Thứ Năm, tháng 7 18, 2024

Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp

 

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc triển khai Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Bộ Công Thương vừa có 2 văn bản liên tiếp gửi các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc triển khai Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Nghị định số 80 có hiệu lực từ ngày ký 3/7/2024).

Với EVN, Bộ Công Thương đề nghị khẩn trương phổ biến, tập huấn cho các đơn vị trực thuộc thực hiện Nghị định số 80 trong tháng 7 này; đàm phán, thỏa thuận ký kết các hợp đồng mua bán điện dư với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo theo quy định hiện hành...

Để triển khai thống nhất và hiệu quả Nghị định 80 trong phạm vi cả nước, Bộ Công Thương đề nghị UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo cơ quan chuyên môn về điện lực thực hiện kiểm tra giám sát đơn vị phát điện năng lượng tái tạo; khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý trong việc tuân thủ quy định tại Nghị định 80 và các quy định pháp luật có liên quan.

Bộ Công Thương đề nghị các tỉnh, thành triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư (bao gồm sự phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt); quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường và an toàn trong sử dụng điện; quy định về mua bán điện và hợp đồng; các quy định pháp luật khác có liên quan.

Các địa phương có trách nhiệm theo dõi, quản lý danh sách khách hàng sử dụng điện lớn thuộc phạm vi quản lý thực hiện mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng theo quy định. Đồng thời thực hiện kiểm tra, giám sát và giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp theo phạm vi khu vực quản lý.

Trước đó, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị với EVN và các nhà đầu tư năng lượng tái tạo, các tập đoàn tiêu thụ lớn (bao gồm doanh nghiệp FDI) vào chiều 5/7 để triển khai DPPA, do Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì.

Theo Bộ Công thương, những cơ sở sử dụng điện có sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng trở lên và có mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo với hai chính sách: Thông qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.

Tại hội nghị, các cơ quan, đơn vị và tổ chức quốc tế, khách hàng sử dụng điện lớn và các địa phương đều bảy tỏ sự ủng hộ việc ban hành cơ chế DPPA, coi đây không chỉ là một cơ chế góp phần bảo đảm an ninh cung cấp điện, mà còn là cơ chế giúp khách hàng đạt được các mục tiêu sản xuất và tăng trưởng xanh.

Việc thực hiện cơ chế DPPA sẽ giúp khách hàng sử dụng điện đáp ứng mục tiêu và xu hướng sử dụng năng lượng sạch, qua đó góp phần thu hút đầu tư không chỉ trong ngành năng lượng tái tạo mà còn cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu tiêu thụ điện lớn.

Cơ chế DPPA cũng góp phần không nhỏ trong việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước và mức độ cạnh tranh trong hoạt động mua bán điện nói chung và thị trường điện nói riêng.

TheoVTV.vn

0 nhận xét: