Thứ Tư, tháng 11 18, 2020

Thủy điện nhỏ Việt Nam: Nhiều nhận định, đánh giá thiếu khách quan

 

Thủy điện nhỏ Việt Nam: Nhiều nhận định, đánh giá thiếu khách quan


 - 

 Theo nhìn nhận của chuyên gia Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thì nguyên nhân quan trọng làm méo mó hình ảnh thủy điện nhỏ ở Việt Nam (gây ra lũ, làm mất rừng...) là do các sự cố xẩy ra trong quá trình quy hoạch, lập dự án đầu tư, xây dựng, vận hành. Như vậy, cái gọi là ‘hiểm họa’ là do chính ‘con người’, chứ không phải do ‘thủy điện nhỏ’ gây ra.


Trên thế giới, thủy điện nhỏ lên ngôi

Xây dựng thủy điện làm mất rừng, gây lũ lụt: Đâu là sự thật?


TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Năng lượng được sản xuất từ nhà máy thủy điện là một nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Với tiềm năng khá lớn, nước ta cần triệt để khai thác, phát triển bền vững nguồn tài nguyên này để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng. Việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ (công suất lắp máy <30 MW) trong thời gian qua đã đóng góp một phần sản lượng điện đáng kể cho mạng lưới điện quốc gia, tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta.

Không chỉ đóng góp sản lượng lớn bảo đảm cung ứng điện, thủy điện còn góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi.

Một lợi ích khác mà thủy điện mang lại là giảm phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường. Lượng khí nhà kính từ thủy điện thải ra nhỏ hơn 10 lần so với các nhà máy tua bin khí chu trình hỗn hợp và nhỏ hơn 25 lần so với các nhà máy nhiệt điện than.

Sự hiện diện của các công trình thủy điện cũng mở ra cơ hội cho người dân phát triển kinh tế: Cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư, thúc đẩy sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa, kết nối giao thương, văn hóa; phát triển thủy sản, du lịch… Các nhà máy thủy điện nhỏ tại các tỉnh cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỉ trọng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng. Những dự án thủy điện nhỏ được xây dựng phân tán rải rác sẽ đóng vai trò quan trọng trong chương trình điện khí hoá nông thôn tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, nơi hệ thống điện lưới quốc gia không vươn tới được.

Trong cung cấp điện năng, thủy điện là nguồn cung ứng linh hoạt, bởi khả năng điều chỉnh công suất. Nhờ công suất phủ đỉnh của thủy điện, có thể tối ưu hóa biểu đồ phụ tải chạy nền bởi các nguồn kém linh hoạt hơn.

Hiện nay xu hướng phát triển năng lượng gió và năng lượng mặt trời đang tăng mạnh, “ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch” - (trích Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 11/2/2020). Tuy nhiên, các nhà máy điện mặt trời lại không thể phát công suất khi không có ánh sáng mặt trời, các tua bin gió không thể quay khi không có gió làm thiếu hụt một lượng lớn công suất trên lưới điện quốc gia và chưa kể, tốc độ thay đổi tải của nguồn năng lượng tái tạo này cũng khá nhanh, do vậy vai trò vận hành của thủy điện, trong đó có thủy điện nhỏ lại càng quan trọng.

Ưu điểm về giá bán điện của thủy điện (bao gồm cả thủy điện nhỏ) là khá rẻ so với các nguồn điện khác. Theo Quyết định số 4036/QĐ-BCT ngày 31/12/2019 của Bộ Công Thương ban hành Biểu giá chi phí tránh được năm 2020: Đối với các nhà máy thủy điện, mức trần của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế tài nguyên nước, tiền phí dịch vụ môi trường rừng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và thuế giá trị gia tăng) là 1.110 đồng/kWh, rẻ hơn rất nhiều so với điện mặt trời, hay điện gió, trong khi đó, giá mua điện gió và điện mặt trời đang được nhà nước ưu đãi với giá cao hơn rất nhiều so với giá mua điện của các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Cụ thể:

1/ Giá mua điện gió đối với các dự án trong đất liền là: 8,5 Uscent/1kWh (tương đương 2.014 đồng/1kWh) và đối với các dự án trên biển là: 9,8 Uscent/1kWh (tương dương 2.322 đồng/1kWh).

2/ Giá mua điện mặt trời mới nhất đang được Chính phủ xem xét là: 7,09 - 7,69 Uscent/kWh (tương đương 1.679 đồng/1kWh -:- 1.822 đồng/1kWh), đối với các dự án vận hành trước ngày 30/6/2019 thì được hưởng mức rất cao là: 9,35 Uscent/1kWh (tương đương 2.215 đồng/1kWh).

Ngoài ra, các dự án thuỷ điện nhỏ có thể thu được thêm tiền từ CDM. Đặc điểm chính của thủy điện nhỏ hầu hết chỉ có hồ chứa điều tiết ngày, đêm (một số trường hợp hồ chứa có khả năng điều tiết tuần) - nghĩa là lưu lượng nước đến trong ngày (hoặc tuần) đều được xả xuống hạ lưu (tích nước trong một số giờ để làm đầy hồ chứa và xả xuống hạ lưu khi phát điện vào giờ cao điểm). Do vậy, khi lũ về với lưu lượng bao nhiêu thì xả xuống hạ lưu bấy nhiêu.

Các nhà máy thủy điện nhỏ nói chung có từ 2 đến 3 tổ máy, trong ngày phần lớn 1 tổ máy làm việc, đến giờ cao điểm thì tổ máy thứ hai cũng tham gia vận hành, với thời gian nhiều nước thì toàn bộ các tổ máy đều hoạt động. Khi thiết kế và vận hành thủy điện nhỏ đều khẳng định: Hồ chứa thủy điện nhỏ không có nhiệm vụ phòng lũ (do dung tích hồ chứa nhỏ, không có dung tích phòng lũ) và như vậy, khi lũ về thì đều trực tiếp xả xuống hạ lưu qua đập tràn (tự chảy), hoặc qua các cửa van xả lũ (với những công trình có bố trí cửa van xả lũ).

Đặc thù của các sông suối khu vực miền Trung là lưu vực ngắn, nhưng độ dốc cao, khi mưa xuống, nước tập trung dồn xuống hạ lưu rất nhanh, do vậy, các nhà máy thủy điện nhỏ ở vùng này càng không có điều kiện làm chậm, hoặc giảm lũ.

Những hạn chế và tác động tiêu cực của thủy điện nhỏ.


Thực tế là do việc xây dựng các nhà máy thủy điện, theo quy luật, gắn liền đáng kể với các vấn đề môi trường. Tuy nhiên, thủy điện nhỏ không có nhiều nhược điểm như các thủy điện lớn và được công nhận là một trong những cách sản xuất điện tiết kiệm và thân thiện với môi trường.

Khi xây dựng các dự án thủy điện nhỏ thì cũng cần diện tích chiếm đất gồm: Mặt bằng bố trí công trình, đường thi công và vùng lòng hồ, trong đó diện tích đất rừng là chủ yếu vì hầu hết được xây dựng tại các vùng núi, xa trung tâm, địa hình hiểm trở, độ dốc lớn. Tuy nhiên, phần lớn các dự án thủy điện nhỏ chiếm đất rừng (đã được xây dựng) chủ yếu là rừng thứ sinh, hoặc rừng nghèo (trừ một số ít dự án nằm sát ranh giới các khu bảo tồn thiên nhiên, hoặc dự án có vùng hồ nằm ở khu vực rừng tự nhiên). Và trước khi tích nước hồ chứa thì cần khai thác, phát quang toàn bộ cây rừng trong phạm vi vùng hồ, và điều này dẫn đến một số chủ đầu tư lợi dụng sự giám sát lơ là của các cơ quan chức năng để tận thu thêm gỗ ngoài phạm vi vùng hồ, gây thiệt hại đến rừng tự nhiên.

Theo thống kê, các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã được xây dựng, đang vận hành, diện tích chiếm đất các loại bình quân vào khoảng 1,9 ha/1 MW, nhỏ hơn nhiều so với quy định tại Thông tư 43 số 43/2012/TT-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương là 10 ha/1 MW.

Năm 1943, Việt Nam có 14,3 triệu ha rừng tự nhiên, chiếm 43% tổng diện tích đất quốc gia. Tuy nhiên, diện tích rừng đã giảm nhanh chóng và đến năm 1990 chỉ còn 9,18 triệu ha. Trong giai đoạn 1980 - 1990, Việt Nam mất trung bình 100.000 ha rừng/năm và thời gian này chúng ta chưa phát triển thủy điện (đang thi công xây dựng Thủy điện Trị An và Hòa Bình).

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thì năm 2008 diện tích có rừng 13.118.773 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.348.591 ha; năm 2016, diện tích đất rừng có 14.377.682 ha, trong đó, rừng tự nhiên 10.242.141ha.

Từ số liệu thống kê này cho thấy, từ năm 2008 đến năm 2016 tổng diện tích rừng có tăng là 1.258.909 ha, nhưng rừng tự nhiên lại bị giảm 106.450 ha.

Cũng trong thời gian này, giai đoạn phát triển mạnh thủy điện nhỏ (dưới 30 MW) bắt đầu từ năm 2008 - 2009 kéo dài đến năm 2016. Đến nay cả nước đã xây dựng và đưa vào vận hành 330 công trình thủy điện nhỏ, với tổng công suất lắp máy là 7.666 MW. Như vậy, diện tích chiếm đất của các nhà máy này vào khoảng 14.570 ha các loại (bình quân vào khoảng 1,9 ha/1 MW), chiếm khoảng 0,05% tổng số diện tích đất đai do xây dựng các nhà máy thủy điện, tổng diện tích các loại đất làm thủy điện từ 1970 đến nay, kể cả Thủy điện Thác Bà là 285.000 ha đất các loại (bao gồm cả đất ở, đất màu, đất trồng cây, sông hồ, ao suối…) cho các hệ thống thủy điện lớn, nhỏ trong 50 năm qua).

Do vậy, nếu thống kê cụ thể, trong số diện tích đất rừng đã mất, bao nhiêu phần trăm do thủy điện, bao nhiêu phần trăm do hạ tầng giao thông, bao nhiêu phần trăm thay đổi mục đích sử dụng đất và các nội dung khác, sẽ biết ngay đâu là tác nhân chính gây mất rừng… Cần tránh hiện tượng cứ thấy lũ lụt xuất hiện trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, các hình thái thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp thì đổ lỗi cho phát triển thủy điện nhỏ v.v... là quy kết một cách áp đặt và không có cơ sở khoa học.

Luật bảo vệ rừng 2006 cũng quy định doanh nghiệp khi xây dựng công trình, dự án thủy điện làm mất 1m2 rừng thì phải trồng bù lại 1m2 nhằm đảm bảo độ che phủ của rừng được ổn định. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những chủ đầu tư chưa triệt để thực hiện đúng quy định này.

Ngoài ra, những dự án thủy điện nhỏ kiểu đường dẫn (bằng kênh dẫn, hoặc đường ống, hoặc đường hầm nối từ cửa lấy nước từ phía đập dâng đến vị trí bố trí cửa lấy nước vào nhà máy thủy điện khá dài nhằm tạo chênh lênh lệch cột nước cao do địa hình phù hợp) sẽ làm cho vùng sông, suối phía hạ lưu đập vào mùa ít nước bị khô kiệt, tác động đến môi trường tự nhiên của khu vực này.

Biện pháp giảm thiểu tác động này là cần thiết kế bố trí cống xả nước tại tuyến đập để xả lưu lượng đáp ứng dòng chảy môi trường cho vùng hạ lưu đập dâng. Tuy nhiên, điều này cần có sự giám sát của cơ quan chức năng để chủ dự án trong khi vận hành thực hiện đúng như quy định trong thiết kế, trong trường hợp cơ quan giám sát không quan tâm, hoặc chủ đầu tư cố tình không xả lưu lượng môi trường nhằm tăng doanh thu từ phát điện thì việc cạn kiệt vùng sau đập của dạng thủy điện đường dẫn là không thể tránh khỏi.

Một nguyên nhân quan trọng làm méo mó hình ảnh thủy điện nhỏ do các sự cố xẩy ra trong quá trình quy hoạch, lập dự án đầu tư, xây dựng và vận hành thủy điện nhỏ - đó là:

1/ Việc quản lý chất lượng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng thủy điện nhỏ còn tồn tại một số bất cập, như khảo sát địa chất không đầy đủ, thiết kế chưa tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp và tiến độ thi công xây dựng chưa bảo đảm an toàn… dẫn đến một số sự cố, hoặc phát sinh cần xử lý.

2/ Hầu hết cán bộ chuyên môn tại các Sở Công Thương còn thiếu và chưa đúng chuyên môn công tác, cho nên việc thẩm định hồ sơ quy hoạch, đánh giá chất lượng xây dựng… chưa được thực hiện một cách bài bản, còn nhiều thiếu sót dẫn đến chất lượng quản lý chưa cao. Cạnh đó, một số dự án còn chồng lấn phạm vi khai thác, mâu thuẫn về khai thác nguồn nước và chưa phù hợp các quy hoạch liên quan khác như thủy lợi, giao thông, du lịch, điện lực, hoặc hiệu quả kinh tế của dự án còn thấp.

3/ Trong quá trình vận hành vẫn phụ thuộc nhiều vào nội dung các bản tin dự báo khí tượng, thiếu các thiết bị quan trắc đo mưa trong lưu vực và đo mực nước vùng hồ, trong khi ngày càng xuất hiện những điều kiện thời tiết phức tạp, cực đoan, lũ có xu hướng bất lợi hơn. Năng lực của cán bộ vận hành công trình và cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều hạn chế. Tại một số công trình, còn thiếu cán bộ vận hành có kinh nghiệm, không được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn.

4/ Công tác phối hợp giữa một số chủ công trình thủy điện nhỏ với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh và các cơ quan liên quan ở địa phương chưa thật sự chặt chẽ; quy chế phối hợp thông báo, cảnh báo lũ chưa cụ thể. Chưa quy định rõ phương thức liên lạc, cung cấp thông tin, báo cáo, trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc phối hợp phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập. Trong khi đó, cơ quan chịu trách nhiệm về phòng, chống lụt, bão tại một số địa phương thiếu chủ động kiểm tra, đôn đốc, phối hợp chủ đầu tư trong công tác điều hành hồ, không nắm được thông tin, nhất là khi các hồ xả lũ.

Như vậy, trong quá trình thẩm định, phê duyệt dự án, đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện nhỏ để xẩy ra sự cố là do "con người", chứ không phải "thủy điện nhỏ" là mối hiểm họa.

Để khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn tài nguyên thủy điện nhỏ, đồng thời tránh những tình trạng bất cập như đã nêu trên đây, theo chúng tôi, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Rà soát lại một cách nghiêm túc tất cả dự án thủy điện nhỏ, kể cả các dự án bị loại bỏ thời gian gần đây (hầu hết các địa phương đã loại bỏ khá nhiều dự án) thuộc quy hoạch thủy điện nhỏ của các địa phương nhằm đánh giá tất cả các dự án thủy điện nhỏ có chất lượng và độ tin cậy cao, đảm bảo nguyên tắc tối ưu về kinh tế - kỹ thuật và môi trường để tiếp tục đầu tư xây dựng.

Thứ hai: Loại bỏ hoàn toàn những dự án thủy điện nhỏ có diện tích chiếm đất nằm trong khu vực rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh, hoặc các khu bảo tồn thiên nhiên.

Thứ ba: Tăng cường đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn trong lưu vực nhằm dự báo chính xác lưu lượng đến công trình thủy điện để đảm bảo thực hiện việc xả lũ, hay cấp nước cho hạ du đúng quy trình vận hành liên hồ, hoặc đơn hồ đã được phê duyệt.

Thứ tư: Thực hiện lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ tại vùng lòng hồ và vùng hạ lưu đập trong phạm vi ảnh hưởng khi xả lũ. Cần xây dựng một hệ thống thông tin có thể cảnh báo đến từng người dân khi xả lũ. Ngoài hệ thống loa đài, một cách dễ thực hiện nhất hiện nay là chủ đầu tư dự án cần kết hợp với chính quyền địa phương và các nhà mạng di động để mỗi khi chuẩn bị xả lũ thì gửi tin nhắn thông báo tới toàn bộ các thuê bao trên địa bàn để người dân biết cách đối phó hiệu quả với lũ lụt.

Thứ năm: Cần nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ tham gia thẩm định, giám sát đầu tư xây dựng và vận hành thủy điện nhỏ. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh cần có ý thức trách nhiệm cao trong việc thẩm định, cấp phép, thanh kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thủy điện nhỏ thuộc phạm vi quản lý của mình.

Thứ sáu: Đối với trường hợp vi phạm, kiến nghị xử lý nghiêm khắc theo quy định, không cấp phép hoạt động điện lực, hoặc yêu cầu điện lực địa phương không mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ này nhằm tránh xảy ra tình trạng tương tự.

Khi chúng ta thực hiện tốt các biện pháp nêu trên thì sẽ không xuất hiện những sự cố đáng tiếc như trong thời gian vừa qua để dư luận hiểu lầm là việc xây dựng thủy điện nhỏ làm "giảm diện tích đất rừng, gây lũ lụt", trả lại sự thật về bản chất của thủy điện nhỏ - đó là khai thác nguồn năng lượng sạch và tái tạo, thân thiện với môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thực hiện theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đã ban hành tháng 2/2020./.

TheoNangluongVN

0 nhận xét: