Thứ Hai, tháng 1 13, 2014

Năm Giáp Ngọ nói về chuyện NGỰA



Trước thềm năm mới xuân Giáp Ngọ, vui xuân xin mạn đàm đôi chuyện vui về ngựa.Con người chắc đã thuần hóa được loài ngựa cách đây rất lâu, chuyện sử Tàu có viết 2.000 năm trước Công nguyên, họ đã dùng ngựa kéo chiến xa đánh trận. Ngựa là lòai động vật được con người quan tâm đến nhiều nhất vì những đóng góp to lớn trong việc mưu sinh và sự phát triển của con người. Trong thời bình ngựa giúp chúng ta cày bừa, chuyên chở hàng hóa, kéo xe, chở người di chuyển giửa những quảng đường xa, chuyển nhanh những thư tín, công văn đến nơi cần đến vì ngựa là phương tiện di chuyển nhanh nhất thời bấy giờ và tạo những niềm vui cho công chúng như đua ngựa, đi săn, cưỡi ngựa thi bắn tên, làm xiếc thú. Ngựa còn cho ta thịt để ăn và cúng tế, xương nấu cao ngựa làm thuốc, giúp các nhà y học chế ra các loại huyết thanh trị bệnh, huyết thanh chống nọc rắn đã cứu sống vô vàn người bệnh. Còn dùng huyết thanh ngựa chữa để kích thích sinh sản trong chăn nuôi gia súc. Ngựa là vật thường được dùng  nhiều nhất  trong các cuộc chiến tranh, càng được nổi tiếng nhiều hơn vì những công lao của ngựa gắn liền với những chiến công hiển hách của con người, đến nỗi người ta viết những quyển sách chuyên nói về tướng ngựa vì cho rằng ngựa cũng có thể ảnh hưởng đến sự nghiệp của chủ nó. Ngựa được sử dụng trong các đội kỵ binh, khinh binh, thám mã, truyền tin, tải lương, tải đạn, tải thương, kéo pháo. Trong lịch sử  hùng mạnh của đế chế Hy Lạp dưới thời Alexandre Đại đế đã dùng những đội kỵ binh tinh nhuệ chinh phục từ Âu sang Á, những đội kỵ binh mạnh mẽ của Ả Rập làm mưa làm gió ở khắp vùng Trung Á và sau đó Đội kỵ binh thiện chiến của Thành cát Tư Hãn ở Mông cổ lại chinh phục từ Á sang Âu. Người ta phân chia nhiều loại ngựa như ngựa thồ, ngựa kéo xe và ngựa dùng để cưỡi, loại ngựa cưỡi có con đi mỗi ngày vài trăm km nên được gọi là thiên lý mã.  Ngựa có nhiều màu như lông màu trắng gọi là ngựa bạch, đen tuyền gọi là ngựa ô, đen pha đỏ tươi là ngựa vang, đen pha đỏ đậm là ngựa hồng, tím đỏ pha đen là ngựa tía, trắng sọc đen là ngựa vằn, ngoài ra còn có ngựa xám, ngựa đỏ (Xích Thố mã)… Về cách đi đứng của con ngựa có nhiều động từ để diễn tả như: đi, bước, rảo, chạy, nhảy, kiệu, phóng, vút, phi (bay), tế, sải, lao, vọt, phốc, phi nước đại, phi nước kiệu, phi rạp mình, ngựa lồng… Do đó trong nghệ thuật, rất nhiều nhà điêu khắc tài hoa, họa sĩ nổi tiếng đã tạc tượng, vẽ tranh ngựa trên sách báo, đền đài, lăng tẩm. Nhiều nơi đều có tượng danh nhân ngồi trên lưng ngựa đặt trang trọng ở các quảng trường, công viên. Về tranh ngựa có họa sĩ Trung Quốc Từ Bi Hồng chuyên vẽ tranh ngựa được nhiều người gọi là “kim cổ đệ nhất”  và cùng nhiều danh họa phương Tây khác sáng tác nhiều chủ đề về ngựa.

 
 
Những con ngựa nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như ngựa Xích Thố của Quan Công, Ngựa Chuy của Hạng Võ, trong truyện kể Tây du ký của Ngô Thừa Ân có con rồng con của Tây Hải Long Vương mắc tội, được Quan Thế Âm Bồ tát cứu và cho biến thành Ngựa Tiểu Bạch Long đưa Đường Tam Tạng đi qua Tây Trúc thỉnh kinh sau được thành chánh quả  hoặc Ngựa Kiền Trắc (Kan Thala) trong phật giáo là con ngựa đã đưa thái tử Tất Đạt Đa phi qua tường thành để đi tu thành Phật Thích ca Mâu Ni và sau chết đi tái sinh thành người tu hành và thành chánh quả;… ngoài ra trong trong Thiên chúa Giáo, trong Đạo Hindu, Đạo Hồi, các truyền thuyết phương tây cũng đều có những câu chuyện về Ngựa và xem Ngựa như những “linh vật”.
Ngựa là loài vật khôn ngoan, dù đi thật xa, thời gian qua thật lâu nhưng ngựa vẫn nhớ đường về. Ngựa có thể nhịn khát, nhịn đói trong vài ba ngày mà vẫn hoạt động được. Ngựa rất quyến luyến, trung thành với chủ, thích được vổ về, nói ngọt ngào, ủy lạo và nhiều con ngựa khi chủ chết trận ngựa cũng buồn bả , bỏ ăn cho đến chết. Ngựa cũng có những thái độ biểu hiện như khi đói ngựa thường dùng móng trước cào cào xuống đất, ngựa khỏe mạnh, vui vẻ tai dựng đứng, ngựa mệt mõi, bệnh  thì tai cụp xuống và đưa ra trước, ngựa nổi giận hay lo lắng thì tai đảo ra trước ra sau liên tục. Ngựa thường được chủ cho ăn cỏ, lương thực, uống nước đường để có sức làm việc.

Ngựa cũng được đưa vào thi ca, vào ca dao, tục ngữ, chuyện kể dân gian… khá nhiều, nhưng đôi lúc cũng không thật hợp tình, hợp lý; ví  dụ như: dùng từ “đầu trâu, mặt ngựa” để chỉ những kẻ ác, “đồ trâu, ngựa” để chỉ người đần, người khổ… thì thật không công bằng với hai loài vật trung thành và hữu dụng cho con người.

Ngựa được đưa vào 12 con giáp : Tý (Chuột), Sửu (Trâu), Dần (Cọp), Mẹo (Mèo), Ngọ (Ngựa), Mùi (Dê), Thân (Khỉ), Dậu (Gà), Tuất (Chó), Hợi (Heo). Nếu ghép vào can –chi thì sẽ có các năm Giáp Ngọ, Bính Ngọ, Mậu Ngọ, Canh Ngọ và Nhâm Ngọ. Ngọ thuộc cực dương vì 12 giờ trưa là giờ Ngọ, tháng 6 là tháng Ngọ cây cối phát  triển nhanh. Theo các sách Tử vi nói Người tuổi Ngọ rất tự tin nên thường lựa chọn công việc sao cho có thể phát huy được năng lực như kiến trúc, nhân viên tiếp thị, diễn viên, doanh nhân, nhà Khoa học. Khá thông minh, ứng biến tốt, thích những công việc có tính thay đổi, tự do; ít chịu gò bó. Tính phóng khoáng, nhiệt tình, sôi nổi, tự do. Vì thông minh nên đạt thành công cũng nhiều nhưng vì thích tự do nên công việc thường bấp bênh và thất bại cũng lắm. Như Cụ Nguyễn Du đã viết trong thơ Kiều: Có tài mà cậy chi tài/ Chữa Tài liền với chữ Tai một vần/ Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Thì đừng trách lẫn trời gần, trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài/ 

 

  Trong các vật nuôi, ngựa là loài có ý nghĩa tinh thần phong phú và giá trị biểu tượng cao. Nó thể hiện vai trò gần gũi mà quan trọng, tạo nên những ảnh hưởng mạnh mẽ, đa dạng và tích cực trong đời sống văn hóa Việt Nam.
    Do được sử dụng phổ biến, lâu dài, mang giá trị vật chất đa dạng và mật thiết, nên ngựa cũng tạo giá trị tinh thần phong phú, ảnh hưởng sâu rộng đến tâm linh và đời sống văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam. Tín ngưỡng cổ truyền quan niệm có nhiều vị thần cưỡi ngựa du hành hoặc cùng ngựa góp sức tạo ra, điều chỉnh, chuyển hóa 5 bản nguyên thế giới: kim (kim loại), mộc (cây cối), thủy (nước), hỏa (lửa), thổ (đất). Sự năng động của ngựa đôi khi được coi là nguồn gốc hoặc tượng trưng cho sự luân hồi giữa những mặt đối lập của vũ trụ và nhân thế: sáng - tối, nóng - lạnh, sống - chết, hòa hợp - xung đột... Ở nhiều địa phương, ngựa là hiện thân của may mắn, hạnh phúc, mơ thấy ngựa hoặc ra ngõ gặp ngựa là điềm may hoặc gặp được người đang cần tìm. Tại các đình, đền, chùa, hai bên thường thờ hai con ngựa gỗ giống nhau nhưng khác màu (một con màu trắng, con kia màu đỏ), tượng trưng cho uy linh, sự tôn nghiêm và tính cân xứng.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, hình ảnh ngựa xuất hiện vừa phổ biến, đa dạng lại vừa hấp dẫn, sáng tạo. Chúng ta gặp “ngựa” (mã) ở đủ mọi lĩnh vực ngôn từ: tự nhiên và xã hội, lý thuyết sách vở và giao tiếp thực tiễn. “Sức ngựa” (mã lực) là đơn vị công suất, xấp xỉ bằng 75kg/m trong 1 giây - tương đương công suất của một con ngựa khỏe; “ngựa chứng” là thói ương bướng, ngổ ngáo; “vành móng ngựa” là chỗ đứng của người bị truy tố nơi tòa án; “ghế ngựa” là giường gỗ độc đáo, đóng thành hai tấm hình chữ nhật, kê ghép lại trên hai cái mễ; “mã tấu” là dao dài, to bản, mũi vát nhọn; “mã vũ” là thiết bị âm nhạc làm từ lông đuôi ngựa, dùng để kéo đàn nhị .v.v... Động vật có con bọ ngựa, cá ngựa, sóc ngựa, dơi ngựa, gấu ngựa... Thực vật thì có cây ké đầu ngựa, cỏ roi ngựa, lau đuôi ngựa .v.v... Ngựa hiện diện trong nhiều loại địa danh: núi Mã Yên, Mã Hương, Mã Trường, Thiên Lý Mã (Ninh Bình), sông Mã (Thanh Hóa), đền Bạch Mã, phường, bến xe và đường phố Kim Mã (Hà Nội) .v.v... Hình ảnh ngựa trở nên sinh động, gần gũi hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Trẻ em ta thuở xưa đến tận bây giờ vẫn thích thú chơi trò Cưỡi ngựa vật nhau: hai đội, mỗi đội gồm 4 đứa với 3 đứa kết thành một “con ngựa”, 1 đứa là “kỵ sĩ”; hai “ngựa” diễu quanh sân, những người xem đi theo sau cổ vũ và cùng hát câu: “Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn”; sau khi diễu ba vòng, mọi người tản ra xếp thành hình tròn để hai “kỵ sĩ” trên “ngựa” bá cổ vật nhau, bên nào không vững, ngã xuống đất trước là bên ấy thua. Thanh niên thì ngoài đua ngựa còn tổ chức trò phi ngựa bắn cung, múa trên lưng ngựa, cưỡi ngựa nấu cơm... như một hình thức sinh hoạt văn hóa - thể thao hấp dẫn, khỏe khoắn, đồng thời cũng tạo nhịp cầu giao lưu, kết bạn, kết duyên. Các lễ hội dân gian tại nhiều nơi có cưỡi hoặc rước ngựa rất tưng bừng, náo nhiệt: hội Gióng, hội Kẻ Giá, hội Bà Chúa Ngựa...
Ở một phương diện khác, tĩnh lặng nhưng phong phú, bền vững là hình tượng ngựa trong kiến trúc, tạo hình, trang trí. Ngựa được thể hiện đa dạng trên tranh, bia, miếu, đình, đền, chùa, nhà thờ, cung điện, công sở… với đủ loại chất liệu: đất, đá, vữa, đồng, gỗ, mực... và bằng nhiều kỹ thuật: tạc, đắp, nặn, chạm, khắc, đúc, nung, vẽ... Người ta đã tìm thấy tượng ngựa bằng gốm trong các ngôi mộ cổ thế kỷ IV-V tại Chương Mỹ (Hà Nội), bức phù điêu chạm khắc ngựa rất đẹp vào thế kỷ IX ở Trà Kiệu (Quảng Nam). Tại chùa Phật Tích (Bắc Ninh), có đôi ngựa đá lớn làm từ thế kỷ XI, dáng căng tròn, sung mãn. Vào thời kỳ này, cũng có nhiều tượng ngựa bằng gốm nơi đình, đền, chùa và trên các bàn thờ gia đình. Nhưng phải tới thế kỷ XV, nghệ thuật trang trí, tạo hình ngựa mới phát triển đa dạng, rầm rộ. Ngựa vũ trụ với hai cánh chéo trên lưng mang ý nghĩa “con vật chở bầu trời đi” có ở đình Tây Đằng (Hà Nội). Còn tại bệ tượng chùa Trà Phương (Hải Phòng), hiện diện con long mã (đầu rồng thân ngựa), biểu trưng cho siêu lực... Từ thế kỷ XVII, hình tượng ngựa ngày càng phổ biến, có khi nó được tạc bằng đá, tầm vóc lớn hơn ngựa thực tế (như ở mộ quận Đăng, Thanh Hóa, năm 1629) hoặc nhóm tượng rất đẹp cùng với giám mã (ở đình Hương, Bắc Ninh, đầu thế kỷ XVIII). Các bức chạm khắc ngựa trong cảnh vinh quy, du hành, chiến trận thấy ở đình Hoành Sơn, đền Tam Lang (Hà Tĩnh), cảnh cưỡi ngựa đấu võ thấy ở đình Nội (Bắc Ninh). Trong rất nhiều đình, đền, chùa, vẫn thờ cặp tượng gỗ bạch mã (ngựa trắng) - xích mã (ngựa đỏ), bức chạm khắc vân mã (ngựa bay trên mây) hoặc mã hầu (khỉ cưỡi ngựa)... Tranh vẽ ngựa cũng xuất hiện khá sớm, nay còn trên bản khắc gỗ tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) các bức địa mã (ngựa ăn cỏ), tòng giá (theo hầu ngựa), tỳ giá (dong ngựa). Những thế kỷ gần đây, tranh ngựa có nhiều ở dòng tranh cổ truyền Hàng Trống (Hà Nội), làng tranh nổi tiếng Đông Hồ (Bắc Ninh) và thu hút năng lực sáng tạo của không ít họa sĩ Việt Nam hiện đại.              
(Sưu tầm)
Vũ điệu vó ngựa (Youtube)

0 nhận xét: