Điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh, giúp cân bằng nguồn cung năng lượng.
Nghiên cứu khởi động lại dự án điện hạt nhân
Tại họp báo thường kỳ quý 3 diễn ra chiều 17/10, trả lời câu hỏi về quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong việc khởi động lại dự án điện hạt nhân, ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử, Bộ KH&CN cho biết, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và cân bằng CO2 theo các cam kết tại COP26 và COP28, chuyển đổi xanh trong cơ cấu nguồn điện là rất cần thiết.
Trong đó xu thế của nhiều nước hiện nay là phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo. Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong phụ tải nền, tạo ra sự tin cậy và ổn định cho hệ thống điện.
“Trong bối cảnh trên, điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (phát thải tương đương thủy điện và điện gió), sẽ là nguồn điện quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước thời gian tới”, ông Minh cho hay.
Theo ông Phạm Quang Minh, việc khởi động lại dự án điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam được thể hiện trong bối cảnh các chính sách phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và cam kết giảm phát thải carbon, đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
“Điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Như vậy bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, bảo đảm ổn định cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn”, ông Phạm Quang Minh chia sẻ.
Trong trường hợp khởi động lại các dự án điện hạt nhân, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất là rất quan trọng. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và tài nguyên môi trường lên tầm cao mới.
Trước đó, ngày 12/9/2024, thông báo kết luận về tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện khí, gió ngoài khơi của Thường trực Chính phủ nêu rõ trước bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống dần cạn kiệt, để bảo đảm sự ổn định của hệ thống điện quốc gia, Thường trực Chính phủ đã đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân của các nước trên thế giới.
“Từ đó đề xuất phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới, bổ sung điện nền, giảm thiểu rủi ro thấp nhất về môi trường, báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định”, thông báo của Thường trực Chính phủ ngày 12/9 nêu cụ thể.
Cuối năm 2024 sẽ công bố chỉ số đổi mới sáng tạo của từng địa phương
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, Bộ đã ban hành Khung chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024 và bộ Tài liệu hướng dẫn cho các địa phương về PII năm 2024. Tổ chức Hội thảo hướng dẫn thu thập và cung cấp cơ sở dữ liệu, hồ sơ minh chứng phục vụ tính toán Chỉ số PII năm 2024. Dự kiến Chỉ số PII 2024 sẽ được công bố vào cuối năm 2024.
Thời gian tới, Bộ KH&CN tập trung hoàn thiện các dự án luật chuyên ngành, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) và hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đến năm 2025 và 2030, cùng với các chương trình ứng dụng công nghệ tại địa phương...
Vận hành cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia
Ông Nghiêm Thanh Hải, Phó trưởng ban Quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp - Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thông tin tại họp báo, từ ngày 1/10/2023, cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm quốc gia đã chính thức đi vào vận hành và có sự kết nối với các địa phương và hơn 4000 doanh nghiệp tham gia để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa. Nhiều địa phương đề nghị kết nối kỹ thuật với cổng để thực hiện việc này.
“Hiện nay Bộ KH&CN đang xây dựng Luật sửa đổi bổ sung luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào giám sát sản phẩm hàng hóa trong đó có mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, triển khai thống nhất trên phạm vi cả nước”, ông Hải cho hay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét