Thứ Bảy, tháng 7 22, 2023

135 tỷ USD để phát triển điện lực, Việt Nam tính nguồn tiền từ đâu?

 

(VNF) - Nguồn vốn cần để đầu tư, xây dựng các dự án điện đến 2030 dự kiến khoảng 113 - 135 tỷ USD, trong đó khoảng 88% dành cho nguồn, còn lại là dự án lưới điện.

135 tỷ USD để phát triển điện lực, Việt Nam tính nguồn tiền từ đâu?

Việt Nam cần gần 135 tỷ USD đầu tư nguồn, lưới điện đến 2030.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ, đề nghị ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Kế hoạch này là cơ sở để đầu tư, xây dựng các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VIII.

Kế hoạch này là cơ sở để đầu tư, xây dựng các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VIII.

Trong đó nhấn mạnh nhu cầu vốn trong giai đoạn này rất lớn, dự kiến lên tới 113 - 135 tỉ USD để đầu tư các dự án nguồn và lưới điện. Riêng vốn đến 2025 là trên 57 tỉ USD, trong đó nguồn điện chiếm hơn 84%, và lưới truyền tải 16%. 5 năm sau đó, các dự án nguồn điện cần gần 72 tỉ USD để đầu tư, xây dựng, còn truyền tải xấp xỉ 6 tỉ USD.

Theo tờ trình, tổng vốn đầu tư các dự án nguồn, lưới điện tại Quy hoạch điện VIII sẽ từ nguồn đầu tư công hoặc vốn khác. Bộ này cho biết các nguồn điện lớn sẽ được phân theo loại hình, vùng miền và giai đoạn dự kiến đưa vào vận hành.

Với dự án điện than lớn, rủi ro chậm tiến độ do những khó khăn trong quá trình chuẩn bị đầu tư, Bộ sẽ làm việc với các chủ đầu tư dự án để làm rõ khả năng tiếp tục triển khai hoặc xem xét chấm dứt.

Các nguồn điện chạy nền - dự án giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh cung cấp điện như nhiệt điện khí LNG nhập khẩu, khí trong nước, thủy điện lớn... Bộ Công thương cho rằng cần rà soát tiến độ đầu tư xây dựng hàng quý, năm để cập nhật khả năng cung ứng điện quốc gia trong từng năm đến 2030. Đây sẽ là cơ sở để nhà chức trách đề xuất giải pháp nếu có dự án chậm tiến độ.

Bình luận về tổng số vốn để thực hiện Quy hoạch Điện VIII, bà Hyungjung Lee, chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp, Phòng năng lượng Đông Nam Á, Vụ Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh gía tổng vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện cao hơn nhiều so với trước đây.

“Với nguồn điện, nếu giai đoạn từ 2016-2020 (theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh), mỗi năm cần khoảng 7,9 tỷ USD, thì giai đoạn 2021-2030, con số cần huy động nâng lên 12 tỷ USD mỗi năm.

Với lưới điện, đạt mức đầu tư cao nhất ở giai đoạn 2016-2020, ngưỡng 0,8 tỷ USD mỗi năm, nhưng đã giảm xuống còn 0,5-0,6 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2022 do đại dịch COVID-19. Song, giai đoạn từ nay đến năm 2030, con số cần huy động còn tăng gần gấp đôi mốc cao nhất từ trước đến nay và gần gấp 3 lần giai đoạn liền kề trước đó. Đây là con số khổng lồ để đáp ứng các mục tiêu phát triển trong thập kỷ này...”, bà Hyungjung Lee phân tích

Do đó, bà Hyungjung Lee khẳng định Việt Nam cần những cách tiếp cận mới và hấp dẫn để khuyến khích thu hút vốn đầu tư cho lưới điện truyền tải.

Theo đó, bà Hyungjung Lee nhấn mạnh việc Việt Nam đã xây dựng lộ trình, kế hoạch đúng đắn cho quá trình chuyển đổi năng lượng trong Quy hoạch điện VIII. Lộ trình, kế hoạch đúng đắn này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về khí hậu, cải thiện an ninh năng lượng và đảm bảo khả năng cạnh tranh trong tương lai.

Tuy nhiên, theo bà Hyungjung Lee chi phí để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tương đối cao.

“ADB và các đối tác quốc tế cam kết cung cấp hỗ trợ cần thiết cho Chính phủ Việt Nam thực hiện việc chuyển đổi này. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), chính phủ và các nhóm đối tác quốc tế (IPG) đang làm việc cùng nhau để chuẩn bị một kế hoạch huy động nguồn lực”, bà Hyungjung Lee nói.

Bên cạnh đó, đại diện ADB cho biết, ADB đang xây dựng hỗ trợ kỹ thuật về cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) với chính phủ Việt Nam như một cơ chế tài chính khí hậu để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng của các doanh nghiệp nhà nước thông qua giảm thiểu carbon với chuyển đổi nhiên liệu và phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng sạch.

“Theo tôi, quy hoạch điện VIII nên xem xét cách khai thác các nguồn lực của JETP và ETM sẵn có cũng như đầu tư của khu vực tư nhân”, Hyungjung Lee nhấn mạnh.

0 nhận xét: