Mức giá trần đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga cuối cùng cũng đã được công bố sau vài tháng thảo luận, nhưng tác động của nó vẫn là một dấu chấm hỏi.
Liên minh châu Âu (EU) đã công bố quyết định hạn chế giá dầu của Nga ở mức 60 USD/thùng ngay sau khi các nước thành viên chấp thuận động thái này. Mức giá trần này sẽ được áp dụng từ ngày 5/12/2022.
Sáng kiến này của Nhóm 7 nước có nền công nghiệp phát triển (G7) được đưa ra ngay sau lệnh cấm vận của EU đối với việc nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga cũng có hiệu lực từ ngày 5/12.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, “Điều này sẽ giúp chúng tôi ổn định giá năng lượng toàn cầu, mang lại lợi ích cho các quốc gia trên thế giới hiện đang phải đối mặt với giá dầu cao”.
Mức trần giá sẽ cấm các công ty G7 kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, tái bảo hiểm hoặc tài trợ cho thương mại dầu mỏ hoặc xử lý các chuyến hàng dầu thô của Nga đến các nước thứ ba, trừ khi mặt hàng này được bán ở mức giá trần 60 USD/thùng hoặc thấp hơn.
Đáp lại thỏa thuận này, Điện Kremlin hôm 3/12 cho biết, họ “sẽ không chấp nhận” mức giá trần đối với dầu của mình và đang phân tích tình hình trước khi đưa ra một phản ứng cụ thể.
“Không đủ nghiêm trọng”
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy hôm 3/12 cho rằng mức giá trần đối với dầu Nga là một động thái yếu ớt, không đủ nghiêm trọng để phá hủy nền kinh tế của Nga.
Mặc dù mức giá này đủ để giảm doanh thu từ dầu mỏ của Nga, nhưng đây dường như vẫn là một con số khá khiêm tốn.
Thứ nhất, giá dầu trần cao hơn đáng kể so với chi phí sản xuất dầu của Nga, do đó Nga vẫn có thể duy trì xuất khẩu dầu sau khi giới hạn giá được áp xuống.
Thứ hai, nguồn năng lượng dồi dào giúp Nga dễ dàng vượt qua những biến động thị trường, do đó, Nga sẵn sàng hy sinh một phần doanh thu xuất khẩu của mình để lấy đi nguồn cung cấp năng lượng của phương Tây.
Thứ ba, trong những năm tới, một cuộc suy thoái tiềm ẩn trên toàn thế giới có thể sẽ ảnh hưởng đến giá dầu, khiến mức trần 60 USD/thùng không còn nhiều ý nghĩa.
Quan trọng hơn, mức trần giá G7 cần có sự tham gia của các nước lớn mới nổi và các nước đang phát triển, đặc biệt là từ châu Á - thị trường mục tiêu của Nga khi đối diện các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nếu không có sự tham gia của họ, Nga sẽ có thể tiếp tục chuyển hướng xuất khẩu của mình sang khách hàng phương Đông và bù đắp một phần doanh thu bị mất do phương Tây gây ra.
“Ngư ông đắc lợi”
Giới hạn giá dường như không cần thiết đối với các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, vì họ dường như đã mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu. Nếu tham gia áp giá trần, các quốc gia này có thể sẽ gặp rủi ro trong thương mại hàng hóa và mối quan hệ với Nga, vì họ đã trở thành những khách hàng lớn nhất của Nga thời gian gần đây.
Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cùng một lúc không phải là điều dễ dàng.
Do đó, sau khi giá trần đối với dầu của Nga được công bố, các nước châu Á có thể sẽ ký thỏa thuận riêng với Nga và tiếp tục mua dầu của quốc gia này với mức chiết khấu của riêng họ. Trong khi đó, giá thấp hơn sẽ giúp Nga tăng thị phần dầu trên thị trường toàn cầu, châm ngòi cho cuộc cạnh tranh giữa các nhà sản xuất.
Điều này có thể trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC. Do đó, các nhà sản xuất OPEC khó có thể tăng sản lượng dầu để ổn định thị trường nếu giá trần khiến Nga đóng cửa xuất khẩu sang các nước áp dụng giới hạn giá.
Các nước đang phát triển sẽ là những người hưởng lợi lớn từ giá dầu rẻ của Nga, tuy nhiên, lợi ích kinh tế và an ninh năng lượng sẽ làm tăng sự phụ thuộc của họ vào Nga. Họ càng phụ thuộc vào nguồn cung chiết khấu của Nga càng lâu, họ sẽ càng khó loại bỏ Nga khỏi chuỗi cung ứng của mình.
Về lâu dài, cuộc chiến năng lượng sẽ vẫn là vấn đề đau đầu đối với châu Âu và Nga, nhưng châu Á có thể sẽ trở thành một bên hưởng lợi lớn trong tình trạng hỗn loạn địa chính trị này.
Nguyễn Tuyết (CGTN, ISPI Online)