TTO - Việt Nam là một nước nông nghiệp nên có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối như: gỗ, phế thải - phụ phẩm từ nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác…
Với vị trí địa lý cũng như hệ thực vật tự nhiên phong phú, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng sinh khối.
Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng nguồn năng lượng sinh khối ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa hiệu quả, cần lắm một bước đệm để có đột phá, nhất là trước và sau thời điểm diễn ra dịch COVID-19.
Sinh khối là vật liệu hữu cơ dự trữ ánh sáng Mặt trời dưới dạng năng lượng hóa học, năng lượng từ Mặt trời được "giữ" lại bởi cây cối qua quá trình quang hợp trong giai đoạn phát triển của chúng. Khi được đốt cháy, năng lượng hóa học này được giải phóng dưới dạng nhiệt dùng để nấu nướng, sưởi ấm và làm nhiên liệu.
Khi thực vật sinh trưởng, chúng hấp thụ khí cacbonic (CO2) trong môi trường và dự trữ nó thông qua quá trình quang hợp.
Một lượng CO2 tương đương được giải phóng khi thực vật bị phân hủy tự nhiên hoặc đốt cháy. Điều đó có nghĩa là năng lượng sinh khối không đóng góp vào quá trình phát thải khí nhà kính.
Trong tự nhiên, sinh khối bao gồm cây cối, cây trồng công nghiệp, tảo và các loài thực vật khác, hoặc là những bã nông nghiệp và lâm nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp, lá khô, vụn gỗ...), giấy vụn, mêtan từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm...
Hiện nay trên thế giới có sáu hệ thống điện sinh học lớn, bao gồm: đốt biomass trực tiếp, đồng đốt cháy, khí hóa, tiêu hóa kỵ khí, nhiệt phân và hệ thống điện sinh học nhỏ, module.
Việt Nam là một nước nông nghiệp nên có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối như: gỗ, phế thải - phụ phẩm từ nông nghiệp, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác…
Phế phẩm nông nghiệp rất phong phú dồi dào ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 50% tổng sản lượng phế phẩm nông nghiệp toàn quốc và vùng Đồng bằng sông Hồng với 15% tổng sản lượng toàn quốc.
Hằng năm tại Việt Nam có hơn 60 triệu tấn sinh khối từ phế phẩm nông nghiệp, mà mới chưa tới 40% được sử dụng đáp ứng nhu cầu năng lượng cho hộ gia đình và sản xuất điện.
Trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao thì giải pháp sử dụng nguồn điện sinh khối để thay thế mang ý nghĩa to lớn trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.
Hơn nữa, Việt Nam lại có tiềm năng to lớn để phát triển điện sinh khối cả trong hiện tại và tương lai. Do đó:
Cần tập trung thu hút đầu tư cả về công nghệ và nguồn tài chính của nhà đầu tư tư nhân trong điện sinh khối.
Có thể xem xét "thưởng thêm" cho các công nghệ tiên tiến, mang lại hiệu quả cao. Rõ ràng công nghệ không phải quá khó, Việt Nam có thể làm chủ, nhiều đơn vị đã và đang nghiên cứu, làm chủ công nghệ. Nhưng cần có thêm cơ chế để thu hút đầu tư hấp dẫn hơn.
Chúng ta cần học tập kinh nghiệm phát triển nguồn năng lượng sinh khối tại một số quốc gia trên thế giới, chuyên gia quốc tế về năng lượng sinh khối (GIZ) cho biết, hiện nay, nhiều nước trong khu vực đã có mức giá ưu đãi FIT (một giá) với điện sinh khối rất tốt như Thái Lan, Malaysia...
Việt Nam cũng đã có cơ chế giá FIT, tuy nhiên, chưa đủ để khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển, do vậy cần có cơ chế hỗ trợ người dân vùng nguyên liệu, cơ giới hóa, hướng tới mục tiêu phát triển nền năng lượng carbon thấp...
Bên cạnh đó, mức giá FIT của Việt Nam mới chỉ 8,47 cent/kWh (công nghệ không đồng phát), thấp hơn so với nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Với mức giá ưu đãi thấp, sẽ khó để các ngân hàng cấp vốn, bởi nhiều rủi ro trong đầu tư. Vì nếu giá FIT không thực sự tốt, thị trường tài chính không có đủ đòn bẩy, khuyến khích các ngân hàng sẵn sàng cung cấp nguồn vốn.
Bên cạnh việc hỗ trợ về giá, cũng cần có cơ chế thông thoáng, gỡ "vướng" các quy định, thủ tục đầu tư; cần có chỉ đạo, rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật, các quy trình, thủ tục còn vướng mắc giữa các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng trong lĩnh vực quản lý chất thải sinh hoạt đô thị, đồng thời, cụ thể hóa chính sách ưu đãi đầu tư. Khi có cơ chế hợp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nguồn năng lượng này.
Tiếp đó, để phát triển điện sinh khối rất cần có những vùng nguyên liệu bền vững và chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. Vì chuyện biến động khiến giá nhiên liệu thay đổi theo mùa vụ, khả năng cung cấp nhiên liệu thiếu ổn định và bền vững do không có vùng nguyên liệu sẽ là bước cản thật sự.
TheoTuoiTre
0 nhận xét:
Đăng nhận xét