Thứ Năm, tháng 11 05, 2020

ĐỔ HẾT TỘI CHO THỦY ĐIỆN SAO ĐANG!

 

                                    


ĐỔ HẾT TỘI CHO THỦY ĐIỆN SAO ĐANG!

Có mấy đại biểu quốc hội đang họp ở Hà Nội, nhân dịp bão lũ, sạt lở đất ở miền Trung chưa tìm ra ngọn nguồn của thiên tai, thế là đổ hết cho thủy điện.
Mấy ông đứng đầu ngành điện cũng không dám nói, phải chăng là sợ kỳ này không giữ được cái ghế? Thậm chí cả đến những ông tiến sĩ nọ, kỹ sư kia ở cái Hội Năng lượng cũng không có một lời giải thích. Các ông không nói thì để tôi nói vậy.
Thứ nhất, những ông bà đại biểu quốc hội luận bàn về thủy điện lại không phải người làm trong ngành điện. Còn ông bà có kiến thức về ngành điện hay không thì tôi không dám nói.
Thứ hai, không nói nhiều, vì tôi nói mãi rồi – thủy điện lớn làm nhiệm vụ điều tiết lũ; thủy điện nhỏ có chức năng làm chậm tốc độ lũ về hạ lưu. Thủy điện chưa bao giờ làm ra lũ.
Thứ ba, thực tế đây nè - ở miền bắc có thủy điện Hòa Bình là lớn chứ gì? Ở miền Nam có thủy điện Đa Nhim được xây dựng từ những năm 60. Người dân ở ngoài đê sông Hồng từ ngày có thủy điện Hòa Bình không còn phải chạy lụt. Khi các cánh đồng lúa cần nước đổ ải thì thủy điện phải xả cho bà con nông dân lấy nước. Và cái thủy điện Đa Nhim ở Lâm Đồng vận hành trên nửa thế kỷ nay rồi nó có làm sạt lở núi đâu? Hơn nữa nó còn nằm trên cao độ cách mực nước biển đến hơn 1.000 mét cơ đấy.
Đóng hay mở mấy cửa xả và trong bao lâu, giám đốc nhà máy không thể tự hành động một cách tùy tiện, cái đó phải theo quy trình tích và xả nước được sự phê duyệt của cả chính quyền địa phương nữa. Bây giờ chính mấy ông ở địa phương lại phê phán thủy điện có phải các vị vừa nhổ vừa nuốt không?
Thứ tư, chính bản thân tôi đã chủ trì xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ La La, Quảng Trị, tôi nói cho mấy vị biết, rằng bất cứ dự án nào cũng phải có bản báo cáo đánh giá tác động môi trường được tỉnh duyệt mới được triển khai. Công trình của chúng tôi chưa chặt một cây rừng nào, chỉ phải đền bù cho dân mấy bụi chuối họ trồng ven bên suối. Chẳng tin các vị đi hỏi ông Nguyễn Ngọc Sắc, chủ tịch UBND huyện thời đó và hỏi ông Mi, trưởng phòng Tài nguyên môi trường của huyện.
Thứ năm, các nhà máy thủy điện đều được xây dựng ở VÙNG NÚI chứ không xây dựng TRÊN NÚI. Hồ thủy điện hình thành ở các khe núi, cho nên hồ tạo thành ở dưới chân các ngọn núi, và người ta giải phóng lòng hồ (thủy điện lớn) thì cũng chỉ chặt bỏ các cây ở chân núi chứ không ai trèo lên núi để phá rừng.
Thứ sáu, làm thủy điện cũng như xây dựng các công trình nào khác, đều phải có mặt bằng để đặt nhà máy, để xây dựng đập, đương nhiên có xử dụng một diện tích đất nhất định song diện tích đất ấy cũng ở phần chân núi, ở lòng hồ chứ không ai xây nhà máy và đập trên cao.
Tức quá đi, cứ có bão lũ thì đem thủy điện ra hỏi tội. Chẳng còn bắt tội được ai thì bắt tội ngành điện. Các ông các bà còn đòi loại bỏ nguồn thủy điện, đó là nguồn điện giá rẻ. Bỏ đi rồi xài điện giá cao, lúc ấy có khi lại chính các ông các bà lớn tiếng phê phán. Sắp tới rồi đó. Nhà máy điện dùng khí hóa lỏng (LPG) nhập khẩu thì biết tay nhau./.
Chán rồi, không nói nữa!
Hình trong bài: Rõ ràng hồ thủy điện Hòa Bình (khu dân cư dưới hạ lưu).
Ngày 4/11/2020
Ph.T.Khoa

0 nhận xét: