VOV.VN - Trong bối cảnh phải tăng cường tìm kiếm phương án lưu trữ các nguồn năng lượng thay thế, các mỏ than ở Ostrava, Cộng hòa Séc sẽ được chuyển đổi thành các cơ sở lưu trữ điện khổng lồ trong vòng vài năm tới.
Đây là dự án nhà máy điện trọng lực đầu tiên trên thế giới, liên doanh giữa Doanh nghiệp Nhà nước Cộng hòa Séc Diamo, Đại học và Công nghệ Ostrava và công ty Gravitricity của Anh.
Giám đốc điều hành công ty Gravitricity, Charlie Blair cho biết đã lựa chọn hợp tác với Cộng hòa Séc cho dự án này do có nhiều mỏ than chưa được khai thác hết ở phía Đông của nước này. Vị trí chính xác của nhà máy điện trọng lực vẫn chưa được quyết định, nhưng tất cả các vị trí dự kiến đều nằm ở vùng Moravian-Silesian.
Với chi phí dự kiến khoảng 30 triệu euro, phần lớn kinh phí cho dự án này sẽ do Gravitricity cung cấp và sẽ nhận thêm một phần kinh phí hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới của Liên minh châu Âu. Phương án lưu trữ năng lượng mới này sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo ở Cộng hòa Séc và khu vực Trung Âu. Đây cũng là một cách tiếp cận mới để lưu trữ năng lượng vừa giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu cũng như tái sử dụng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch ở các mỏ than đang phải đóng cửa ở châu Âu. Ông Charlie Blair đã đưa ra một mốc thời gian dự kiến cho việc xây dựng và khả năng nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.
Về phía Séc, giám đốc Doanh nghiệp nhà nước Séc bày tỏ vui mừng khi dự án này được thực hiện tại Séc tuy nhiên cũng lưu ý còn nhiều khó khăn về vấn đề kỹ thuật của dự án này trong thời gian tới. Theo đánh giá, dự án này là giải pháp thay thế thân thiện với môi trường nhiều hơn so với pin lithium-ion đang được sử dụng rộng rãi cũng như đam bảo tuổi thọ pin dài hơn, chi phí thấp hơn và có thể tái sử dụng cơ sở hạ tầng hiện tại cũng như giải quyết cơ hội việc làm cho địa phương. Việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo và lưu trữ năng lượng đang là hướng đi được nhiều quốc gia châu Âu quan tâm nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét