Thứ Ba, tháng 7 11, 2023

EVN chỉ còn chiếm 15% công suất nguồn điện

 Việc thành lập 3 tổng công ty phát điện, sau đó cổ phần hóa các đơn vị này để tạo nền tảng cho thị trường phát điện cạnh tranh khiến các nhà máy điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trực tiếp nắm giữ hiện chỉ gần 12.000 MW, chiếm khoảng 15% công suất đặt của hệ thống.

 

Người dẫn đường không chi phối

Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho thấy, tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống năm 2022 là 77.749 MW và tới tháng 5/2023 là 79.363 MW.

Trong số này, các nhà máy do EVN trực tiếp quản lý có tổng công suất lắp đặt là 11.974 MW, chỉ chiếm khoảng 15% tổng công suất hệ thống.

Trong mô hình hoạt động của EVN còn có 3 tổng công ty phát điện được thành lập từ năm 2012 là Tổng công ty Phát điện 1, 2 và 3 (EVN Genco1, EVN Genco 2 và EVN Genco 3). Cho tới nay, EVN Genco 3 đã chuyển thành công ty cổ phần, còn EVN Genco 1 và EVN Genco 2 đang trên đường chuyển thành công ty cổ phần.

Hiện EVN Genco 1 quản lý tổng công suất lắp đặt là 7.013 MW, EVN Genco 2 quản lý 4.421 MW và EVN Genco 3 quản lý 6.449 MW.

Nếu tính cả một nhà máy do Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVN đang nắm 100% vốn) đầu tư có quy mô 42 MW, thì hiện EVN và các đơn vị thành viên đang quản lý tổng công suất đặt là 29.901 MW. Con số này chiếm cỡ 38% tổng công suất đặt của cả hệ thống.

 Cuộc chơi không dễ

Cũng theo thống kê của A0, nếu loại trừ các nhà máy thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các nhà máy BOT của nhà đầu tư nước ngoài, khối doanh nghiệp tư nhân đang nắm giữ 32.000 MW - chiếm 40,8% công suất đặt của hệ thống.

Thực trạng nắm giữ nguồn điện của các thành phần kinh tế này cũng bắt đầu đặt ra những thách thức mới trong việc đảm bảo cấp điện ổn định, liên tục mà EVN đang phải gánh.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, các chuyên gia hệ thống và thị trường điện nhận xét, có những thời điểm công suất tiêu thụ điện của hệ thống lên tới 45.000 MW, như vậy, dù EVN và các Genco có gánh hết sức cũng không đủ đáp ứng được yêu cầu này, cần có sự tham gia của các nhà máy khác.

“Khi phải trông chờ vào các nhà đầu tư bên ngoài thì việc thông cảm, hỗ trợ cho nhau chỉ là tạm thời, ngắn hạn, còn lại phải dựa vào các quy định trong Hợp đồng mua bán điện. Với thực tế tài chính của EVN khó khăn, lỗ lớn như hiện nay, nếu phải nợ tiền mua điện nhiều tháng thì các nhà máy cũng không có tiền mua nhiên liệu để duy trì sản xuất điện. Như vậy, dù EVN và các Genco của mình có làm hết sức cũng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu”, là nhận xét của nhiều chuyên gia về thị trường điện.

Trước đó, Báo Đầu tư đã từng đặt câu hỏi với nhiều nhà đầu tư nguồn điện về việc, “do tình hình tài chính khó khăn nên EVN đề nghị cho nợ tiền bán điện và các nhà đầu tư vẫn phát điện để bán cho EVN, góp phần đảm bảo cấp điện cho nền kinh tế” và rất nhiều câu trả lời đã được đưa ra.

Theo đó, các doanh nghiệp thừa nhận “EVN lỗ thì cũng không lấy đâu ra mà bù được, nhưng doanh nghiệp bán điện cũng khó khăn vì tiến độ trả nợ ngân hàng đã có. Nếu doanh nghiệp sản xuất điện bán cho EVN không có dòng tiền khác bù đắp, thì bị chuyển sang nhóm tín dụng xấu, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh”.

Theo nhiều nhà đầu tư, nợ 3 tháng còn có thể gồng được, chứ nợ 6 tháng là khó khăn và theo chuỗi trở thành nợ xấu lẫn nhau. “Doanh nghiệp nợ sang tháng thứ 4 là bị sang nhóm nợ xấu”, một nhà đầu tư chia sẻ.

Thậm chí, những nhà máy chỉ trông vào khoản thu từ tiền bán điện, thì chỉ cần chậm tiền thanh toán 1 tháng là đã mệt, vì các khoản chi thường xuyên như tiền lương, chi phí vận hành nhà máy, vận hành đường dây… không thể dừng được.

Ông Trần Anh Thái, chuyên gia trong lĩnh vực hệ thống điện và giải pháp kỹ thuật cho hay, giải pháp để hệ thống điện vận hành tốt, minh bạch và bền vững chính là, người bán phải thu hồi được chi phí đã bỏ ra, nếu không sẽ khó duy trì được lâu dài. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá đầu ra phải là thị trường thì các khâu trước đó mới thị trường được.

“Điện cũng là hàng hóa, nên các khâu trong chuỗi giá trị như phát điện - truyền tải - phân phối đều phải thỏa mãn yêu cầu bù đắp được chi phí mới thu hút được các nguồn đầu tư bên ngoài để đáp ứng nhu cầu điện của nền kinh tế. Nếu đầu ra mà không đủ bù đắp chi phí đã bỏ ra trước đó, thì chuỗi giá trị của ngành điện sẽ khó bền vững”, ông Thái nói.

TheoBaodautu.vn

0 nhận xét: