Việt Nam có thể phát triển điện hạt nhân sau năm 2035
Ưu tiên năng lượng tái tạo, tính tới phát triển điện hạt nhân sau 2035... là những kịch bản tại dự thảo Quy hoạch điện VIII đang được xây dựng.
Ngày 8/7, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lần 1 về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (quy hoạch điện VIII).
Nhìn lại quy hoạch điện VII giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn 2025, ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, quy hoạch VII đã được lập với quan điểm "cứng" quy mô, tiến độ và vị trí triển khai dự án, thậm chí "cứng" cả nhà đầu tư phát triển các dự án... Vì thế, đến nay quy hoạch mới đạt gần 88% về nguồn điện, lưới điện 500 kV đạt khoảng 72%, còn lưới 220 kV là 80%.
Quá trình triển khai sơ đồ điện VII đã có nhiều thay đổi so với kế hoạch ban đầu như không triển khai dự án điện hạt nhân, dự án BOT chậm tiến độ, một số trung tâm điện lực ở khu vực Tây Nam Bộ không hoàn thành...
"Việc không hoàn thành các dự án nguồn và lưới điện theo quy hoạch điện VII, đồng thời có sự hiệu chỉnh đã ảnh hưởng lớn đến cung cấp điện trong giai đoạn tới, nhất là khi Việt Nam phải đối mặt với tình trạng thiếu điện, đỉnh điểm là năm 2025", Thứ trưởng Vượng nhìn nhận.
Do đó, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh, quy hoạch điện VIII được xây dựng vẫn trên quan điểm "điện phải đi trước một bước, không để thiếu điện cho phát triển kinh tế xã hội. Song song đó, phải phát triển năng lượng tái tạo, hạn chế nhiệt điện than".
Theo đó, quy hoạch điện VIII đưa ra 6 kịch bản phát triển nguồn điện. Bà Lê Thu Hà (Phòng phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng) cho biết, ở tất cả các kịch bản đều tăng tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Trong số này, cơ quan lập quy hoạch cũng đưa ra kịch bản không xây dựng thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030.
Đáng chú ý, quy hoạch điện mới cũng đưa ra phương án điện hạt nhân sau năm 2035 với 1.000 MW năm 2040 và tăng lên 5.000 MW vào 2045.
Trước đó, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận bao gồm hai nhà máy 1 và 2 được dự tính xây dựng năm 2016 với tổng công suất trên 4.000 MW. Tuy nhiên, dự án này đã được Quốc hội quyết định dừng vào tháng 11/2016 và không xây dựng loại hình năng lượng này tới năm 2030.
Tại diễn đàn về năng lượng giữa năm 2018, ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng, hiện các nguồn năng lượng truyền thống đã cạn kiệt, cần nghĩ tới một loại hình năng lượng khác thay thế, đó là điện hạt nhân.
Trong một văn bản gửi Thủ tướng trước đây, các chuyên gia của Tạp chí Năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cũng kiến nghị cần cân nhắc thận trọng và sớm tái khởi động dự án này.
Theo bà Lê Thu Hà, (Phòng phát triển hệ thống điện, Viện Năng lượng) phát triển điện hạt nhân thì chi phí xây dựng cao, khó giảm trong tương lai do yêu cầu an toàn cao, tỷ lệ nội địa hoá thấp... Điện hạt nhân cũng có ưu thế về an ninh năng lượng, là nguồn bán nội địa, không phát thải khí CO2, gây hại môi trường. Tuy nhiên, loại năng lượng này chỉ hiệu quả trong trường hợp giá CO2 lên 15 USD một tấn.
Cũng theo bà Hà, trong các kịch bản mà quy hoạch VIII đưa ra, khu vực miền Trung, miền Nam sẽ là hai nơi tập trung phát triển năng lượng tái tạo, điện khí từ nguồn LNG. Còn miền Bắc sẽ phát triển các dự án điện dựa trên nguồn than nhập khẩu.
"Sau năm 2025, các nguồn điện linh hoạt như nguồn tích năng, LNG sẽ rất cần thiết để đảm bảo nhu cầu, dự phòng cho điện gió và mặt trời. Do đó, cần có cơ chế giá công suất dự phòng cho các nguồn điện này", bà Hà nhận xét.
Quá trình xây dựng điện VIII, dù vậy cũng gặp không ít khó khăn khách quan, chủ quan. Ông Trần Kỳ Phúc - Viện trưởng Viện Năng lượng dẫn chứng, quy hoạch điện VIII được lập trong điều kiện một số chiến lược và quy hoạch nền tảng chưa được lập hoặc nếu có cũng chưa được phê duyệt. Chẳng hạn như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất... Chưa kể, những tác động từ Covid-19 đã ảnh hưởng ít nhiều tới phía cung, cầu của hệ thống năng lượng.
Cũng theo ông Phúc, sự bùng nổ các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) vừa qua gây những khó khăn không nhỏ, đòi hỏi cách tiếp cận phù hợp hơn trong quy hoạch thiết kế, đầu tư và vận hành hệ thống lưới điện.
"Phát triển năng lượng tái tạo càng cao, ngoài nguồn vốn lớn thì quỹ đất cũng là áp lực cần phải tính đến để những nghiên cứu đã được tính toán, thiết kế trong quy hoạch được đảm bảo thực thi trên thực tế", ông Phúc nói.
TheoVNexpress.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét