Thứ Tư, tháng 10 23, 2024

VOOWESS 2024: Hội nghị quốc tế về lưu trữ năng lượng và điện gió ngoài khơi

  Ngày 29 - 30/10, tại TP HCM sẽ diễn ra triển lãm và hội nghị quốc tế lần thứ 7 về lưu trữ năng lượng và điện gió ngoài khơi tại Việt Nam (VOOWESS) năm 2024.

VOOWESS 2024: Hội nghị quốc tế về lưu trữ năng lượng và điện gió ngoài khơi

Trong xu hướng cả thế giới đang tích cực hành động để giảm lượng phát thải khí nhà kính, năng lượng tái tạo đóng vai trò quan trọng giúp các quốc gia đạt được tham vọng phát thải ròng bằng “0” cũng như các mục tiêu về khí hậu.

Theo Báo cáo về chi phí phát triển các nguồn năng lượng tái tạo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA) công bố vào tháng 9/2024 cho biết, các công nghệ năng lượng tái tạo đã có mức giảm chi phí đáng kể.

Giai đoạn 2022-2023, tổng chi phí lắp đặt trung bình toàn cầu của điện gió ngoài khơi đã giảm từ 3.478 USD/kW xuống 2.800 USD/kW, trong khi hệ số công suất trung bình của các dự án mới đưa vào vận hành giảm nhẹ, từ 42% năm 2022 xuống 41% năm 2023.

Chi phí sản xuất điện quy dẫn (LCOE) trung bình toàn cầu của điện gió trên bờ năm 2010 là 0,111 USD/kWh, đến năm 2023 chỉ còn 0,033 USD/kWh, mức giảm lên tới 70% do giá thành turbin điện gió thấp hơn và sự cải tiến về công nghệ turbine làm tăng hệ số công suất từ 27% lên 36%.

Chi phí sản xuất điện quy dẫn của điện gió ngoài khơi năm 2010 là 0,203 USD/kWh, đến năm 2023 đã giảm xuống còn 0,075 USD/kWh, mức giảm 63% phản ánh sự tiến bộ về mặt công nghệ và quy mô kinh tế.

Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế, sự bổ sung mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo của Trung Quốc trong năm 2023 là một trong những nguyên nhân đã thúc đẩy sự sụt giảm LCOE cho các công nghệ này.

Công suất lưu trữ năng lượng hàng năm tăng từ 0,1 GWh tổng công suất vào năm 2010 lên 95,9 GWh tổng công suất vào năm 2023. Trong giai đoạn 2010-2023, chi phí cho các dự án lưu trữ pin đã giảm 89%, từ 2.511 USD/kWh xuống 273 USD/kWh.

Việt Nam đã nổi lên là một quốc gia đầy triển vọng trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng đáng kể với mục tiêu triển khai năm 2030 là 6.000MW.

Tháng 9/2024 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công cụ quan trọng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về biển theo cách tiếp cận tổng hợp, đưa ra định hướng phát triển cho các ngành kinh tế biển, nhất là ngành kinh tế biển mới, trong đó có lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Quy hoạch đặt ra những vấn đề trọng tâm và đột phá có tính then chốt, có sức lan tỏa lớn và tạo động lực cho sự phát triển.

Theo Ban tổ chức, Công ty BuiM - nhà tổ chức các sự kiện về năng lượng gió trên phạm vi toàn thế giới cho biết, VOOWESS 2024 dự kiến thu hút hơn 400 đại biểu Việt Nam và quốc tế tham dự và hàng ngàn lượt tham quan các gian hàng triển lãm.

VOOWESS 2024 tập hợp các nhà hoạch định chính sách đại diện Bộ Công Thương; Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường); các nhà phát triển, nhà đầu tư, nhà thầu và nhà sản xuất thiết bị gốc cũng như các nhà cung cấp giải pháp để thảo luận về sự phát triển của ngành điện gió (trên bờ và ngoài khơi), lưu trữ năng lượng, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, những thách thức trong lĩnh vực này.

Tại VOOWESS 2024, các đại biểu cũng sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến cơ hội khử carbon, phân tích các khía cạnh đầu tư dự án cũng như các giải pháp nhằm vận động mạnh mẽ cho sự phát triển điện gió ngoài khơi và lưu trữ năng lượng, những lĩnh vực còn rất mới tại Việt Nam. Đồng thời cũng cung cấp một nền tảng lý tưởng cho việc thiết lập quan hệ đối tác, giới thiệu công nghệ mới và những tiến bộ trong ngành.

TheoPetrotimes - N.H

0 nhận xét: