Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo 356 kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích điện mặt trời (ĐMT) mái nhà tự sản, tự tiêu và "hoàn thiện khái niệm "tự sản, tự tiêu" đối với ĐMT mái nhà, tỷ lệ bán điện dư lên lưới...
Theo thông báo này, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt về xây dựng nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; Phó thủ tướng cũng đã chủ trì nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế để nghe báo cáo và chỉ đạo về các nội dung quan trọng của Dự thảo Nghị định.
"Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Công thương vẫn chưa phối hợp chặt chẽ với các các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ hoặc giải trình trong trường hợp không tiếp thu, nhất là các chính sách ưu đãi về giá, thuế với việc đầu tư hệ thống lưu trữ điện; việc cắt giảm, đơn giản hóa, công khai các thủ tục hành chính trong đăng ký đầu tư điện mặt trời tự sản, tự tiêu", thông báo nêu rõ.
Quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là chính sách rất quan trọng để huy động nguồn lực xã hội thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp, góp phần giảm áp lực đầu tư phát triển nguồn điện cho nhà nước, nhất là việc phát triển điện năng lượng tái tạo có hệ thống lưu trữ là cơ sở quan trọng để sớm điều chỉnh cơ cấu các nguồn điện, giảm nguồn điện sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết tại COP26.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định này, bảo đảm chất lượng, tính khả thi, tuyệt đối không để sơ hở, trục lợi chính sách, tạo cơ chế xin - cho, Phó thủ tướng đã đề nghị Bộ Công thương nhiều vấn đề rất cụ thể.
Đó là hoàn thiện khái niệm “tự sản, tự tiêu” đối với ĐMT mái nhà, trong đó bổ sung tỷ lệ bán lượng điện dư để làm rõ hơn nội hàm điện mặt trời tự sản, tự tiêu, lượng điện sản xuất được tiêu thụ 90% tổng công suất và được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất; nghiên cứu, tính toán các cơ sở hợp lý, khoa học để quy định tỷ lệ bán điện dư lên lưới theo hướng khu vực miền Bắc được bán lên lưới lượng điện dư là 20% tổng công suất; khu vực miền Trung và miền Nam được bán lên lưới lượng điện dư là 10% tổng công suất.
Bộ Công thương cũng được yêu cầu làm rõ quy định về điện đấu nối lên lưới điện quốc gia và điện không đấu nối. Đó là đối với ĐMT mái nhà không đấu nối lên hệ thống điện quốc gia sẽ không giới hạn công suất, đơn giản tối đa thủ tục đăng ký; điện đấu nối lên hệ thống điện quốc gia cân nhắc để người sử dụng hoặc người thuê dịch vụ đầu tư hệ thống pin mặt trời...
Liên quan đến vấn đề giá điện, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu thêm giải pháp lượng điện dư phát lên lưới mà EVN mua thì có thể xem xét được bù trừ khi người dân mua điện của EVN hoặc giá điện dư thì EVN có thể mua theo giá thị trường tại thời điểm giá điện thấp nhất được chào trên thị trường điện. Giá cụ thể sẽ do Bộ Công thương phối hợp Bộ Tài chính xem xét, quyết định theo đúng quy định của luật Điện lực.
Về chính sách ưu đãi, nghị định cần bổ sung chính sách ưu đãi đối với trường hợp đầu tư ĐMT mái nhà để sử dụng có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện năng thì có tính chất như nguồn điện nền nên không giới hạn, có thể mua 100% công suất điện dư và có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất, chi phí lắp đặt...
Về các vấn đề xin ý kiến thành viên Chính phủ, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, ngoài nội dung xin ý kiến toàn văn dự thảo nghị định, Bộ Công thương, Văn phòng Chính phủ báo cáo, xin ý kiến thành viên Chính phủ đối với 3 nội dung: Tỷ lệ điện bán lên lưới điện quốc gia theo các miền; tính toán, điều chỉnh Quy hoạch điện 8 để tăng thêm quy mô công suất nguồn ĐMT mái nhà khi đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, kỹ thuật, chi phí giá thành và an toàn hệ thống; quy định đơn giản, cắt giảm tối đa các quy trình, thủ tục đối với các công trình hiện hữu.
TheoThanhnien
0 nhận xét:
Đăng nhận xét