Sau khi Báo Lao Động đăng tải bài viết: “Không để trục lợi khi điện mặt trời được mua bán trực tiếp, không qua EVN” vào ngày 25.6, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến đến Báo Lao Động. Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của bạn đọc Nguyễn Đỗ Nam - kỹ sư tư vấn lắp đặt điện mặt trời mái nhà gửi tới tòa soạn.
Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo nghị định của Chính phủ về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), trong đó cho phép các nhà máy điện gió, điện mặt trời được phép bán trực tiếp cho khách hàng thông qua đường dây riêng (hình thức 1) hoặc mua bán điện qua lưới điện quốc gia (hình thức 2).
Để ngăn trục lợi khi điện mặt trời được mua bán trực tiếp, không qua EVN, tôi cho rằng, giải pháp tối ưu là cần tính toán cơ chế giá mua bán điện từ hệ thống lưu trữ. Việc này là cần thiết vì các lợi ích sau:
Thứ nhất sẽ đảm bảo được tính ổn định của hệ thống điện Quốc gia, do dung lượng pin lưu trữ là nguồn điện linh động tốt nhất để bù vào phần công suất thiếu hụt của hệ thống điện lúc gió giảm (đối với điện gió), lúc mây, mưa, giông bão và vào ban đêm (đối với hệ thống điện mặt trời).
Thứ hai sẽ góp phần giảm bớt đầu tư nguồn điện linh hoạt bằng vốn ngân sách. Bởi theo Quy hoạch Điện VIII được ban hành hồi tháng 5.2023, định hướng cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 đối với pin lưu trữ là 300 MW (chiếm 0,2% tổng cơ cấu nguồn điện); nguồn điện linh hoạt khác 300 MW (chiếm 0,2% tổng cơ cấu nguồn điện), nguồn điện linh hoạt bao gồm nhiệt điện khí, thủy điện tích năng, điện nguyên tử.
Thứ ba sẽ khuyến khích và huy động được các nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước như các hộ dân, nhà máy, xí nghiệp, đặc biệt là các văn phòng công sở và văn phòng doanh nghiệp do chỉ tính riêng điện năng dư cho các ngày nghỉ lễ, Tết, thứ 7, Chủ nhật trong năm đã chiếm đến 32% nhu cầu sử dụng điện.
Với cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA), tôi cho rằng, Chính Phủ nên thận trọng vì các lý do sau: Thứ nhất, cơ chế DPPA với các hình thức mua bán trực tiếp theo kết nối vật lý, hay kết nối qua lưới điện quốc gia đều cần có các nguồn linh động.
Với hình thức 1: Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây kết nối riêng, thì đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ xử lý các nguồn điện linh động bằng cách mua điện trực tiếp (giá cao hơn giá bán cho EVN) từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, nhiệt điện khí. Các nhà máy này đều đang kết nối và bán điện cho EVN. Như vậy, gánh nặng điều độ hệ thống điện EVN vẫn không thay đổi.
Bên cạnh đó còn xảy ra nguy cơ phát triển "nóng" nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) "nóng" hơn thời kỳ Quy hoạch điện VII và Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Trường hợp đơn vị phát điện năng lượng tái tạo tự đầu tư các nguồn điện linh động, tôi cho rằng, vấn đề này không khả thi trong thời gian từ 5 đến 7 năm tới vì vốn đầu tư quá lớn, lưới điện của hệ thống chưa đủ lớn, hơn nữa hiệu quả đầu tư không có.
Với hình thức 2: Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn kết nối qua lưới điện quốc gia, tôi cho rằng, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ xử lý các nguồn điện linh động bằng cách mua điện từ hệ thống điện của EVN. Điều này sẽ tạo gánh nặng cho hệ thống điện với toàn bộ nguồn năng lượng tái tạo phát triển "nóng".
Tóm lại, cơ chế DPPA với hình thức 1 hay hình thức 2 thì gánh nặng về điều độ và ổn định hệ thống trong thời gian từ 5 đến 7 năm nữa vẫn trên vai của EVN.
Tôi cho rằng, Bộ Công Thương - cơ quan tham mưu của Chính phủ phải hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng với hình thức DPPA, tránh tình trạng phát triển “nóng” năng lượng tái tạo (điện mặt trời), gây hệ lụy nghiêm trọng như giai đoạn bùng nổ trước đây (2019 – 2020).
TheoLaodong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét