Thứ Hai, tháng 11 16, 2020

Nan giải bài toán xử lý pin năng lượng mặt trời hết hạn

 Trong bối cảnh năng lượng mặt trời đang phát triển như vũ bão, vấn đề xử lý rác thải tạo ra từ hệ thống này (đặc biệt là pin năng lượng mặt trời) đang trở thành một vấn đề nan giải.

Bùng nổ điện mặt trời và nguồn rác thải lớn

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp năng lượng sạch mở ra cho con người nhiều lựa chọn thay thế nguồn nhiên liệu truyền thống. Tấm thu năng lượng mặt trời (pin) là một trong những lựa chọn của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học môi trường và chuyên gia năng lượng đã cảnh báo về mức độ ô nhiễm mà tấm 'pin' này gây ra. Chất thải từ việc sản xuất và sau khi hết hạn sử dụng đều ở mức báo động. Trong đó, chất thải nguyên liệu như axit suphua và phosphine rất độc hại cho sức khỏe con người.

Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) ước tính vào năm 2016, có khoảng 250.000 tấn chất thải tấm thu mặt trời trên khắp thế giới. IRENA dự đoán rằng số lượng này có thể lên tới 78 triệu tấn vào năm 2050.

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Bộ Công thương, đầu tư điện mặt trời đã bùng nổ tăng cấp số nhân trong vài năm trở lại đây. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh năm 2016 mục tiêu điện mặt trời đạt 850 MW vào năm 2020, lên 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW năm 2030. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đến giữa năm 2020, tổng công suất điện mặt trời được quy hoạch đã lên đến 10.300 MW, trong đó đưa vào vận hành hơn 90 dự án với tổng công suất khoảng 5.000 MW, chiếm gần 8,5% công suất lắp đặt của hệ thống điện.

Như vậy, công suất điện mặt trời đang vận hành hiện tại đã vượt chỉ tiêu của quy hoạch năm 2020 gấp 6 lần và vượt 1,25 lần chỉ tiêu năm 2025. Theo EVN, trong 6 tháng đầu năm, điện mặt trời phát lên lưới 4,71 tỉ kWh, tăng 5,35 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo của EVN đến cuối năm 2019 cũng cho thấy, đã có khoảng 15.000 MW công suất các dự án điện mặt trời được Thủ tướng phê duyệt bổ sung Quy hoạch điện VII.

Ảnh minh họa 

Xử lý pin hết hạn, bài toán chưa có đáp án

Đáng nói, trong khi điện mặt trời phát triển như vũ bão thì vấn đề xử lý pin từ nguồn điện này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội mới đây, khi giải đáp thắc mắc của đại biểu Ksor H'Bơ Khăp, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ có thể trả lời, trách nhiệm xử lý pin hết hạn sử dụng thuộc về chủ đầu tư các dự án điện mặt trời. Còn chủ đầu tư xử lý thế nào, thậm chí có xử lý hay không lại là chuyện bỏ ngỏ. Quan trọng hơn, dù điện mặt trời đã phát triển mấy năm nay nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, trong phiên họp đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định giao cho Bộ KH&CN nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về tấm pin quang điện cũng như phương án xử lý các tấm pin sau khi dự án hết thời hạn.

GS Trần Đình Long, Viện trưởng Viện Điện lực Việt Nam nhận xét thực tế, với tuổi thọ một dự án điện mặt trời từ 20 - 25 năm, yếu tố pháp lý ràng buộc về trách nhiệm xử lý các tấm pin mặt trời sau khi dự án hoàn tất vẫn còn “mỏng” hay nói đúng hơn là chưa có. Bài toán phát triển điện mặt trời gắn với sự phát triển bền vững môi trường vẫn chưa được coi trọng.

Còn theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Viện phó Viện Năng lượng (Bộ Công thương), trong các tấm pin quang điện có một số chất gọi là kim loại nặng, tuy chỉ 3 - 5% nhưng không phân hủy được, khi ngấm xuống đất sẽ gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước giống tro xỉ từ các bãi than thải khi sử dụng nhiệt điện than. Các tấm panel tuy không phát thải hằng ngày nhưng với số lượng các dự án điện mặt trời cả trung tâm và nhỏ lẻ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay sau giai đoạn sử dụng khoảng 15 - 20 năm nữa, số lượng tấm pin thải ra cũng phải chất thành núi, khi đem chôn lấp sẽ ngấm vào đất rất nhiều chất ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Vị này cũng nói thêm, trên thế giới, thực ra không có nước nào quy định rõ ràng, đầy đủ các quy định về việc xử lý các tấm pin sau khi hết hạn. Tuy nhiên ở nước ngoài, họ có nhà máy sản xuất tại chỗ, khi sản xuất các tấm pin này, Chính phủ đã yêu cầu sử dụng công nghệ khử bỏ lượng kim loại nặng. Đối với các nước phải nhập khẩu, điều kiện khử bỏ kim loại nặng hoặc “ứng trước” chi phí xử lý rác thải thông qua giảm giá thành có thể đã được ràng buộc trong hợp đồng. Trong khi tại Việt Nam hầu hết là lắp ráp, đi mua, không ràng buộc cụ thể các điều kiện này trong hợp đồng mua bán và cũng không kiểm tra lại khi nhập về.

Trên thực tế, hiện nay, Thông tư 18/2020 của Bộ Công thương liên quan đến dự án điện mặt trời có quy định bên bán điện phải thu gom, tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng và chịu trách nhiệm xử lý toàn bộ vật tư, thiết bị, chất thải phát sinh của các công trình điện mặt trời trong quá trình xây dựng, vận hành hoặc khi kết thúc dự án điện mặt trời nối lưới, hệ thống điện mặt trời mái nhà theo đúng quy định của pháp luật về môi trường.

Tuy nhiên, theo TS Ngô Đức Lâm, quy định trên chỉ thể hiện niềm tin của Bộ Công thương vào lời hứa của chủ đầu tư dự án điện mặt trời về việc xử lý các thành phần gây ô nhiễm của tấm pin mặt trời sau khi chúng hết hạn sử dụng, còn thực tế là luật quy định nhưng không làm.

Cần sớm xây dựng tiêu chuẩn để chặn các sản phẩm kém chất lượng

Theo ông Hoàng Mạnh Tân, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà, hiện nay có hiện tượng sản xuất pin năng lượng mặt trời kém chất lượng và bày tỏ lo ngại nếu các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt các tấm pin này.

“Tiêu chuẩn về pin năng lượng mặt trời hiện đang chờ Bộ KH&CN chính thức ban hành. Chúng tôi được biết, trên thực tế, cũng đã có tiêu chuẩn về các tấm pin năng lượng mặt trời nhưng việc kiểm tra rất khó. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không thể đánh giá được hết các sản phẩm mà phải có tiêu chuẩn cụ thể. Các nhà nhập khẩu cũng phải có tiêu chí rõ ràng để kiểm tra. Có những sản phẩm pin năng lượng mặt trời bán trên thị trường không đạt tiêu chuẩn, thậm chí có nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam làm ra các tấm pin chỉ đạt loại B, loại C và xuất sang Trung Quốc nhưng biết đâu các mặt hàng đó lại quay về Việt Nam”, ông Tân nói.

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hà nhận định, nếu các doanh nghiệp chỉ cạnh tranh về giá thì dứt khoát sẽ có việc bán hàng kém chất lượng và 5-7 năm sau thì chưa biết xử lý các tấm pin hỏng nan giải như thế nào.

(TheoVietq.vn)Phong Lâm

0 nhận xét: