Chiều 12/11, trong phiên chất vấn của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cho biết để đảm bảo cung ứng điện về dài hạn, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân.
Chúng ta biết rằng vào năm 2016 Việt Nam đã quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân. Theo thông tin tại thời điểm đó, nguyên nhân dừng triển khai dự án này không phải vì lý do công nghệ, an toàn mà lý do chính là tình hình kinh tế cụ thể của Việt Nam. Tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Mặt khác, Việt Nam cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.
Tuy nhiên, hiện nay dự báo nhu cầu năng lượng tăng nhanh, trong đó năm 2025 tăng khoảng 12-13% và những năm sau còn cao hơn. Trong Quy hoạch điện VIII Chính phủ đã đưa tỷ trọng lớn của điện từ năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Tuy nhiên, đặc tính cố hữu của điện năng lượng tái tạo là sự không ổn định, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và chu kỳ ngày đêm.
Vì vậy phải cần có các loại hình điện nền khác, dự phòng cho sự không ổn định của điện năng lượng tái tạo để bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn điện, đáp ứng các yêu cầu của các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất chất bán dẫn, cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu lớn, đường sắt tốc độ cao, các ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo…
Khi tỷ trọng nguồn điện năng lượng tái tạo tăng lên thì tổng công suất nguồn điện nền cũng cần tăng cao tương ứng. Bên cạnh các nguồn điện truyền thống ít phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính như thủy điện, điện khí… Theo tôi, về dài hạn, để đảm an ninh năng lượng thì việc đặt vấn đề tái khởi động dự án điện hạt nhân là hợp lý.
Để có thể tái khởi động dự án điện hạt nhân, trước hết phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền. Ở đây tôi chỉ nêu vấn đề từ góc độ chuyên môn.
Trước hết, bối cảnh hiện nay đã khác so với năm 2009, khi Chính phủ trình Quốc hội dự án điện hạt nhân. Cụ thể: Điện than phải giảm dần tiến đến loại bỏ do vấn đề môi trường nhằm thực hiện cam kết netzero vào năm 2050 của Chính phủ. Điện khí hóa lỏng không thể bảo đảm nguồn cung ổn định và giá cả phù hợp. Thủy điện lớn của chúng ta đã khai thác hết dư địa. Năng lượng tái tạo được phát triển rất nhanh trên thế giới cũng như ở Việt Nam; các công nghệ lưu trữ điện năng cũng được đầu tư phát triển mạnh. Công nghệ phát điện từ than và khí có hệ thống thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS) đã được phát triển để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải CO2…
Ngoài ra, hiện nay suất đầu tư điện hạt nhân đã tăng cao hơn, vì các tiêu chuẩn an toàn được nâng lên sau tai nạn Fukushima (Nhật Bản) và kinh nghiệm triển khai một số dự án điện hạt nhân thế hệ mới ở một số nước.
Tất cả những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cập nhật báo cáo đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân để phù hợp với tình hình mới.
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), có 19 vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân phải được quan tâm xây dựng và hoàn thiện trong quá trình triển khai dự án. Cụ thể là: (1) Các cam kết của quốc gia; (2) An toàn hạt nhân, (3) Công tác quản lý; (4) Đầu tư và thu xếp tài chính; (5) Khuôn khổ luật pháp; (6) Thanh sát hạt nhân; (7) Khuôn khổ pháp quy; (8) Bảo vệ bức xạ; (9) Hệ thống lưới điện; (10) Phát triển nguồn nhân lực; (11) Sự tham gia của các tổ chức khác nhau ở trong nước vào dự án điện hạt nhân; (12) Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các cơ sở hỗ trợ; (13) Bảo vệ môi trường; (14) Lập kế hoạch ứng phó; (15) An ninh hạt nhân và bảo vệ thực thể; (16) Chu trình nhiên liệu hạt nhân; (17) Chất thải phóng xạ; (18) Sự tham gia của công nghiệp trong nước; và (19) Tổ chức mua sắm trong dự án điện hạt nhân.
Với nước ta, dự án điện hạt nhân là một dự án hoàn toàn mới, đầu tư lớn, phức tạp và có yêu cầu hết sức nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn và an ninh. Vì vậy, công tác chuẩn bị cho tái khởi động dự án phải được làm một cách bài bản và tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Chỉ có như vậy mới tạo được lòng tin của người dân cũng như cộng đồng quốc tế về công tác bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân trong triển khai dự án.
Với kinh nghiệm của bản thân gắn bó cả đời với sự nghiệp của ngành hạt nhân, tôi xin đề xuất một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt như sau:
Một là, Chính phủ cần thành lập Ban chỉ đạo phát triển điện hạt nhân do một lãnh đạo Chính phủ làm Trưởng ban để chỉ đạo cập nhật báo cáo xin chủ trương đầu tư; tổ chức xây dựng các hạ tầng quốc gia cần thiết.
Tùy theo công tác chuẩn bị, Ban chỉ đạo sẽ báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ kế hoạch cụ thể để trình cấp có thẩm quyền xem xét. Giúp việc cho Ban chỉ đạo cần có 7 nhóm chuyên gia về (1) Luật pháp và pháp quy, (2) Chính sách thương mại và kỹ thuật, (3) Công nghệ và chu trình nhiên liệu, (4) Đánh giá các nguồn phát điện và thị trường điện, (5) Đánh giá môi trường và địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, (6) Đánh giá khả năng nội địa hóa công nghệ và kinh tế điện hạt nhân, (7) Thông tin đại chúng và tư vấn cộng đồng.
Các nhóm chuyên gia sẽ giúp Ban chỉ đạo đánh giá báo cáo xin chủ trương đầu tư cập nhật và báo cáo về các cơ sở hạ tầng cần thiết cho dự án.
Hai là, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ với trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng các cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho phát triển điện hạt nhân theo hướng dẫn của IAEA. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng có trách nhiệm đề xuất kế hoạch xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng quốc gia cần thiết cho dự án điện hạt nhân.
Báo cáo phải làm rõ các cơ sở hạ tầng cần thiết đã đủ điều kiện theo hướng dẫn của IAEA chưa, để có căn cứ cho cấp có thẩm quyền xem xét đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân.
Tác giả: PGS.TS Vương Hữu Tấn tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, công tác ở Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, nghiên cứu sinh ở Liên Xô (1985-1989). Từ 1998 đến 2012, ông là Phó viện trưởng, rồi Viện trưởng Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam. Ông cũng từng giữ chức Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ).
0 nhận xét:
Đăng nhận xét