Lãnh đạo EVN chỉ ra khó khăn khi tập đoàn vận hành theo cơ chế rất "đặc biệt" - đầu vào theo giá thị trường, nhưng giá đầu ra Nhà nước quản lý. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tập đoàn này chưa thể cân đối được tài chính trong nửa đầu năm 2024.
Ngày 16.7, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Chia sẻ về tình hình tài chính 6 tháng, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiết lộ con số âm tài chính khoảng 13.000 tỉ đồng. Song, ông kỳ vọng cuối năm nay lợi nhuận sẽ dương, giảm số lỗ xuống.
Lý giải về nguyên nhân khiến doanh nghiệp này chưa thể cân đối được tài chính trong nửa đầu năm 2024, ông Tuấn cho hay, đó là khó khăn khi tập đoàn vận hành theo cơ chế "đặc biệt" - đầu vào theo giá thị trường, nhưng giá đầu ra Nhà nước quản lý.
Hiện nay, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất điện (phát điện) tăng cao. Trong khi đó, giá thành khâu phát điện hiện chiếm tới 82,8% giá thành nên những biến động của giá thành khâu phát điện ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản xuất điện.
Đơn cử, giá than nhập khẩu NewC Index năm 2023 ước tăng 186% so với 2020 và 25% so với năm 2021. Còn than pha trộn mua từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cũng có mức tăng rất cao so với năm 2021, ngưỡng từ 29-50%.
Giá khí năm qua cũng rất cao, do tiếp nhận nhiều khí Hải Thạch - Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và khí Đại Hùng, Thiên Ưng, bởi khí Nam Côn Sơn suy giảm sản lượng mạnh.
Những yếu tố trên khiến giá thành các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí tăng rất cao - trong khi các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỉ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống.
Doanh thu hợp nhất 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt hơn 1 triệu tỉ đồng
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước), cho biết, 6 tháng qua, ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức.
"Tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên. Một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn nhà nước", ông Sơn chia sẻ.
Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, song theo Ủy ban, do khối lượng công việc lớn, nhiều tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước trong khi số lượng cán bộ còn hạn chế nên một số tập đoàn, tổng công ty chưa thực hiện chế độ báo cáo theo đúng hạn định.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty đã nỗ lực cao độ, triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty 6 tháng năm nay ước đạt hơn 1 triệu tỉ đồng, bằng 76,3% kế hoạch năm và bằng 113% so cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 56.874 tỉ đồng, bằng 127% kế hoạch năm và bằng 127% so cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 86.217 tỉ đồng, bằng 75,24% kế hoạch năm và bằng 91% so cùng kỳ.
Với những kết quả đạt được, tiến độ giải ngân trong 6 tháng cuối năm dự kiến tiếp tục gia tăng sau khi các vướng mắc, khó khăn đã được các cấp có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý làm cơ sở để các tập đoàn, tổng công ty hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm, có vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét