Các "ông lớn" nước ngoài lần lượt hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam khiến giới đầu tư không khỏi lo âu về tính khả thi của nguồn điện này.
Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu, công suất điện gió ngoài khơi (ĐGNK) đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.000 MW.
Bộ Công thương đánh giá, phát triển ĐGNK là một trong những định hướng quan trọng của Quy hoạch điện VIII, ngoài việc giúp hiện thực hóa lộ trình chuyển dịch năng lượng, còn giúp Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng to lớn về năng lượng tái tạo và phát triển kinh tế biển.
Thế nhưng, đến nay, Việt Nam chưa có dự án ĐGNK nào được cấp chủ trương đầu tư, giao nhà đầu tư, sau 5 năm khởi động - bắt đầu từ việc chấp thuận thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà vào năm 2019.
Điều đáng nói, sự chờ đợi đã khiến một số "ông lớn" toàn cầu rời khỏi Việt Nam.
"Ông lớn" hủy kế hoạch đầu tư
Mới đây, Equinor - một trong những công ty năng lượng lớn nhất Na Uy cho biết, tập đoàn này đã quyết định hủy kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực ĐGNK tại Việt Nam và đóng cửa văn phòng tại Hà Nội, dù đã "dọn đường" suốt 2 hơn năm qua.
Năm 2021, Petrovietnam và Equinor đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển ĐGNK và năng lượng tái tạo khác tại Việt Nam. Liên minh này cũng đã có văn bản đề xuất vị trí khảo sát ĐGNK đến các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình và Hải Phòng…
Equinor cũng đánh giá Việt Nam "có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở châu Á". Tuy nhiên, họ dự báo, với các rào cản về quy định, kịch bản tốt nhất Việt Nam chỉ có thể lắp đặt khoảng 1GW công suất ĐGNK vào cuối thập kỷ này.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Orsted - doanh nghiệp do Chính phủ Đan Mạch chiếm cổ phần chi phối - cũng đã quyết định dừng cuộc chơi ở Việt Nam để theo đuổi các kế hoạch khác. Lý do được tập đoàn này đưa ra là do chính sách liên quan đến triển khai và mua điện bị chậm trễ và không rõ ràng khiến họ khó dự báo được nguồn doanh thu ổn định.
Đánh giá về diễn biến này, đại diện Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, các nhà đầu tư không còn kiên nhẫn, không nhìn thấy cơ hội rõ rệt tại Việt Nam so với các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên thế giới.
"Hay nói cách khác, trong một thời gian dài, Việt Nam vẫn chưa tìm ra được một chính sách, cơ chế rõ ràng, thống nhất, nhất là cơ chế lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế giá và mua bán điện… đã phần nào làm nản lòng các nhà đầu tư có tên tuổi", vị đại diện bày tỏ.
Loạt vướng mắc cần tháo gỡ
Theo nguồn tin của Báo Giao thông, báo cáo Thủ tướng về vấn đề trên, Bộ Công thương nêu loạt khó khăn trong phát triển nguồn ĐGNK.
Về quy hoạch, theo Bộ Công thương, hiện nay tên, địa điểm, quy mô công suất, phương án đấu nối các dự án ĐGNK chưa được xác định, chưa có cơ sở để thực hiện nhiệm vụ liên quan đến khảo sát, đo đạc, điều tra, đánh giá tác động làm cơ sở lập dự án đầu tư ĐGNK.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 81 năm 2013 về "Định hướng phát triển vùng và liên kết vùng", đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ, chưa thể hiện rõ định hướng phát triển năng lượng hoặc năng lượng tái tạo như định hướng các vùng khác còn lại trên cả nước.
Về đầu tư, Bộ Công thương nhận thấy, Luật Đầu tư năm 2020 chưa quy định rõ đối với dự án ĐGNK thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội hay Thủ tướng hay UBND cấp tỉnh.
Còn với hoạt động lựa chọn nhà đầu tư, Luật Đầu tư năm 2020 quy định, việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua một trong các hình thức như: Đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu; chấp thuận nhà đầu tư theo Luật Đầu tư.
Tuy nhiên, đối với ĐGNK có sử dụng lòng đất dưới đáy biển, trong khi đó, lòng đất dưới đáy biển thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Biển Việt Nam.
Bộ Công thương nhận thấy, trường hợp dự án ĐGNK không được coi là dự án có sử dụng đất, thì các dự án này có thể sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu năm 2023 và có thể không thuộc các trường hợp chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.
Về khảo sát, giao khu vực biển để khảo sát, Bộ Công thương cho hay, chưa có đủ cơ sở xác định việc khai thác năng lượng gió trên mặt biển là thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài nguyên môi trường Biển và Hải đảo, dẫn đến việc thực hiện trình tự, thủ tục theo Nghị định 11 năm 2021 về việc giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân để sử dụng, khai thác tài nguyên gió trên biển là chưa rõ cơ sở để thực hiện.
Bộ này cũng nêu những khó khăn xung quanh vấn đề giá điện, bảo lãnh vay vốn, chuyển đổi ngoại tệ, hợp đồng mua bán điện, cam kết sản lượng ... do pháp luật chưa quy định cụ thể cho ĐGNK, dẫn đến nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc xác định các điều kiện khuyến khích, thuận lợi khi thực hiện dự án.
Đặc biệt, việc trình dự án thí điểm ĐGNK không thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương mà vấn đề này thuộc về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với PVN, EVN)…
Với những khó khăn trên, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng sớm có ý kiến về đề xuất dự án thí điểm phát triển ĐGNK mà bộ này đã trình.
Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc cần được cập nhật mới trong dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Hiện, Bộ Công thương đang chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để làm cơ sở đề xuất Thủ tướng xem xét, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Bộ này kiến nghị rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia làm ĐGNK...
TheoGT
0 nhận xét:
Đăng nhận xét