TPO - Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và điều chỉnh chiến lược, chính sách để phù hợp với cam kết. Trong đó, có 2 yếu tố quan trọng mà chúng ta cần chú trọng cho mục tiêu Net Zero là nhân lực xanh và hạ tầng xanh.
Ngày 1/11, phát biểu tại hội thảo chuyên đề “Vai trò của lãnh đạo báo chí và doanh nghiệp với phát triển bền vững”, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - nhấn mạnh, Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và điều chỉnh chiến lược, chính sách để phù hợp với cam kết phát thải ròng bằng 0. Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đạt mục tiêu đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) về biến đổi khí hậu.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng cho mục tiêu Net Zero là nhân lực xanh và hạ tầng xanh. Do đó, phải giải quyết được các thách thức lớn, đặc biệt là tài chính để thực hiện và cần tập trung giải quyết vấn đề huy động nguồn vốn đủ lớn để đào tạo nguồn nhân lực xanh và triển khai các dự án hạ tầng xanh trên quy mô toàn quốc.
Theo ông Thọ, cơ hội huy động tài chính khí hậu và tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế, quỹ đầu tư, hệ thống tài chính, các công ty đa quốc gia và các đối tác phát triển cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và quản lý tài nguyên nước đang mở ra tiềm năng lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và đạt được các mục tiêu về giảm thiểu phát thải.
“Các nguồn vốn này được dành riêng cho các dự án có mục tiêu rõ ràng về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và nước, đồng thời thúc đẩy các giải pháp công nghệ số trong quản lý tài nguyên”, ông Thọ nói.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng, có 2 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần chú trọng cho mục tiêu Net Zero là nhân lực xanh và hạ tầng xanh. |
Ông Thọ gợi ý, các doanh nghiệp ở lĩnh vực năng lượng, công nghệ và hạ tầng, có thể tiếp cận nguồn vốn này bằng cách đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững và minh bạch môi trường… Tích hợp tài chính xanh vào chiến lược phát triển kinh tế sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều ngành nghề.
Về vĩ mô, ông Thọ đề nghị Chính phủ cần xây dựng danh mục phân loại xanh, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khung pháp lý và tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường tài chính xanh, bao gồm việc phát triển hạ tầng tài chính kỹ thuật số, hệ thống giám sát và đánh giá môi trường, nhằm nâng cao sự minh bạch và trách nhiệm xã hội trong việc sử dụng tài chính khí hậu.
Vị chuyên gia này nhận định, chiến lược phát triển cơ chế tài chính và thị trường carbon sẽ khuyến khích chuyển dịch đầu tư vào các hoạt động kinh tế phát thải thấp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia tích cực vào công cuộc bảo vệ khí hậu.
Trong khi đó, ông Erick Contreras - đồng Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham, Tổng Giám đốc BASF Việt Nam - nhận định, quá trình chuyển đổi xanh để phát triển bền vững đang là thách thức với nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Contreras cho biết các công ty Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, trong đó có vấn đề về nhận thức và hiểu rõ về chủ đề bền vững, tiếp cận công nghệ và tài chính xanh, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân sự, khung chính sách và biện pháp thực thi rõ ràng.
Theo phân tích của ông Contreras, phát triển bền vững không đơn thuần chỉ là một xu hướng mà là một lộ trình dài hơi và phức tạp, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự hiểu biết rõ ràng và cam kết lâu dài. Đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, khái niệm bền vững hay các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị - gọi là ESG - vẫn còn mới mẻ và đôi khi khó tiếp cận. Những câu hỏi như bắt đầu từ đâu, làm thế nào để tích hợp bền vững vào quy trình sản xuất hàng ngày, tuyển dụng đội ngũ nhân sự với bộ kỹ năng mới ra sao, công nghệ nào là cần thiết… vẫn còn là những thắc mắc chưa có lời giải rõ ràng.
TheoTienPhong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét