Thứ Sáu, tháng 2 07, 2025

Bộ Công thương chỉ 8 địa điểm có thể làm nhà máy điện hạt nhân

 

Trong dự thảo điều chỉnh Quy hoạch điện 8, Bộ Công thương đã chỉ rõ 8 địa điểm ở Việt Nam đảm bảo điều kiện để xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Bộ Công thương cho biết, theo Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17.6.2010 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch định hướng phát triển điện hạt nhân, Việt Nam có 8 vị trí tiềm năng để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn. Mỗi vị trí có tiềm năng phát triển khoảng 4 - 6 GW điện hạt nhân.

Bộ Công thương chỉ 8 địa điểm có thể làm nhà máy điện hạt nhân- Ảnh 1.

Việt Nam sẽ tham khảo kinh nghiệm, mô hình các nước trong phát triển điện hạt nhân

ẢNH: TN

Trong đó, tỉnh Ninh Thuận có 3 vị trí, gồm: thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, H.Thuận Nam; thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, H.Ninh Hải; bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, H.Thuận Bắc.

Quảng Ngãi có 2 vị trí, gồm: thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, H.Mộ Đức; thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, H.Mộ Đức.

3 vị trí còn lại gồm: thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, H.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, H.Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Bộ Công thương cho rằng, với tiềm năng trên, điện hạt nhân có thể xem xét xây dựng tại 3 vùng: Nam Trung bộ khoảng 25 - 30 GW, Trung Trung bộ khoảng 10 GW và Bắc Trung bộ khoảng 4 - 5 GW.

Nhưng hiện nay chỉ có Phước Dinh và Vĩnh Hải là có công bố quy hoạch địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Một số địa điểm tiềm năng khác (2 địa điểm ở Quảng Ngãi, 1 địa điểm ở Bình Định) được xem xét là địa điểm tiềm năng phát triển 4 tổ máy điện hạt nhân quy mô lớn.

Tuy nhiên, do không có quy hoạch được công bố nên sau 10 năm, các địa điểm này đều cần rà soát, đánh giá lại do có thể có nhiều biến động kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế tại các khu vực.

Đối với các địa điểm xây dựng lò phản ứng hạt nhân modul nhỏ (SMR) việc lựa chọn địa điểm xây dựng là một bước quan trọng để đưa vào hệ thống năng lượng khu vực. Quá trình này sẽ có tác động đáng kể đến chi phí xây dựng, sức khỏe môi trường, an toàn và các khía cạnh khác trong suốt thời gian hoạt động của nó. 

Ngoài ra, có rất nhiều thiết kế SMR đang được phát triển ở nhiều giai đoạn khác nhau trên khắp thế giới, nhưng Việt Nam chưa có quy định pháp quy về yêu cầu địa điểm đối với lò SMR. 

Trong trường hợp không có quy định hướng dẫn cụ thể về lựa chọn địa điểm đối với SMR, việc thực hiện phải tuân thủ theo quy định yêu cầu địa điểm nhà máy điện hạt nhân quy mô lớn hiện hành.

Đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải

Trong căn cứ đề xuất điều chỉnh Quy hoạch điện 8, Bộ Công thương dẫn thông tin từ báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây ghi nhận sự trở lại của điện hạt nhân. Nhiều quốc gia đang quan tâm đến điện hạt nhân như một lựa chọn để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải.  

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, qua nghiên cứu từ nhiều nước, điện hạt nhân là xu thế để giải tỏa sức ép phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Nhiều quốc gia đã tăng công suất điện hạt nhân 2 - 3 lần. Điển hình là Nhật Bản, điện hạt nhân hiện chiếm 20 - 25% cơ cấu nguồn điện.

Trước đó, ngày 4.2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã  giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. 

TheoThanhNien

0 nhận xét: