Khoảng 13,58 tỉ USD là số vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải mà Việt Nam đang kêu gọi để chấm dứt tình trạng tắc nghẽn.
Huy động vốn giải quyết 'điểm nghẽn' lưới điện
Có thể thấy, lưới điện truyền tải cơ bản đảm bảo việc vận hành hệ thống thông suốt và an toàn. Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng phụ tải tăng cao, thời gian đầu tư để đưa các công trình lưới điện vào vận hành ngày càng bị kéo dài nên hệ thống điện truyền tải vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Để giải quyết “điểm nghẽn” lưới điện truyền tải trong giai đoạn 2021-2030, Việt Nam cần thêm khối lượng xây dựng mới 49.050 MVA, cải tạo 34.200 MV trạm biến áp 500 kV; Xây dựng mới 11.988 km đường dây 500 kV; Xây dựng mới 67.513 MVA, cải tạo 32.747 MVA trạm biến áp 220 kV; Xây dựng mới 15.643 km đường dây 220 kV.
Trong đó, tổng nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện chương trình phát triển điện lực khoảng 99,32 tỉ USD, cho lưới điện truyền tải khoảng 13,58 tỉ USD (mỗi năm khoảng 1,36 tỉ USD). Nếu phát triển theo phương án phụ tải cao, nhu cầu vốn đầu tư hàng năm cần khoảng 1,42 tỉ USD dành cho đầu tư lưới điện truyền tải.
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: "Đây là khối lượng đầu tư tương ứng với thực tiễn tại Việt Nam nếu xét đến sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong những năm gần đây và dự báo về mức tăng gấp đôi của tổng công suất phát điện tại Việt Nam trong những năm tới".
Tăng trưởng xanh đang được định hình là một mô hình tăng trưởng bền vững và phù hợp với Việt Nam, giúp Việt Nam có thể tái cơ cấu kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng. Trong thực hiện tăng trưởng xanh, cần phải có cơ cấu năng lượng mà ở đó tỉ phần của năng lượng tái tạo dần dần tăng lên trong tổng cung năng lượng sơ cấp.
Các dự án khai thác năng lượng tái tạo để phát điện đang có xu hướng tăng nhanh trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn trong đó quan trọng bậc nhất là các điểm nghẽn về thể chế và tiếp cận nguồn vốn cho các dự án năng lượng tái tạo.
Theo ghi nhận, để đáp ứng yêu cầu rất lớn về nguồn vốn cho ngành điện, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển cũng như các bộ, ban, ngành tìm kiếm thêm các gói tín dụng hỗ trợ phát triển các dự án truyền tải năng lượng trọng điểm.
Đầu tư lưới truyền tải 500 - 220 kV mang lại nhiều thách thức lớn
Trong những năm qua, ngành điện đã có nhiều nỗ lực đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải, do đó, phần lớn các TBA 500 kV hiện đang vận hành trong giới hạn kỹ thuật cho phép. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số TBA 500 kV cấp điện cho các trung tâm phụ tải miền Bắc và miền Nam; một số đường dây và TBA 220 kV tại các khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ bị đầy tải hoặc quá tải.
Điều này liên quan tới việc nhiều nguồn năng lượng tái tạo được đưa vào vận hành trong thời gian ngắn, tốc độ phụ tải tăng trưởng nhanh, bên cạnh đó là tình trạng chậm tiến độ của nhiều công trình lưới truyền tải cũng đã ảnh hưởng tới việc huy động nguồn điện. Tại một số thời điểm, nguồn năng lượng tái tạo đã phải cắt giảm công suất để đảm bảo vận hành hệ thống điện ổn định.
Bên cạnh đó, hệ thống lưới điện nói chung vẫn chưa đảm bảo dự phòng theo tiêu chí N-1, đặc biệt là khu vực miền Bắc và miền Nam nên trong các trường hợp sự cố nguồn, sự cố lưới và phụ tải cao có thể dẫn đến quá tải cục bộ ở một số khu vực. Nếu không được bổ sung các dự án mới, nguy cơ cắt giảm phụ tải vào các giờ cao điểm sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay: “Đầu tư lưới truyền tải 500 - 220 kV giai đoạn 2021 - 2030 là thách thức rất lớn cho ngành điện, bởi vì khối lượng đầu tư trung bình hàng năm cao gấp khoảng 2 lần năng lực hiện nay”.
Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030, cần 133,3 tỉ USD, trong đó nguồn điện là 96 tỉ USD, lưới điện là 37,3 tỉ USD; Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 72/28; Trung bình mỗi năm khoảng 13,3 tỉ USD. Giai đoạn 2031 - 2045 là 184,1 tỉ USD, trong đó nguồn điện khoảng 136,4 tỉ USD, lưới điện khoảng 47,7 tỉ USD; Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74/26; Trung bình mỗi năm cần khoảng 12,3 tỉ USD.
Về chi phí sản xuất điện theo vùng, Bộ Công Thương cũng dự đoán từ năm 2025, Bắc Bộ sẽ luôn là khu vực có giá điện cao nhất so với các vùng khác. Nhà đầu tư nguồn điện nên xem xét ưu tiên đầu tư ở khu vực Bắc Bộ. Nếu là hộ tiêu thụ điện, nên xem xét ưu tiên xây dựng ở khu vực miền Trung và Nam.
Hơn nữa, việc bổ sung thêm những kỹ năng mềm là vô cùng thiết thực như: Nâng cao khả năng quản lý lưới điện phức tạp, tăng cường năng lực dự báo; Phát triển thị trường cung cấp các sản phẩm phụ trợ; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong đo đạc, giám sát, kiểm soát hệ thống theo thời gian thực; Đào tạo đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật để điều hành các hệ thống hiện đại.
TheoKinhtemoitruong - Thu Hà (t/h)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét