Chủ Nhật, tháng 10 20, 2024

Vì sao ngày càng có nhiều cuộc phản đối điện gió tại châu Âu?

  Ở trên khắp châu Âu, các dự án điện gió đang đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng ở các vùng nông thôn. Tại Sardinia, Auvergne và các khu vực khác đang cho thấy sự căng thẳng giữa quá trình chuyển đổi năng lượng và việc bảo vệ các vùng lãnh thổ.

Vì sao ngày càng có nhiều cuộc phản đối điện gió tại châu Âu?
Một cuộc biểu tình phản đối điện gió tại Pháp. Ảnh AFP

Khi chuyển đổi năng lượng trở thành ưu tiên hàng đầu để đạt được mục tiêu giảm thiểu carbon tại châu Âu, các vùng nông thôn vốn xa lạ với các cơ sở hạ tầng lớn lại bất ngờ trở thành nơi thử nghiệm đầu tiên của cuộc chuyển đổi này. Mặc dù các trang trại điện gió hứa hẹn giải quyết các vấn đề về khí hậu, nhưng việc triển khai chúng tại những khu vực nông thôn lại gây ra làn sóng phản đối ngày càng mạnh mẽ. Những nơi như Sardinia (Ý) và các vùng núi ở Auvergne (Pháp) chỉ là một vài ví dụ về những khó khăn ngày càng tăng mà chính phủ và các nhà phát triển năng lượng tái tạo phải đối mặt trước sự phản đối từ người dân địa phương xuất phát từ những lo ngại về kinh tế, xã hội và môi trường.

Sardinia: Hòn đảo đấu tranh cho bản sắc

Tại Sardinia, du lịch và nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế địa phương, người dân đặc biệt phản đối việc xây dựng các trang trại điện gió. Mặc dù những dự án này được xem là một bước tiến lớn hướng đến hiện đại hóa năng lượng, nhưng một bộ phận người dân lại cảm thấy đây là sự chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên của họ. Sự tương phản giữa các cơ sở hạ tầng khổng lồ và cảnh quan nguyên sơ đã làm gia tăng tinh thần kháng cự mạnh mẽ, đặc biệt là ở các khu vực ven biển, nơi thường xuyên đón nhận những cơn gió mạnh.

Hành vi phá hoại tua bin gió là cách thể hiện rõ ràng sự phản đối này. Mối lo ngại về việc hòn đảo sẽ trở thành nhà cung cấp năng lượng cho lục địa mà không mang lại lợi ích gì cho người dân địa phương xuất hiện thường xuyên các bài phát biểu của những người phản đối. Cảm giác bất công về kinh tế cũng góp phần khiến căng thẳng trở nên trầm trọng hơn: trong khi các tập đoàn lớn thu lợi từ việc sản xuất năng lượng, cộng đồng người dân địa phương lại nhận được rất ít lợi ích thiết thực. Sự coi thường từ các nhà đầu tư nước ngoài càng làm gia tăng thái độ chống đối các dự án này.

Sự cân bằng mong manh giữa kinh tế và bảo tồn cảnh quan ở Auvergne

Tại dãy núi Auvergne, tình hình cũng phức tạp không kém nhưng nhưng biểu hiện lại có sự khác biệt. Ở đây, các trang trại gió có thể mang lại lợi ích kinh tế thực sự cho các địa phương đang gặp khó khăn về tài chính. Doanh thu từ các dự án này có thể được dùng để cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương, chẳng hạn như sửa chữa đường sá hoặc hiện đại hóa trường học. Phần lớn người dân lại cho rằng không thể để các dự án này làm đảo loạn vẻ đẹp tự nhiên của vùng, vốn nổi tiếng với cảnh quan núi lửa độc đáo.

Các quan chức địa phương đang phải đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan. Liệu họ có nên hy sinh một phần di sản tự nhiên của vùng để đảm bảo tương lai kinh tế cho người dân hay không? Tình thế này đôi khi không thể giải quyết được. Ở một số thành phố tự trị, áp lực quá lớn đến nỗi các thị trưởng quyết định từ chức thay vì đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ người dân. Những cuộc tranh luận về điện gió cho thấy sự phân hóa trong cộng đồng nông thôn, nơi mà một bên ủng hộ phát triển kinh tế ngắn hạn, trong khi bên kia ưu tiên bảo tồn cảnh quan.

Đức và Đan Mạch: Khi vấn đề sinh thái va chạm với đa dạng sinh học và di sản

Ngay cả những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực năng lượng gió như Đức và Đan Mạch cũng đang phải đối mặt với sự phản đối ngày càng tăng, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Tại Đức, nơi có hơn 30.000 tua bin gió đang hoạt động, cuộc tranh luận không chỉ tập trung vào tác động trực quan mà còn tập trung vào việc bảo vệ đa dạng sinh học. Nhiều nhà bảo vệ môi trường và các tổ chức địa phương đang tăng cường kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là chim và dơi, trước những rủi ro liên quan đến cánh tuabin gió. Rào cản sinh thái này đã làm chậm lại nhiều dự án, nhất là ở những khu vực rừng rậm.

Tại Đan Mạch, một yếu tố khác cũng gây trở ngại cho việc triển khai điện gió là bảo vệ di sản văn hóa. Ở một số vùng, nhà thờ địa phương có quyền phủ quyết đối với các dự án cơ sở hạ tầng có thể nhìn thấy từ các địa điểm thờ phụng, điều này đã dẫn đến việc đình trệ một số dự án điện gió. Sự phản đối này mang cả tính chất văn hóa và thẩm mỹ, cho thấy rằng quá trình chuyển đổi năng lượng không chỉ diễn ra trên bình diện kinh tế hoặc sinh thái mà còn ảnh hưởng đến truyền thống và bản sắc của các vùng đất.

Bài học kinh nghiệm và giải pháp cho tương lai

Đối mặt với những sự phản đối này, một số quốc gia châu Âu đã bắt đầu xem xét lại cách tiếp cận của mình.Tại Tây Ban Nha, các dự án được thiết lập để có sự tham gia của cộng đồng địa phương ngay từ đầu các cuộc thảo luận, mang lại cho người dân địa phương một phần lợi nhuận từ các trang trại gió. Những sáng kiến ​​này đã giúp giảm căng thẳng và đảm bảo khả năng tiếp nhận dự án tốt hơn. Tại Pháp, luật năng lượng tái tạo năm 2023 đã đưa ra các cơ chế hòa giải và quy trình tham vấn để cải thiện khả năng chấp nhận dự án của địa phương. Bằng cách cho phép các cộng đồng tự chủ hơn đối với các dự án này, mục tiêu là biến sự phản đối thành sự hợp tác, đồng thời đáp ứng các yêu cầu bắt buộc về quá trình khử cacbon.

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực này, con đường dẫn đến sự chấp nhận rộng rãi của điện gió ở các vùng nông thôn vẫn còn dài. Những ví dụ từ Sardinia, Auvergne và các khu vực khác cho thấy rằng vấn đề năng lượng tái tạo không thể được giải quyết bằng một cách tiếp cận đồng nhất. Mỗi vùng đất có những thách thức riêng và các giải pháp cần phải được điều chỉnh phù hợp với cả nhu cầu địa phương cũng như mục tiêu chung của quá trình chuyển đổi năng lượng.

Có gì bên trong dự án điện gió trên đất liền lớn nhất Trung QuốcH.Phan

AFP

0 nhận xét: