Ổn định cuộc sống sau thời gian dài 'quy hoạch treo'

Con đường dẫn vào thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) - nơi từng quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 2 rộng 380ha - hạ tầng, hệ thống giao thông, điện nước được sửa sang, nhà cửa được xây kiên cố.

Ông Nguyễn Văn Mẫn (62 tuổi, thôn Thái An) khoe vườn nho với diện tích 3 sào, xanh mướt của gia đình trồng gần 20 năm nay. Ông bảo, mỗi năm, vườn nho cho thu hoạch chừng 150 triệu đồng, giúp cải thiện kinh tế.

W-Dienhatnhan DJI_0795.jpg
Một góc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nơi từng quy hoạch nhà máy điện hạt nhân 2. Ảnh: Xuân Ngọc

Hơn chục năm trước, nơi ông Mẫn sống được quy hoạch làm dự án điện hạt nhân. Khi ấy, mọi người đồng thuận chủ trương. Họ kỳ vọng khi dự án hình thành giúp thay đổi diện mạo quê hương, nhân lực ở địa phương có cơ hội việc làm. Ai cũng ngóng. Tuy nhiên, dự án kéo dài nhiều năm không thấy triển khai, rồi sau đó đến năm 2016, Quốc hội cho tạm dừng.

W-Dienhatnhan IMG_8873.jpg
Ông Nguyễn Văn Mẫn kiểm tra vườn nho ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải. Ảnh: Xuân Ngọc

Theo ông Mẫn, sự dùng dằng kéo dài nhiều năm của dự án khiến đời sống của người dân càng bấp bênh từ khi cả thôn bị quy hoạch treo.

Tương tự, cuộc sống của người dân thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), vùng được quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 1 rộng 440ha, cũng đang dần ổn định. Nhà cửa xây mới, mọi người đầu tư làm kinh tế.

Đầu giờ chiều, ông Đoàn Huỳnh Hồ Hải, 50 tuổi, cùng nhóm nhân công tất bật vệ sinh ao nuôi ốc hương ở thôn Vĩnh Trường. Do vướng quy hoạch, gia đình ông Hải chỉ nuôi ốc cầm chừng trên diện tích nhỏ, vì không biết lúc nào phải di dời.

Tuy nhiên, hơn năm qua, từ khi tỉnh “cởi trói” cho vùng này, ông mạnh dạn thuê thêm ao đìa, tăng diện tích ao nuôi để đầu tư sản xuất.

W-Dienhatnhan IMG_8656.jpg
Công trình hạ tầng thiết yếu ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam đang được xây dựng. Ảnh: Xuân Ngọc

Trả lời PV.VietNamNet, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, khi có chủ trương quy hoạch nhà máy điện hạt nhân 1 và 2 ở Ninh Thuận, địa phương đã phối hợp các bộ ngành Trung ương liên quan để thực hiện.

Từ năm 2016, Quốc hội đã tạm dừng triển khai dự án. Đến năm 2023, sau khi có quyết định hủy thu hồi 820ha đất vùng quy hoạch hai nhà máy điện hạt nhân, tỉnh đã triển khai đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu ở xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Loạt công trình hạ tầng này nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân.

Đối với nơi từng quy hoạch 2 dự án trên, tỉnh làm nhiều việc song song, thực hiện kiểm kê đất đai, hiện trạng khu vực thực hiện dự án, xây dựng đường sá, hạ tầng. Tuy nhiên, khi dự án dừng triển khai, địa phương đã khoanh lại hồ sơ những việc đã làm, đang làm và tiếp tục làm.

“Chỗ nào đã làm thì giữ vững, chưa làm thì khoanh hồ sơ để người dân được thực hiện các quyền lợi của mình”, ông Nam nói.

Vẫn chờ quyết sách cuối cùng về điện hạt nhân

Thực tế, để có thể chọn được hai địa điểm đặt các nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận không phải là dễ dàng, trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của quốc tế. 

Chia sẻ với PV.VietNamNet về việc tái khởi động điện hạt nhân ở Việt Nam, TS Lê Hải Hưng, nguyên cán bộ giảng dạy Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, nay là Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT) cho rằng: Chúng ta có rất nhiều thuận lợi mà trước hết là đã cơ bản hoàn thành quy hoạch mặt bằng cho các dự án điện hạt nhân ở hai huyện Thuận Nam và Ninh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận. Bởi vì để chọn được vùng làm được điện hạt nhân là điều không hề đơn giản.

Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), quy trình lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân gồm 3 công đoạn sau:

Công đoạn 1 - Tìm kiếm, thăm dò địa điểm

Công đoạn 2 - Đánh giá địa điểm

Công đoạn 3: Nghiên cứu bổ sung trước và sau khi vận hành.

Công đoạn 1, quá trình tìm kiếm và thăm dò địa điểm lại gồm 3 pha: Pha 1 - Phân tích vùng và lựa chọn các địa điểm tiềm năng (đã triển khai trong giai đoạn 1996-2000); Pha 2 - Sàng lọc các địa điểm tiềm tàng và lựa chọn các địa điểm thí sinh; Pha 3 - So sánh, xếp thứ tự ưu tiên các địa điểm ứng tuyển (đã triển khai trong giai đoạn 2001-2007).

Nhiều tiêu chí khắt khe của IAEA như phạm vi cung cấp điện; hệ thống điện phục vụ thi công; nguồn nước làm mát; nguồn nước ngọt bổ sung; mặt bằng xây dựng; đứt gãy; động đất; núi lửa; bão lốc; vòi rồng; sóng thần; lũ lụt; hướng gió chủ đạo; hệ thống giao thông; khoảng cách tới sân bay; khoảng cách tới khu quân sự, kho tàng hóa chất; di dân đền bù; loại đất xây dựng và sự ủng hộ của địa phương…

W-Dienhatnhan DJI_0738.jpg
Thôn Vĩnh Trường (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), vùng được quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân 1. Ảnh: Xuân Ngọc

Để thực hiện công tác đánh giá địa điểm, 2 đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT, tư vấn JAPC đã triển khai các hoạt động trong nhiều năm. Kết quả thực hiện: Pha 1 nhận diện ra được 20 địa điểm tiềm năng, thuộc 11 tỉnh.

Sau khi so sánh, đánh giá và xếp hạng đã lựa chọn 10 địa điểm thuộc 7 tỉnh. Sau cùng, chọn 8 địa điểm thuộc 6 tỉnh (theo Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030).

Trong đó thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải của tỉnh Ninh Thuận đã được các đơn vị liên quan và đối tác nước ngoài nghiên cứu, khảo sát kỹ lưỡng trong thời gian dài và đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của IAEA.

Việc lựa chọn địa điểm cũng rất tốn kém. Từ năm 2010 đến năm 2015, kinh phí chi để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khả thi và đánh giá địa điểm cho mỗi vị trí đều hơn 30 triệu USD, được Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Nhật Bản cấp cho Việt Nam dưới dạng viện trợ không hoàn lại.

Trong giai đoạn 2011-2015, công việc liên quan đến địa điểm bắt đầu bước sang công đoạn 2 - Công đoạn đánh giá địa điểm; được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ký hợp đồng với các đối tác là liên danh tư vấn E4 - KIEP - EPT (Liên bang Nga) và Công ty điện nguyên tử Nhật Bản (JAPC) để triển khai thực hiện lập hồ sơ phê duyệt địa điểm (SAD) và Dự án đầu tư (FS) cho các Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Kinh phí thực hiện hợp đồng cũng thuộc khoản viện trợ không hoàn lại.

Vì thế, sau khi tạm dừng dự án điện hạt nhân, các bộ ngành cũng đều đồng thuận kiến nghị xem xét giữ lại quy hoạch dự án điện hạt nhân tại vùng đất này.

Còn ông Nguyễn Hàn, Trưởng thôn Thái An, cho hay, vùng đất này mạnh về nông nghiệp, như trồng nho, hành tỏi và nghề biển. 

Hơn 1 năm qua, quyết định hủy bỏ thu hồi đất có hiệu lực, bà con an tâm đầu tư sản xuất, phát triển. Thay mặt người dân ở thôn, ông Hàn mong mỏi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm quyết định rõ ràng về vấn đề quy hoạch điện hạt nhân tại vùng đất này.

"Nếu tiếp tục giữ quy hoạch, chính quyền cần sớm bố trí tái định cư cho người dân, cung cấp đất canh tác và thực hiện các chính sách an cư lạc nghiệp", trưởng thôn Thái An đề nghị.

W-Dienmattroi DJI_0681.jpg

Tỉnh Ninh Thuận thực hiện loạt công trình hạ tầng nhằm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân tại hai vùng từng quy hoạch điện hạt nhân. Ảnh: Xuân Ngọc


TheoVietnamnet.vn