Thứ Ba, tháng 12 13, 2022

Tín hiệu mới về năng lượng tái tạo toàn cầu

 Trên toàn thế giới, tăng trưởng về công suất điện tái tạo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2027, gia tăng thêm đáng kể lượng điện tái tạo trong 5 năm tới, tờ NY Times dẫn báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Báo cáo của IEA cho thấy, năng lượng tái tạo đã sẵn sàng vượt qua than đá để trở thành nguồn phát điện lớn nhất vào đầu năm 2025. Xu hướng này phần nào được thúc đẩy từ cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Fatih Birol, Giám đốc điều hành của IEA, cho biết: "Đây là một minh chứng rõ ràng về cách cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay có thể trở thành một bước ngoặt lịch sử hướng tới một hệ thống năng lượng sạch hơn và an toàn hơn".

Heymi Bahar, nhà phân tích cấp cao của IEA và là một trong những tác giả chính của báo cáo trên, cho biết việc tăng cường phát triển năng lượng tái tạo trong 5 năm tới sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với điều họ từng dự báo cách đây một năm. Báo cáo năm nay cũng đưa ra dự báo rằng tăng trưởng năng lượng tái tạo sẽ tăng thêm 30% sau khi một số đơn vị phát thải lớn nhất thế giới, như Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ và Trung Quốc, đưa ra các chính sách mới.

Mặc dù tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đang phần nào gia tăng khi mùa đông đang diễn ra và các nước châu Âu đang nỗ lực tìm nguồn khí đốt khác để thay thế Nga thì các tác động này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, IEA cho biết.

Thay vào đó, trong 5 năm tới, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo khi các quốc gia áp dụng công nghệ phát thải thấp để đối phó với giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao. Các công nghệ mới như tua-bin gió, tấm pin mặt trời, nhà máy điện hạt nhân, nhiên liệu hydro, xe điện và máy bơm nhiệt điện đang được phát triển.

Tín hiệu mới về năng lượng tái tạo toàn cầu - Ảnh 1.

Các quốc gia đang đẩy nhanh quá trình phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Ny Times.

Báo cáo của IEA cũng cho biết hệ thống sưởi và làm mát các tòa nhà bằng năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực cần được cải thiện nhiều hơn.

Hành động của các nước lớn

Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát trong năm nay, một đạo luật mang tính bước ngoặt liên quan đến thuế và khí hậu, và cùng với nhiều khoản đầu tư nhằm giảm phát thải khí nhà kính đang làm Trái Đất nóng lên. Động thái này cũng đã thúc đẩy các chính sách dài hạn hướng đến các dự án năng lượng mặt trời và gió cho đến năm 2032, ông Bahar nói.

Chỉ riêng Trung Quốc được dự báo sẽ triển khai và chiếm gần một nửa công suất năng lượng tái tạo toàn cầu mới trong 5 năm tới, theo các mục tiêu đặt ra trong kế hoạch 5 năm mới của quốc gia này. Mặc dù vậy, họ vẫn đang đẩy mạnh khai thác và sản xuất than tại các nhà máy điện đốt than.

Doug Vine, Giám đốc phân tích năng lượng tại Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng, cho biết động lực tăng trưởng năng lượng tái tạo gần đây vẫn chưa đủ để giúp thế giới hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Mục tiêu trên được đặt ra tại Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015. Khi vượt quá ngưỡng đó, các nhà khoa học cho biết nguy cơ xảy ra thảm họa khí hậu, bao gồm các đợt nắng nóng chết người và lũ lụt ven biển, sẽ tăng lên đáng kể.

Các nhà khoa học đã tính toán rằng việc đạt được mục tiêu 1,5 độ C sẽ cần các quốc gia hạn chế hoặc bù đắp toàn bộ lượng khí thải carbon dioxide vào năm 2050. Ông Bahar nói: "Dù chúng tôi vẫn chưa đạt được mục tiêu đó nhưng báo cáo mới của cơ quan này chỉ ra rằng việc thu hẹp khoảng cách là "trong tầm tay" về mặt chính sách và hành động của chính phủ".

Cần tháo gỡ các trở ngại

Báo cáo cũng cho biết những trở ngại chính ở các quốc gia giàu có là thủ tục cấp phép kéo dài và việc thiếu cải thiện cũng như thiếu mở rộng cơ sở hạ tầng lưới điện.

Hiện tại, một số nước châu Âu đã đạt được tiến bộ trên lĩnh vực trên. Các quốc gia này bao gồm Đức, quốc gia đã giảm thời gian cấp phép và Tây Ban Nha, quốc gia đã hợp lý hóa việc cấp phép và tăng công suất lưới điện cho các dự án năng lượng tái tạo.

Đối với các quốc gia có thu nhập thấp, báo cáo cho biết, thách thức là cả cơ sở hạ tầng lưới điện yếu kém và thiếu khả năng tiếp cận nguồn tài chính hợp lý cho các dự án năng lượng tái tạo – thường đòi hỏi chi phí vốn ban đầu cao hơn và cả một nguồn tiền lớn cho chi phí bảo trì và vận hành. Lãi suất cao đối với các khoản vay thường là một rào cản đối với nhiều quốc gia có thu nhập thấp, những quốc gia ít phát thải khí nhà kính nhất nhưng lại là bên dễ bị tổn thương nhất.

Tại hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc vào tháng trước ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu đã kêu gọi cải tổ hai tổ chức tài chính hùng mạnh là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để hướng đến sự quan tâm nhiều hơn tới các nước nghèo.

Nếu các cải tổ được thực hiện thì hai tổ chức này có thể cho các quốc gia đang gặp khó khăn vay với lãi suất thấp hơn và cho phép các tổ chức tài chính này thu hút hàng nghìn tỷ đô la vốn tư nhân để giúp những quốc gia nghèo chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

An Bình

0 nhận xét: