Thứ Hai, tháng 6 24, 2024

Sẽ mua điện mặt trời qua pin lưu trữ

 

Sau nhiều cuộc họp về cơ chế phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, nội dung mới nhất được người dân, doanh nghiệp quan tâm là Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị cơ quan soạn thảo chính sách tính toán cơ chế giá mua bán điện từ hệ thống lưu trữ.

Điện mặt trời được lắp đặt ở Long An - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Điện mặt trời được lắp đặt ở Long An - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Lắp điện mặt trời kết hợp với hệ thống pin lưu trữ điện (BESS) sẽ tránh lãng phí nguồn điện dư thừa lúc cao điểm nắng nóng, giúp bổ sung nguồn điện vào buổi tối, đặc biệt pin lưu trữ sẽ góp phần tạo sự ổn định hệ thống điện, tránh được tình trạng trồi sụt nguồn điện theo thời tiết.

Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tăng lắp pin lưu trữ, các chuyên gia cho rằng cần có những chính sách hỗ trợ về tài chính, đặc biệt cần nghiên cứu cơ chế giá phù hợp để người dân có thể bán điện lại khi hệ thống điện quốc gia cần nguồn điện này, nhất là lúc cao điểm tối.

Lợi đôi đường khi lắp lưu trữ

Sau nhiều cuộc họp về cơ chế phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, nội dung mới nhất được người dân, doanh nghiệp quan tâm là Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã đề nghị cơ quan soạn thảo chính sách tính toán cơ chế giá mua bán điện từ hệ thống lưu trữ.

Ông Hà đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu phương án khuyến khích, hỗ trợ tài chính (thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt...) cho người dân lắp đặt điện mặt trời mái nhà kết hợp đầu tư thiết bị lưu trữ điện để bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá điện nền huy động vào giờ cao điểm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về cơ chế mới cho lưu trữ điện tại Việt Nam, các doanh nghiệp đều cho rằng đây là giai đoạn cần thiết phải có các quy định về lắp đặt lưu trữ điện, thậm chí có quy định bắt buộc đối với các nhà máy có lắp điện mặt trời công suất lớn để đảm bảo ổn định hệ thống điện.

Ông Lê Anh Vũ - giám đốc Công ty TNHH Nguồn năng lượng - cho hay dù chi phí pin lưu trữ đã giảm thời gian qua nhưng vẫn còn khá cao, việc bỏ một số tiền lớn để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, kèm số tiền không nhỏ để lắp thêm hệ thống pin lưu trữ sẽ thu hồi vốn chậm hơn rất nhiều so với trước đây.

Do đó đầu tư pin lưu trữ để bán điện lên lưới điện quốc gia là không hiệu quả. Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp pin lưu trữ, chính sách phải tính toán mức giá mua điện từ hệ thống pin lưu trữ vào giờ cao điểm cao hơn giờ thấp điểm.

"Trước đây các quyết định cũ, giá bán điện từ hệ thống điện mặt trời là giá cố định, nhưng bây giờ phải có giá mua điện cao vào giờ cao điểm để khuyến khích doanh nghiệp tích trữ lúc thấp điểm, bán điện lúc cao điểm. Có như vậy người dân mới mạnh dạn đầu tư pin lưu trữ", ông Vũ nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thùy Ngân - giám đốc thương hiệu SolarBK - cho hay doanh nghiệp có nhu cầu lắp lưu trữ, song do giá cao và các chính sách chưa rõ ràng nên doanh nghiệp còn chần chừ.

Bà Ngân cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, kéo giảm chi phí giá, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư pin lưu trữ.

Cần quy định tỉ lệ lưu trữ khi lắp điện mặt trời

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Phước Bình - giám đốc Công ty CP Bincon - cho biết việc lắp điện mặt trời kết hợp với pin lưu trữ sẽ giải quyết được nhược điểm của năng lượng tái tạo nói chung và điện mặt trời nói riêng là tính bất ổn định.

Do nguồn điện này trồi sụt thất thường nên sẽ gây khó khăn cho EVN trong điều độ hệ thống điện, song khi có pin lưu trữ sẽ giải quyết được phần nào khó khăn này.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng vẫn cần lưu ý các vấn đề kỹ thuật để vận hành an toàn và đầu tư hợp lý.

Cụ thể, khi lắp hệ thống điện mặt trời có chức năng trữ điện sẽ sử dụng loại biến tần tích hợp với bộ sạc điện, trữ điện, hệ thống được lập trình để hoạt động tối ưu với bức xạ mặt trời và điện lưới.

Vì vậy, hệ thống năng lượng mặt trời đã lắp, hòa lưới và đang hoạt động trước đây nếu muốn lắp thêm bộ lưu trữ điện sẽ phải tính toán chi phí thay thế tích hợp cao hơn so với các dự án đầu tư mới. Bên cạnh đó cần phải tính toán không gian để lắp các bình lưu điện phù hợp, đặc biệt là đảm bảo an toàn PCCC.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn - giám đốc một doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời tại TP.HCM - cho rằng pin lưu trữ đóng vai trò là nguồn điện nền, đảm bảo tính ổn định cho hệ thống điện.

Tuy nhiên, nếu để EVN đầu tư sẽ rất khó trong bối cảnh hiện nay. Do đó trước mắt cần có cơ chế để người dân, doanh nghiệp lắp đặt pin lưu trữ, thậm chí bắt buộc đối với các nhà máy lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà với công suất lớn.

Ông Tuấn cho rằng cần phải quy định lắp đặt một tỉ lệ lưu trữ phù hợp với tổng công suất lắp đặt đảm bảo tính ổn định hệ thống, ví dụ muốn lắp 1 MW điện mặt trời, cần phải đầu tư thêm 200kW pin lưu trữ.

Giá pin lưu trữ cao nên việc đầu tư pin để bán điện sẽ không thu hút đầu tư, nhưng cần phải xem đây là giải pháp điện nền để đảm bảo mục tiêu kép là ổn định hệ thống điện và đây là nguồn điện dự phòng để EVN huy động khi thiếu điện, nhất là ban đêm hoặc cao điểm mùa hè.

"Cần quy định tỉ lệ lắp đặt pin lưu trữ trong khoảng 10-20% trên tổng công suất lắp đặt để hệ thống sẽ xài luôn nguồn điện này lúc có mây, trời mưa, sẽ giảm tác động đến lưới điện quốc gia trong khi EVN cũng giảm áp lực điều độ", ông Tuấn nói.

Giá pin lưu trữ bao nhiêu?

Trả lời Tuổi Trẻ, bà Trần Thị Thu Vân - giám đốc quốc gia của SolaX Power - cho biết giá pin lưu trữ đã giảm mạnh thời gian qua, người dân chỉ cần đầu tư dưới 100 triệu đồng là có hệ thống lưu trữ với công suất khoảng 6-7kW.

Trong khi đó, bà Elva Wang - giám đốc khu vực Đông Nam Á của Trina Solar - cho hay từ năm ngoái đến thời điểm này, giá pin lưu trữ đã giảm đến 50%.

Phổ biến trên thị trường hiện nay là với hệ thống lưu trữ khoảng 5kW, người dân sẽ bỏ ra khoản chi phí khoảng 3.000 - 5.000 USD mỗi hệ thống.

Tiêu thụ điện lại lập kỷ lục mới

Ngày 21-6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết cả công suất cực đại và sản lượng điện tiêu thụ điện ngày trên quy mô toàn quốc trong tháng 6 này đã tăng cao với những con số đạt mức kỷ lục mới.

Số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho thấy vào lúc 13h30 ngày 19-6, công suất đỉnh của hệ thống điện toàn quốc đã lên tới 49.533 MW. Sản lượng tiêu thụ toàn quốc ngày 14-6 đã lên tới 1,025 tỉ kWh.

Theo EVN, nếu không có mưa vào chiều tối trong một số ngày gần đây thì mức tiêu thụ điện kỷ lục có thể còn lên cao hơn nữa cả về công suất và sản lượng, gia tăng áp lực đáng kể về cung cấp điện.

THeoTuoiTre

0 nhận xét: