Thứ Sáu, tháng 1 05, 2018

Tổng tài sản EVN năm 2017 vượt 700.000 tỷ

Tổng tài sản EVN năm 2017 vượt 700.000 tỷ, lớn thứ hai Việt Nam

Tại hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hôm 4/1, Phó tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, tổng doanh thu của EVN năm 2017 ước đạt 293.180 tỷ đồng, trong đó doanh thu bán điện là 289.250 tỷ đồng, tăng 8,94% so với năm 2016.
Tổng tài sản EVN năm 2017 vượt 700.000 tỷ, lớn thứ hai Việt Nam - Ảnh 1
Với tổng tài sản vượt ngưỡng 700.000 tỷ đồng, EVN trở thành tập đoàn có quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) - Ảnh: Quang Phúc.
Với mức doanh thu này, công ty mẹ và 9 tổng công ty thành viên trực thuộc EVN đều có lợi nhuận trong năm qua.
Tuy nhiên, mức lãi cụ thể từng đơn vị lại không được tập đoàn này công bố trong báo cáo kết quả kinh doanh cuối năm.
Cũng trong năm 2017, điện sản xuất và mua của EVN ước đạt 192,45 tỷ kWh, tăng 8,6% so với năm 2016. Điện thương phẩm ước đạt 174,05 tỷ kWh, tăng 8,92% so với năm 2016.
Năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện toàn EVN đạt 1,92 triệu kWh/người, tăng 9% so với năm 2016.
EVN bảo toàn và phát triển được vốn Nhà nước, tổng giá trị tài sản hợp nhất ước tính đến cuối năm 2017 là 707.270 tỷ đồng (tăng 15.053 tỷ đồng so với năm 2016), trong đó vốn chủ sở hữu là 216.510 tỷ đồng (tăng 11.275 tỷ đồng).
Với tổng tài sản vượt ngưỡng 700.000 tỷ đồng, EVN trở thành tập đoàn có quy mô lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).
Giá trị nộp ngân sách năm 2017 của toàn EVN đạt 15.870 tỷ đồng.
Về công tác cổ phần hóa và thoái vốn, EVN cho biết đang thực hiên phương án cổ phần hóa Tổng công ty Phát điện 3. Hiện tập đoàn này đang hoàn thiện các thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp các tổng công ty phát điện 1 và 2, dự kiến hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018.
Trong năm, tập đoàn và các đơn vị thực hiện thoái, giảm vốn tại 8 công ty cổ phần với giá trị phải thoái/giảm vốn là 269,54 tỷ đồng, giá trị thu về 386,58 tỷ đồng, thặng dư 117 tỷ đồng.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói, ông đánh giá cao nỗ lực EVN đạt được năm qua khi cung ứng đủ điện cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân, góp phần vào mức tăng trưởng GDP 6,81% nền kinh tế.
Song, Phó thủ tướng cũng chỉ ra nhiều thách thức với ngành điện, chẳng hạn, trong khi miền Nam sử dụng trên 50% tổng nhu cầu điện năng (miền Bắc gần 40%, miền Trung gần 10%) thì nguồn điện hiện nay lại tập trung chủ yếu ở miền Bắc (trên 50%), miền Nam chỉ có thể tự sản xuất dưới 40%. Do đó, tình trạng thiếu điện cục bộ hiện đang là bài toán khó đối với EVN.
"Năm 2018, EVN ngoài việc phải đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, thì cần khẩn trương đưa các dự án trọng điểm phía Nam vào vận hành, để không xảy ra thiếu điện khu vực này", Phó thủ tướng nhắc nhở.
Đề cập tới vấn đề tái cơ cấu EVN, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, quá trình thực hiện tại một số đơn vị thành viên EVN vẫn "làm theo hình thức, phong trào, giữ nguyên mô hình tái cấu trúc cũ". Ông yêu cầu EVN rà soát, đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc toàn diện từ đầu tư, tới quản trị doanh nghiệp, nhân lực.
Bạch Dương (Baomoi.com)

0 nhận xét: