước tuần hoàn vốn được dùng để tải nhiệt và làm chậm nơtron khi lò hoạt động bình thường.

Nhưng đây chưa phải là trạm dừng chân cuối cùng của các chất phóng xạ. Tuy làm bằng thép không gỉ rất dày, nhưng nếu thùng lò, nền móng bên dưới và các đường ống dẫn ra bên ngoài bị nứt hoặc hư hại do động đất, chất phóng xạ sẽ thoát ra ngoài nhà lò và từ đó tiếp tục hành trình ra môi trường khí và nước, gây ô nhiễm phóng xạ cả khu vực xung quanh. Liên tiếp bốn ngày qua, cả nước Nhật phải vật lộn với những con quái vật ấy để bắt nó phải nằm yên tại trạm dừng chân thứ nhất.

Các lò nước sôi hoạt động ra sao?

Để cảm nhận được việc này khó khăn dường nào, ta nên tìm hiểu qua nguyên tắc hoạt động của các lò nước sôi (BWR) khá phổ biến ở Nhật và đang bị trận động đất quật ngã trong mấy ngày qua (xem sơ đồ).

Lõi lò, gồm các bó nhiên liệu (2) và thanh điều khiển (3) được tải nhiệt và làm chậm nơtron bằng nước nguyên chất sôi ở 2850C dưới áp suất 75 atm nhờ hệ thống tuần hoàn (5). Hơi nước (4) sau khi qua hệ thống tuôcbin (6, 7) được ngưng tụ (8) để từ đó quay lại vòng tuần hoàn làm nguội lõi lò. Bộ phận ngưng hơi cần phải được làm nguội (11) nhưng bằng nước thường.

Nguyên lý an toàn của các lò phản ứng là làm sao các chất phóng xạ được nhốt chặt bằng nhiều lớp tường thành kiên cố, nếu lớp trước bị chọc thủng thì còn lớp sau. Lớp thứ nhất là vỏ bọc các bó nhiên liệu (2). Nếu bức tường thành này bị thủng, chất phóng xạ sẽ thoát ra bên ngoài nhưng sẽ bị nhốt lại bên trong bức tường thành thứ hai, đó là thùng lò bằng thép không gỉ (1) đủ dày để chống chịu áp lực và nhiệt độ cao.

Nhà lò chứa thùng lò và hệ thống tuôcbin, máy phát (xem sơ đồ) có thể xem là bức tường thành thứ ba. Khi lò hoạt động, nước và hơi bị nơtron kích hoạt trở nên phóng xạ, do đó nhà lò, và đặc biệt hệ thống tuôcbin, phải có tường bêtông đủ dày (12) để cản xạ.

“Ông lão” Fukushima và sóng thần!

Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 gồm sáu lò nước sôi, trong đó chỉ có ba lò 1, 2 và 3 đang hoạt động trước khi động đất xảy ra. Lò thứ nhất công suất 440MW là một “ông lão” đang có kế hoạch nghỉ hưu vào tháng tư này sau 40 năm hoạt động. Nhưng nó vừa bị quật ngã nặng nhất. Động đất và mất điện lưới đã đánh gục hoàn toàn hệ thống bơm tải nhiệt và cả hệ thống làm nguội khi có sự cố. Các nhân viên vận hành lúc này phải nghĩ đến máy diesel dự phòng.

Nhưng họa vô đơn chí! Con đê chắn kiên cố phía bờ biển bị sóng thần phá vỡ, nước biển tràn vào làm ngập gian nhà chứa máy diesel, nó chỉ chạy được chưa đầy một giờ rồi lịm hẳn. Nhà máy còn có hệ thống ăcquy dự phòng, nhưng chỉ đủ điện cho các hệ thống điều khiển và chiếu sáng hạn chế. Máy phát điện lưu động được điều đến trong vòng 13 giờ sau đó, nhưng không kết nối được vào các thiết bị của nhà máy bởi tầng hầm chứa các tủ điện bị ngập nước do sóng thần.

Lúc này bên trong thùng lò nước tiếp tục sôi, nhưng hệ thống ngưng hơi và bơm nước không hoạt động khiến hơi cứ đầy lên, áp suất hơi bên trong thùng lò tăng cao mà pha nước lại vơi nhanh làm nhiệt độ các bó nhiên liệu tăng cao do chúng bị phơi trơ ra khỏi mặt nước. Phải kiềm chế quá trình này, nếu không toàn lõi lò sẽ tan chảy, một hiện tượng được xem như cơn ác mộng kinh hoàng nhất đối với những ai quản lý lò hạt nhân.

Chỉ còn cách xì bớt hơi ra nhà lò để giảm áp suất bên trong thùng lò, đồng thời dùng bơm cứu hỏa, công cụ cuối cùng khả dĩ lúc này, để bơm nước biển vào thùng lò làm nguội các bó nhiên liệu. Axit bôric được pha vào nước biển để hấp thụ nơtron, phòng khi phản ứng dây chuyền xảy ra.

Quyết định táo bạo

Quyết định này là một sự đánh đổi táo bạo. Bơm nước biển vào lò chẳng khác nào khai tử lò phản ứng, bởi clor sẽ làm mọi thứ bên trong gỉ rất nhanh. Nhưng đổi mạng sống của một “ông lão về hưu” để tránh thảm họa cho nhiều người xem ra còn “dễ quyết” hơn là làm cho các nhân viên vận hành và dân chúng bên ngoài bị nhiễm xạ khi xì hơi nước có chứa phóng xạ ra nhà lò. (Thật ra chôn cất cái xác lò này không đơn giản, nhưng việc này rồi sẽ hạ hồi phân giải).

Sáng 12-3, mức phóng xạ trong nhà chứa máy tuôcbin lên quá cao buộc lãnh đạo nhà máy phải cho xì tiếp ra môi trường. Mức phóng xạ đo được ở cổng nhà máy đã tăng lên hơn mười lần sau 40 phút, trước đó nhà chức trách đã phải phát lệnh di tản dân chúng khẩn cấp. Lúc này thông tin đáng chú ý nhất là phát hiện thấy hai sản phẩm phân hạch trong không khí xung quanh khu vực lò, đồng vị xêsi (Cs-137, Cs-134) và iôt (I-131).

Vậy là vỏ bọc nhiên liệu đã bị hỏng. Lõi lò đã tan chảy một phần. Nhà chức trách bắt đầu phân phát muối kali iôt để giảm nguy cơ iôt phóng xạ xâm nhập vào tuyến giáp. Máy bay trực thăng của quân đội Mỹ lượn cách nhà máy 60 dặm phát hiện xêsi phóng xạ, nhận được lệnh quay trở về ngay căn cứ để tẩy xạ.

Các hãng thông tấn cảnh báo tính độc hại của xêsi phóng xạ. Thật ra ngoài xêsi phóng xạ còn nhiều sản phẩm phân hạch khác độc hại hơn như stronxi (Sr-92), song không dễ phát hiện như xêsi và iôt. Cả xêsi và stronxi đều sống rất lâu, sau 30 năm chỉ phân hủy một nửa.

Lúc 3 giờ chiều 12-3 một vụ nổ đã xảy ra, sự kiện không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia ngoài cuộc theo dõi trên truyền hình. Vụ nổ đã làm tung mái nhà lò do khí hydro xì ra từ bên trong thùng lò kết hợp với ôxy trong không khí. Vụ nổ đã cung cấp thêm một minh chứng nữa cho thấy vỏ bọc nhiên liệu làm bằng hợp kim zircalo đã bị thủng do ziacon (Zr) phản ứng với nước ở nhiệt độ rất cao.

Phản ứng này tạo ra khí hydro bên trong thùng lò. Vụ nổ càng làm tăng thêm lượng chất phóng xạ tung ra môi trường. Còn nhớ kịch bản tương tự đã xảy ra ở Chernobyl cách đây gần đúng 25 năm, khi đó một vụ nổ khí hydro đã xảy ra trước khi toàn lõi lò bị nổ gieo rắc chất phóng xạ khắp Bắc bán cầu. May ra chuyện tồi tệ này dường như không lặp lại ở đây. Có vẻ như lò số 1 chưa bị tan chảy hoàn toàn.

Theo GS PHẠM DUY HIỂN
(nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt)

Thứ Tư, tháng 3 09, 2011

10 doanh nghiệp được ngưỡng mộ nhất thế giới


AN HUY (vneconomy)
08/03/2011 10:13 (GMT+7)

Giám đốc điều hành của Apple, Steve Jobs, tại lễ ra mắt sản phẩm máy tính bảng mới nhất của hãng - iPad 2.

Với những sản phẩm đình đám như iPhone hay iPad, không có gì đáng ngạc nhiên khi Apple tiếp tục chiếm vị trí đầu bảng danh sách
Tạp chí Fortune của Mỹ vừa công bố danh sách 50 doanh nghiệp được ngưỡng mộ nhất thế giới.

Với những sản phẩm đình đám như iPhone hay iPad, không có gì đáng ngạc nhiên khi Apple tiếp tục chiếm vị trí đầu bảng danh sách này.

Thống trị danh sách 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới của Fortune là các công ty Mỹ. Tuy nhiên, cũng có một số công ty châu Á lọt vào danh sách này, như Singapore Airlines, Samsung Electronics, Toyota, Honda và Sony.

Dưới đây là Top 10 của danh sách:

1. Apple


Năm nay là năm thứ 4 liên tục, “Quả táo” chiếm vị trí số 1 trong danh sách Những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới của Fortune. Tốc độ tung ra những sản phẩm mới của Apple vẫn là rào cản lớn nhất cho sự đua tranh của các doanh nghiệp công nghệ khác.

Gần đây, cổ phiếu của Apple đã có phiên giảm mạnh khi Giám đốc điều hành (CEO) Steve Jobs tuyên bố nghỉ ốm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của hãng ngay sau đó đã làm nức lòng giới đầu tư. Trong quý 4/2010, Apple đạt mức lợi nhuận cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong sự kiện giới thiệu iPad 2 cách đây ít ngày, Jobs đã bất ngờ xuất hiện trở lại. Apple cũng đang chuẩn bị cho việc tung ra iPhone 4.

2. Google


Dù chỉ đứng ở ngôi á quân trong danh sách 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới, Google vẫn là “vua” tìm kiếm trực tuyến. Google cũng đang tiến mạnh vào lĩnh vực thiết bị thông qua phần mềm hệ điều hành mã nguồn mở Android của hãng. Gã khổng lồ này cho hay, hiện mỗi tháng có 10 khoảng triệu thiết bị chạy Android được kích hoạt.

3. Berkshire Hathaway


Năm ngoái, tập đoàn của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng chiếm vị trí thứ ba trong danh sách 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới. Đối với giới đầu tư toàn cầu, tỷ phú Buffett có một sức hút kỳ diệu, nhất là khi ông đưa ra những đánh giá về cổ phiếu.

Vụ đầu tư lớn nhất của Berkshire trong năm 2010 là vụ mua lại hãng vận hành đường ray Burlington Northern Santa Fe với giá 26 tỷ USD. Thương vụ đã tạo ra cho Berkshire mỗi quý 1 tỷ USD lợi nhuận hoạt động, đóng góp lớn vào mức tăng 13% giá trị sổ sách của tập đoàn. Trong lá thư gửi cổ đông mới đây, Buffett nhấn mạnh rằng, ông tin ở tương lai của kinh tế Mỹ, bất chấp những thách thức hiện nay.

4. Southwest Airlines


Từ khi bắt đầu cung cấp dịch vụ bay giá rẻ vào thập niên 1970, Southwest Airlines thường là một hãng hàng không có kết quả kinh doanh tốt hơn nhiều đối thủ khác. Gần đây, nhiều hãng hàng không gặp thách thức vì giá nhiên liệu cao, nhưng Southwest Airlines vẫn là một trong những nhà bay được ngưỡng mộ nhất trên thế giới. Trong quý gần đây nhất, hãng hàng không Mỹ này đạt lợi nhuận tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

5. Procter & Gamble


Mức độ “phủ sóng” của Procter & Gamble trên toàn cầu có thể xem là vô địch. Đây là hãng sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới, với doanh thu hàng năm vào khoảng 79 tỷ USD. Từ khi Fortune thực hiện xếp hạng những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới vào năm 1997 tới nay, Procter & Gamble luôn chiếm vị trí đầu bảng trong danh sách các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chất tẩy rửa và mỹ phẩm.

6. Coca-Cola


Coca-Cola luôn là một trong những thương hiệu lớn nhất thế giới, bên cạnh những tên tuổi như Nike hay General Electric (GE). Gần đây, hãng còn được đánh giá cao vì những nỗ lực bảo vệ môi trường thông qua bảo tồn nguồn nước. Trong báo cáo kết quả kinh doanh gần đây nhất của Coca-Cola, CEO Muhtar Kent cho hay, sản phẩm nước ngọt Coke đã “đạt hoặc vượt tất cả các mục tiêu tăng trưởng dài hạn cho quý và cho năm của chúng tôi”.

7. Amazon.com


Tháng 12 vừa qua, Amazon cho biết, thiết bị đọc sách điện tử Kindle 3G là mặt hàng bán chạy nhất từ trước tới nay của hãng. Kindle hiện vẫn đang thống trị thị trường sách điện tử, bất chấp mối đe dọa từ đối thủ iPad của Apple. Amazon đang đầu tư mạnh vào công nghệ để tìm kiếm sự tăng trưởng và sẽ sớm mở một chợ ứng dụng cho các thiết bị chạy hệ điều hành Android của Google.

8. FedEx


FedEx đã vượt qua suy thoái với tốc độ nhanh chóng như mong muốn của hãng. “Đại gia” giao nhận này mới đây đã phải cắt giảm dự báo lợi nhuận quý do giá nhiên liệu đầu vào tăng. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tin tưởng ở FedEx do hãng luôn giao hàng đúng hạn và đem đến chất lượng dịch vụ cao. Hiện FedEx đang đẩy mạnh mở rộng sự hiện diện ở các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Trung Quốc.

9. Microsoft


Trong mấy năm gần đây, Microsoft đã tung ra những sản phẩm mạnh như công cụ tìm kiếm Bing, thiết bị chơi game Xbox Kinect hay hệ điều hành Windows Phone 7 cho điện thoại thông minh. Hệ điều hành máy tính Windows 7 cũng được xem là một thành công lớn của Microsoft và hiện đã có khoảng 300 triệu người sử dụng được cấp phép - theo số liệu của hãng.

10. McDonald's


Những món ăn mới trên thực đơn đã góp phần giúp McDonald’s duy trì vị thế thương hiệu đồ ăn nhanh số 1 thế giới, bất chấp cuộc cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác. Trong thời gian suy thoái, McDonald’s liên tục bổ sung thực đơn Dollar Menu dành cho những khách hàng ít tiền. Ngoài ra, hãng còn thực hiện nhiều chương trình từ thiện dành cho các trường học. Tháng 1 năm nay, McDonald’s khiến giới đầu tư hài lòng khi cho biết, doanh thu của hãng trên đà tăng trở lại sau suy thoái và khủng hoảng.

Thứ Sáu, tháng 3 04, 2011

Big solar power plant


Czech solar power plant installation third highest in EU in 2010


Published: Feb 28, 2011
The Czech Republic’s installed output of new photovoltaic plants was the third highest in the EU and topped 1 GW, according to state media.
The Czech News Agency reports only Italy and in particular Germany got ahead of the Czech Republic. The output of their newly built photovoltaic power plants reached nearly 7 GW.
The Czech Republic is fourth in Europe in total installed capacity of solar power plants. Energy Regulatory Office data show that photovoltaic plants with total output at 1820 MW were connected to the grid and got a licence last year, according to Steel Guru.
However, the Czech government has reacted to the huge boom in solar energy and the subsequent rise in power prices by introducing a 26 per cent tax on energy from solar power plants, higher fees for the use of farmland for building photovoltaic plants, as well as cuts to its extraordinarily generous feed-in tariffs.
The purchasing price of electricity from solar power plants with output above 100 kW connected from January 2011 has been cut by over a half, from last year's CZK12 150 ($682) to CZK5500 per MWh. Plants with a capacity of 30-100 kW will now receive CZK5900.