Điện gió ngoài khơi dự kiến chiếm khoảng 4% công suất điện năng sản xuất toàn quốc vào năm 2030, song đến nay chưa có dự án nào triển khai
Theo nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, năng lượng gió ở Việt Nam có tiềm năng lớn nhất trong 4 nước của khu vực (Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam) với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hằng năm lớn hơn 6 m/giây ở độ cao 65 m, tương đương công suất 512 GW.
Nhiều vướng mắc
Trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng là xu thế tất yếu không thể đảo ngược, Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và các nguồn thủy điện lớn trong nước đã cơ bản khai thác hết, cần thiết phải thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, trong đó có điện gió ngoài khơi, phù hợp với xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới đang gia tăng mạnh.
Theo Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 đạt 6.000 MW (chiếm tỉ lệ khoảng 4% công suất lắp đặt toàn quốc), định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.500 MW (chiếm tỉ lệ từ 14,3% - 16%). Điện năng sản xuất của nguồn điện gió ngoài khơi ước đạt 21 tỉ KWh vào năm 2030 (chiếm 4% điện năng sản xuất toàn quốc) và khoảng 258 - 343 tỉ KWh vào năm 2050 (chiếm 21% - 25%).
Việc phát triển mạnh điện gió ngoài khơi kết hợp với các loại hình năng lượng tái tạo khác (điện mặt trời, điện gió trên bờ…) để sản xuất năng lượng mới (hydrogen xanh, amoniac xanh…) phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu trên cơ sở bảo đảm an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay hiện chưa có dự án điện gió ngoài khơi nào đã được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư để thực hiện. Đồng thời, theo kế hoạch thực hiện đã được phê duyệt tại Quyết định số 262 ngày 1-4-2024 mới xác định đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi khu vực Bắc Bộ là 2.500 MW, khu vực Trung Trung Bộ là 500 MW, Nam Trung Bộ là 2.000 MW và Nam Bộ là 1.000 MW. Quy hoạch điện VIII chưa nêu rõ số lượng, công suất và vị trí dự án điện gió ngoài khơi cũng như phương án đấu nối nguồn điện này. Nhìn chung, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới đối với Việt Nam nên còn tồn tại vướng mắc trong thực hiện quy định của pháp luật đối với loại hình năng lượng này, từ việc giao khu vực biển, nghiên cứu khảo sát tiềm năng, quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư và thực hiện đầu tư, xây dựng.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5 - 3 tỉ USD/1.000 MW và thời gian thực hiện từ 6-8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát.
Trước nhiều thách thức, cuối tháng 8 vừa qua, tập đoàn năng lượng quốc doanh lớn nhất Na Uy là Equinor đã xác nhận hủy kế hoạch đầu tư vào điện gió ngoài khơi của Việt Nam bằng việc đóng cửa văn phòng tại Hà Nội. Trước đó, năm 2023, Tập đoàn Ørsted (Đan Mạch) cũng tuyên bố dừng kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi ở Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, việc chấp thuận chủ trương và lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió còn có nhiều vướng mắc và chưa thống nhất giữa các văn bản quản lý pháp luật hiện hành. Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đất đai đều chưa quy định rõ và cụ thể về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các cấp đối với các dự án điện gió ngoài khơi. Công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc trên biển và giao khu vực biển để đầu tư dự án điện gió ngoài khơi chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tại các văn bản pháp lý, chưa có khung chính sách giá, cơ chế giá cho điện gió ngoài khơi…
Cần sự đồng thuận
Từ đó, Bộ Công Thương cho rằng việc xây dựng, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi có thể sẽ một mặt tạo cơ sở để hoàn thiện quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, đồng thời tạo tiền đề để thực hiện phát triển điện gió ngoài khơi và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển điện gió trong Quy hoạch điện VIII và góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng.
"Tuy vậy, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội chưa nhận được sự đồng thuận của tất cả các bộ, cơ quan. Đây là vấn đề lớn, do vậy cần xem xét, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của Đảng trước khi Chính phủ quyết định xây dựng, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi" - Bộ Công Thương nêu.
Khi ban hành Nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, cần song song tiến hành tổng kết các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Về giao nhà đầu tư khi ban hành nghị quyết, Bộ Công Thương nghiêng về quan điểm để tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư thí điểm với 3 phương án gồm: PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Bộ Quốc phòng, nhưng cả 3 phương án đều có nhược điểm nên cơ quan này chưa chốt.
Theo Bộ Công Thương, việc giao PVN đầu tư điện gió ngoài khơi cần được đánh giá phù hợp với chủ trương của Đảng về định hướng ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của PVN. Hiện nay, nghị quyết của Đảng chưa cho phép PVN được đầu tư ngoài ngành và đầu tư điện gió ngoài khơi.
Với phương án giao cho EVN, đây là lĩnh vực mới nên có những đòi hỏi khác so với các dự án điện truyền thống. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng "từ chối" đầu tư với lý do điều kiện về năng lực và kinh nghiệm.
Mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi khó đạt 6.000 MW vào năm 2030 nếu không sớm "cởi trói" về cơ chế, chốt phương án lựa chọn nhà đầu tư.
Nên thí điểm
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), cho rằng nên giao dự án điện gió ngoài khơi cho các tập đoàn kinh tế nhà nước như EVN, PVN làm thí điểm, tạo tiền đề để hoàn thiện quy định pháp luật. Tuy vậy, Chính phủ cần xây dựng cơ chế, chính sách ổn định là rất cần thiết tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV PVN, trong thời gian qua, các đơn vị của tập đoàn này như: Vietsovpetro, PTSC... đã ký các biên bản ghi nhớ, biên bản bảo mật, hợp tác song phương, hợp đồng khảo sát/cung cấp dịch vụ với các chủ đầu tư điện gió ngoài khơi trên thế giới. PVN đã nhận được rất nhiều đề xuất từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Equinor, Ørsted, CIP, Macquarie... để liên kết phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
"PVN đang nỗ lực phát huy tất cả lợi thế sẵn có để tham gia chuỗi cung ứng và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành sản xuất điện nhằm tạo tiền đề phát triển năng lượng hydro trong tương lai" - ông Hùng nói về mức độ sẵn sàng.
Muốn vậy, TS Nguyễn Quốc Thập đề cập đến sửa đổi điều lệ tổ chức hoạt động và quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong lĩnh vực năng lượng như PVN, EVN, TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam). Hội Dầu khí Việt Nam kiến nghị nâng cấp nghị định về điều lệ tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính của các tập đoàn này tương đương với bộ luật do Quốc hội ban hành, nhằm bảo đảm đủ hành lang pháp lý.
Cùng với đó, Hội Dầu khí Việt Nam khuyến nghị cần thiết sửa đổi và bổ sung một cách đồng bộ các bộ luật, gồm: Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên - môi trường biển và hải đảo, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... đi kèm với đa dạng hóa việc đầu tư hạ tầng truyền tải.
Xu hướng của thế giới
Sau Hội nghị Thượng đỉnh COP 26 năm 2021 (tại Anh), trên thế giới đã hình thành liên minh các quốc gia điện gió ngoài khơi (GOWA). Xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới đang gia tăng mạnh, có thể đạt 500 GW lắp đặt vào năm 2040, 1.000 GW vào năm 2050.
Báo cáo Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo năm 2040 sẽ có 1.000 tỉ USD đầu tư vào điện gió ngoài khơi và châu Á chiếm đến hơn 60%. Trung Quốc năm 2019 có 4 GW điện gió ngoài khơi, hiện nay là hơn 25,5 GW (vượt số lượng điện gió ngoài khơi của châu Âu) và dự báo năm 2040 là 110 GW, năm 2050 là 350 GW.
Tiềm năng xuất khẩu lớn
Hiện Việt Nam có một dự án điện gió ngoài khơi được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ khảo sát và nghiên cứu tiền khả thi giữa Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC - thành viên của PVN) cùng đối tác Singapore nhằm xuất khẩu điện gió sang quốc gia này vào năm 2030.
Theo TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học môi trường, biển và hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn cho xuất khẩu. Ông đã nhận được nhiều thăm dò của các đối tác từ Singapore, Malaysia về cách thức để mua điện sạch từ Việt Nam. Để có thể bán điện sang các quốc gia láng giềng, Chính phủ phải có quy định rõ ràng về dành phần biển nào đầu tư dự án để xuất khẩu, từ đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét