Thứ Hai, tháng 4 07, 2025

 Mái vòm khổng lồ trên nhà máy điện hạt nhân Chernobyl được mệnh danh là tấm lá chắn bất khả xâm phạm, song hồi tháng 2, nó đã bị xuyên thủng bởi một chiếc UAV.

Eric Schmieman đã làm việc 15 năm cho công trình kỹ thuật để đời của ông: Xây dựng "lá chắn khổng lồ" để bảo vệ lò phản ứng đã bị hư hại tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, Ukraine, sau thảm họa cách đây gần 4 thập kỷ.

Mái vòm khổng lồ bằng thép bao trùm lò phản ứng số 4 của nhà máy Chernobyl từ năm 2016 là cấu trúc có thể di động lớn nhất thế giới. Nó cao 110 m, dài 165 m, nặng gần 40.000 tấn. Hơn 45 quốc gia và tổ chức đã chi gần 1,7 tỷ USD để tạo ra nó.

"Chúng tôi đã thực hiện vô số phân tích an toàn, cân nhắc đến rất nhiều điều tồi tệ có thể xảy ra", Schmieman, 78 tuổi, kỹ sư xây dựng đã nghỉ hưu tại Washington, người từng là cố vấn kỹ thuật cấp cao của dự án, cho hay. "Chúng tôi đã cân nhắc đến động đất, lốc xoáy, gió lớn, tuyết rơi trong 100 năm, đủ mọi thứ. Nhưng thứ chúng tôi không tính đến là xung đột".

Hôm 14/2, một máy bay không người lái (UAV) mang đầu đạn nổ mạnh, ước tính có giá thành sản xuất 20.000 USD, đã xuyên thủng vòm chắn. Giới chức Ukraine cáo buộc Nga cố tình nhắm vào cấu trúc này bằng UAV tự sát Shahed 136 của Iran, song Moskva bác bỏ.

Mái vòm  Cấu trúc Ngăn chặn Mới tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hồi năm 2018. Ảnh: Reuters

Mái vòm Cấu trúc Ngăn chặn Mới tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hồi năm 2018. Ảnh: Reuters

Đám cháy ban đầu được dập tắt nhưng một lớp chống thấm bên trong lớp cách nhiệt của mái vòm vẫn cháy âm ỉ gần ba tuần, Artem Siryi, người đứng đầu bộ phận vận hành công trình, cho biết.

Lực lượng cứu hộ đã phải đục lỗ lớp ngoài mái vòm, tìm đám cháy và phun nước vào bên trong công trình vốn được thiết kế để luôn khô ráo nhằm ngăn ngừa ăn mòn.

Ngày 7/3, Ukraine tuyên bố đám cháy đã được kiểm soát hoàn toàn nhưng khoảng một nửa phần phía bắc của vòm chắn đã bị hư hại. Cơ quan Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 13/3 cho hay cuộc tấn công "gây ra thiệt hại lớn" ở phần phía bắc và hư hại ở mức độ thấp hơn tại phần phía nam.

Mức độ phóng xạ bên ngoài nhà máy vẫn bình thường. Nhưng chưa rõ vòm chắn khổng lồ sẽ được sửa chữa như thế nào, chi phí bao nhiêu và trong bao lâu.

Một phần mái vòm bảo vệ lò phản ứng số 4 trong nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị hư hại sau cuộc tập kích UAV ngày 14/2. Ảnh: AP

Một phần mái vòm bảo vệ lò phản ứng số 4 trong nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị hư hại sau cuộc tập kích UAV ngày 14/2. Ảnh: AP

Vụ nổ tại Chernobyl năm 1986 được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử. Nó đã giải phóng vật liệu phóng xạ vào không khí, gây ra tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên khắp châu Âu và khiến không ít người nghi ngờ về năng lượng hạt nhân.

Liên Xô đã xây dựng một Cấu trúc Ngăn chặn khẩn cấp bằng bê tông và thép để bao bọc lò phản ứng bị hư hại, được đặt biệt danh là "Quan tài bê tông". Chính quyền cũng thiết lập một khu vực cấm rộng gần 2.600 km2 quanh nhà máy, nơi không ai được phép sinh sống.

Số người chết được báo cáo trong vụ nổ là 31. Nhưng không ít người đã mắc bệnh và tử vong sau đó. Tỷ lệ ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến giáp, tăng mạnh ở những khu vực tiếp xúc nhiều với phóng xạ.

"Quan tài" bao bọc lò phản ứng ngày càng trở nên mất ổn định và được cho là không thể tồn tại lâu dài. Phải mất hàng thập kỷ để tìm ra cách thay thế nó.

Vòm thép tại nhà máy Chernobyl, có tên chính thức là Cấu trúc Ngăn chặn Mới, được hoàn thiện vào năm 2016. Nó được thiết kế với mục tiêu bảo vệ lò phản ứng hỏng trong một thế kỷ. Để giảm thiểu phơi nhiễm phóng xạ, các kỹ sư lắp ráp nó cách lò phản ứng khoảng 200 m, sau đó chuyển vào vị trí bằng đường ray. Vòm chắn dày khoảng 12 m với lớp vỏ ngoài và trong đều làm bằng thép. Độ ẩm giữa các lớp vỏ được duy trì dưới 40% nhằm ngăn ngừa ăn mòn.

Theo Schmieman, lớp vỏ ngoài là chìa khóa để ngăn mưa và tuyết, lớp còn lại giúp giữ bụi phóng xạ bên trong.

Giới chức Ukraine năm 2019 đã quyết định sẽ tháo dỡ "Quan tài bê tông" để ngăn nó sụp đổ sau nhiều năm xuống cấp và dọn chất thải phóng xạ còn lưu lại ở lò phản ứng số 4. Kế hoạch này vẫn chưa được thực hiện.

Quá trình thiết lập các lá chắn ở lò phản ứng số 4 sau thảm họa hạt nhân Chernobyl. Đồ họa: Graphics News

Quá trình thiết lập các lá chắn ở lò phản ứng số 4 sau thảm họa hạt nhân Chernobyl. Đồ họa: Graphics News

Sau khi vòm thép bị hư hại, các chuyên gia hạt nhân cảnh báo có nguy cơ công trình sẽ bắt đầu bị ăn mòn và việc sửa chữa có thể mất nhiều năm. Thiệt hại này sẽ trì hoãn kế hoạch tháo dỡ "Quan tài" nói trên.

"Lý do cộng đồng quốc tế chi nhiều tiền bạc và thời gian để xây dựng công trình là họ hiểu rõ quy mô của mối đe dọa phóng xạ bên trong", Shaun Burnie, chuyên gia hạt nhân tại Greenpeace, tổ chức phi chính phủ quốc tế hoạt động vì môi trường, người đã đến thăm nhà máy Chernobyl sau cuộc tập kích UAV, giải thích. "Nỗ lực xây dựng thứ bảo vệ châu Âu, Ukraine và thế giới khỏi mối hiểm họa bên trong đó là một thành tựu to lớn. Và giờ đây, chúng ta có một lỗ hổng trên nó, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng".

Greenpeace cuối tháng 3 công bố báo cáo cho biết cuộc tập kích UAV đã làm tổn hại nghiêm trọng các kế hoạch đối với lò phản ứng số 4 và vòm chắn đã mất đi khả năng hoạt động theo thiết kế ban đầu.

Siryi cho biết họ đang đánh giá liệu vòm chắn còn có thể sửa chữa được hay không và bằng cách nào. Ngoài đóng lỗ thủng rộng khoảng 50 m2 do UAV gây ra, công nhân còn phải bịt kín các lỗ thủng nhỏ hơn mà lực lượng cứu hỏa tạo ra để dập tắt đám cháy âm ỉ. Họ phải sửa chữa lớp vách ngăn và lớp cách nhiệt hay bất kỳ cấu trúc bên trong nào bị hư hại. Họ còn phải tìm cách giảm độ ẩm sau khi hàng trăm công nhân phun nước công suất lớn vào bên trong cấu trúc.

Giới chuyên gia lo ngại những công việc trên khó khả thi bởi công nhân sẽ phải tiếp xúc với mức độ phóng xạ cao hơn ở bên trong. Phương án di chuyển mái vòm ra chỗ khác để sửa chữa nó cũng là một thách thức vì sẽ không có gì để bảo vệ "Quan tài bê tông" vốn không ổn định suốt quãng thời gian này.

"Không thể khôi phục hoàn toàn", Siryi nói. "Để đưa nó trở lại gần nhất với trạng thái ban đầu có thể cần đến hàng trăm triệu USD".

Những mảnh vỡ của chiếc UAV tấn công mái vòm bảo vệ nhà máy Chernobyl hôm 14/2. Ảnh: AP

Những mảnh vỡ của chiếc UAV tấn công mái vòm bảo vệ nhà máy Chernobyl hôm 14/2. Ảnh: AP

Theo Jan Vande Putte, chuyên gia hạt nhân tại Greenpeace Ukraine, người ta có thể phải dỡ bỏ toàn bộ vòm chắn và thay thế nó. Đây cũng là phương án được Schmieman và Siryi đồng tình. IAEA cho hay chức năng ngăn chặn của mái vòm đã bị suy yếu và cần "nỗ lực sửa chữa rất lớn".

Đồng quan điểm, Schmieman cho biết việc sửa chữa kết cấu hoặc xây dựng một kết cấu mới sẽ cực kỳ tốn kém. Ông đề xuất tạm thời che các lỗ hổng để hệ thống thông gió bên trong có thể bắt đầu giảm độ ẩm.

"Đừng ngay lập tức tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng, lâu dài nhằm xử lý số lượng lớn các lỗ hổng, nhưng hãy tìm một cách nhanh chóng để giảm mức độ ăn mòn", ông nói.

Theo ông, UAV có thể giúp ích cho quá trình này. Do chiến sự, Ukraine đã phát triển công nghệ UAV nhanh hơn hầu hết quốc gia khác. "UAV cỡ nhỏ có lẽ đủ khả năng đánh giá thiệt hại bên trong mái vòm và thậm chí giúp sửa chữa nó", Schmieman nói.

Vũ Hoàng (Theo AFP, AP, Reuters

0 nhận xét: