Thứ Ba, tháng 6 16, 2020

Việt Nam nhìn từ trên cao

Việt Nam nhìn từ trên cao
Các thành phố hiện đại và huyền ảo trong ánh đèn đêm được nhiếp ảnh gia Việt ghi lại khi du lịch dọc đất nước hình chữ S.



Toàn cảnh TP Hạ Long, Quảng Ninh với Cung Quy hoạch, Hội chợ, Triển lãm và Văn hóa tỉnh (hay còn gọi Cung cá heo). Phía xa là vịnh Hạ Long. 

TP Hạ Long thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ, có bờ biển dài khoảng 50 km, với vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Một trong những điểm nhấn của thành phố là Dự án mở rộng đường Trần Quốc Nghiễn (đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm đấu nối đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả). Toàn tuyến có tổng chiều dài 4,7 km và mặt đường 6 làn xe. Dự án khánh thành ngày 24/5/2020.


Cung cá heo "vờn sóng" bên bờ vịnh Hạ Long. Nằm trên trục đường Trần Quốc Nghiễn, Cung cùng với các cụm công trình Bảo tàng - Thư viện, Quảng trường 30/10 tạo nên con đường ven biển có không gian kiến trúc cảnh quan đẹp, góp phần tạo điểm nhấn cho thành phố.


Các tòa nhà cao tầng tại quận Thanh Xuân. Việt Nam hiện có 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ, trong đó Hà Nội và TP HCM được Chính phủ xếp loại đô thị đặc biệt, ba thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ là đô thị loại I.



Quang cảnh Đại lộ Thăng Long và khu vực Trung tâm Hội nghị quốc gia, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội rực rỡ khi lên đèn.

Đại lộ Thăng Long dài gần 30 km, được khánh thành năm 2010 dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Còn tòa nhà Trung tâm Hội nghị Quốc gia có hình dạng “Lượn sóng biển Đông” dựa trên ý tưởng cảnh quan Di sản văn hóa vịnh Hạ Long do kiến trúc sư người Đức Meinhard Von Gerkar thiết kế, hoàn thành vào năm 2006.

Bức ảnh nằm trong bộ ảnh “Vẻ đẹp các thành phố Việt Nam nhìn từ trên cao” của tác giả Phạm Huy Trung, nhiếp ảnh gia của Socom Media. Anh đã dành nhiều năm đi từ Nam ra Bắc ghi lại vẻ đẹp phong cảnh, thành phố và làng quê Việt Nam.


Kinh thành Huế, TP Huế lung linh trong ánh đèn đêm. Toàn bộ kinh thành được xây dựng trên mặt bằng diện tích hơn 500 ha, bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, gọi chung là Đại Nội. Quần thể kiến trúc này được xây dựng vào đầu thế kỷ 19.

TP Huế được công nhận là đô thị loại I vào năm 2005, trực thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Huế có phong cảnh thiên nhiên đa dạng như sông Hương, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh và các di tích lịch sử, kiến trúc cổ, nổi bật là Quần thể di tích Huế.


TP Đà Nẵng rực rỡ về đêm với Vòng xoay mặt trời, nhiều cao ốc và các khu nghỉ dưỡng. Đà Nẵng hiện ra đúng với tên gọi “thành phố của những cây cầu” với cầu Sông Hàn, cầu Rồng và cầu Thuận Phước.

Vòng xoay mặt trời là một trong những vòng quay lớn nhất thế giới, thuộc Công viên châu Á. Ngồi trên cabin, vòng xoay đưa du khách lên cao và ngắm nhìn toàn cảnh thành phố.

Đà Nẵng được công nhận là đô thị loại I vào năm 2003, là trung tâm của vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có các điểm du lịch nổi tiếng như biển Mỹ Khê, Cầu Vàng, Khu nghỉ dưỡng Bà Nà Hills hay công viên Asia Park.



Toàn cảnh TP Nha Trang với những ngôi nhà phố san sát nhau. Nha Trang được mệnh danh là “hòn ngọc biển Đông” hay “một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới”. Nơi đây nổi tiếng với những bãi biển đẹp, khu vui chơi giải trí hiện đại và ẩm thực phong phú.

Thành phố nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Khánh Hòa, phía Bắc giáp huyện Ninh Hòa, phía Nam giáp thành phố Cam Ranh, phía Tây giáp huyện Diên Khánh, phía Đông tiếp giáp với biển, được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa vào năm 2009.


Một góc trung tâm TP Đà Lạt quanh hồ Xuân Hương huyền ảo trong sương đêm và ánh đèn lung linh. Đà Lạt, thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, được công nhận là đô thị loại I vào năm 2009, nằm trên cao nguyên Lang Biang (Lâm Viên) ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển.

Với lợi thế có nhiều cảnh quan đẹp, Đà Lạt là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam, được biết đến với nhiều tên gọi như “thành phố ngàn hoa”, “thành phố tình yêu” hay “thành phố sương mù”.


Phố biển Vũng Tàu với điểm nhấn tượng chúa Kitô nằm trên núi Nhỏ (hay núi Tao Phùng) có độ cao khoảng 170 m. Tượng có chiều cao 32 m, sải tay dài 18,3 m, bắt đầu được xây dựng năm 1974 và mất 19 năm để hoàn thiện với mặt tượng quay ra vùng biển hướng nam.

Vũng Tàu có 42 km bờ biển bao quanh, sở hữu nhiều bãi biển đẹp như Bãi Trước, Bãi Sau. Thành phố được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào năm 2013. 



TP HCM nhìn từ hướng quận Bình Thạnh với điểm nhấn Tòa nhà Landmark 81 tầng. Với diện tích hơn 2.000 km2, diện mạo của thành phố mang tên Bác ngày nay có những bước phát triển vượt bậc về hạ tầng đô thị.


Một góc trung tâm quận Bình Thạnh. Hệ thống đường bộ của TP HCM dày đặc trên 3.800 tuyến đường, có tổng chiều dài gần 4.000 km.

Sài Gòn hiện đại và sầm uất, với các địa điểm du lịch đa dạng như hệ thống 11 viện bảo tàng. Ngoài ra là các công trình biểu tượng như trụ sở UBND Thành phố, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, Bến Nhà Rồng, Dinh Độc Lập hay Thư viện Khoa học Tổng hợp.


Cầu đi bộ Ninh Kiều dài 199 mét, rộng 7,2 mét và uốn lượn hình chữ S, với phần thân cầu mở rộng xây hai đài hoa sen. Đây là điểm nhấn cảnh quan của TP Cần Thơ, một sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu đi bộ của người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước.

TP Cần Thơ nằm bên hữu ngạn sông Hậu, được công nhận là đô thị loại I vào năm 2009, là trung tâm của vùng ĐBSCL. Đến “vùng gạo trắng nước trong”, du khách có thể tham quan bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, nhà cổ Bình Thủy và thưởng thức các loại trái cây tại miệt vườn sông nước. 


Phạm Huy Trung - Huỳnh Phương
Nguồn : https://vnexpress.net/viet-nam-nhin-tu-tren-cao-4108367.html

0 nhận xét: