Thứ Bảy, tháng 3 20, 2021

Quy hoạch điện VIII: Phương án huy động vốn còn nhiều băn khoăn

 


Việc huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư điện lực các giai đoạn từ nay đến năm 2045 là vấn đề đặt ra nhiều băn khoăn, lo ngại về tính hợp lý, khả thi

Dự thảo Đề án Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII - QHĐ) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi nhiều Bộ, ngành và doanh nghiệp (DN).

Theo Dự thảo này, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD. Trong đó, vốn cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới truyền tải).

Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 là khoảng 192,3 tỷ USD. Trong đó, vốn cho nguồn điện là 140,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD. Giai đoạn 2031 – 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,3 tỷ USD cho nguồn và 3,4 tỷ USD cho lưới). Việc huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư điện lực là vấn đề đặt ra nhiều băn khoăn, lo ngại về tính hợp lý, khả thi.

Với nguồn vốn hàng năm huy động cao, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tư nhân đầu tư phát triển điện lực.

Theo TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), trong QHĐ VIII, các dự án nhiệt điện than nếu tiếp tục được ưu tiên phát triển sẽ gặp khó khăn trong vấn đề huy động vốn, nhất là khi các định chế tài chính trên thế giới đang thoái vốn khỏi điện than.

“Cơ cấu nguồn vốn trong bản Dự thảo chỉ phân bổ vào danh mục đầu tư, không đề cập đến cơ cấu nguồn vốn huy động từ đâu, chưa phù hợp với định hướng và giải pháp quan trọng về tài chính xanh và ngân hàng xanh được đề cập trong Nghị quyết 55/NQ-TƯ của Bộ Chính trị”, TS. Phạm Xuân Hòe đánh giá.

Đối với việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng điện mặt trời (ĐMT), do có những ưu tiên về giá điện năng lượng tái tạo, thời gian qua Việt Nam chứng kiến sự phát triển ồ ạt của các dự án ĐMT mái nhà, dẫn đến sự quá tải hệ thống lưới điện quốc gia. Nhiều nhà đầu tư không phát được điện dẫn đến lãng phí công suất ĐMT...

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, trong QHĐ VIII, với nhu cầu vốn lên đến 150 tỷ USD, nhu cầu phụ tải duy trì mức cao 8-9%/năm, tổng công suất 140.000 MW cao gấp đôi so với hiện nay, nên cần nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, mỗi năm cần 12-13 tỷ USD là một thách thức lớn cho mục tiêu phát triển nguồn năng lượng này.

Theo ông Dũng, vấn đề nguồn vốn là phức tạp nên với từng dự án thì chủ đầu tư cần phải lập nghiên cứu báo cáo phân tích khả thi, tính toán cụ thể. Nhưng quy hoạch chỉ đưa ra tổng vốn huy động và giải pháp chính. Trong đó, với huy động vốn, đề xuất giải pháp là tăng khả năng tài chính nội bộ của doanh nghiệp, tăng uy tín năng lực tài chính để vay vốn thuận lợi với chi phí thấp hơn.

“Với nguồn vốn hàng năm huy động cao như vậy, cần có cơ chế mạnh mẽ hơn để khuyến khích mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước, tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng ngành điện thông qua cơ chế đấu thầu hoặc xã hội hóa đường dây truyền tải để huy động nguồn lực”, ông Dũng nói.

Ông Dũng cho biết thêm, nhìn vào các dự án nguồn năng lượng tái tạo vừa qua cho thấy sự vào cuộc của các doanh nghiệp tư nhân với 16.000 MW tương đương 10 tỷ USD, con số này chỉ huy động trong vòng khoảng 2 năm. Như vậy, nếu có cơ chế hợp lý, hài hòa lợi ích các bên, sẽ có nguồn lực mạnh mẽ đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Theo Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN), để thu xếp được khoảng 13 tỷ USD/năm, tính toán của các chuyên gia cho thấy khả năng thu xếp của tập đoàn trong nước vào khoảng 3 tỷ USD/năm. 77% còn lại phải huy động từ đầu tư nước ngoài, DN và hộ dân trong nước.

Trong bối cảnh các Chính phủ, chủ đầu tư, tổ chức tài chính và phi tài chính đang thoái vốn khỏi điện than, DN tư nhân trong nước không đủ tiềm lực đầu tư cho các dự án lớn, tính khả thi huy động vốn cho phát triển điện than là rất thấp, hoặc rủi ro cao khi phụ thuộc vào một nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc.

Trong khi đó, điện mặt trời là loại hình phân tán, có thể phát triển ở quy mô nhỏ dễ dàng hơn trong huy động nguồn lực xã hội. Ngoài ra chuyển dịch đầu tư vào năng lượng tái tạo là xu hướng chung trên toàn cầu, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này.

Điện mặt trời là loại hình phân tán, có thể phát triển ở quy mô nhỏ dễ dàng hơn trong huy động nguồn lực xã hội.

Do đó, các Liên minh kiến nghị Bộ Công Thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.

Các Liên minh cũng đề xuất xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ cho các dự án đầu tư theo hình thức Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT) là không hợp lý. Mặc dù trần nợ công của Việt Nam đã giảm tuy nhiên cân đối vĩ mô của quốc gia còn yếu, ví dụ như chưa có đủ ngân sách dự phòng cho các vấn đề thiên tai, cân đối cán cân xuất nhập khẩu, các dự án nghìn tỷ sai phạm chưa giải quyết được….

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn đang tiếp diễn, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của nhân dân được đặt lên hàng đầu. Đây là những ưu tiên của Chính phủ cần đầu tư nguồn lực thay vì dự phòng ngân sách bảo lãnh cho các dự án điện BOT đang tiềm ẩn nhiều rủi ro./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

0 nhận xét: