Tại khu vực miền Nam, hoạt động lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà tiếp tục phát triển nhanh, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) - cho biết, tính đến nay toàn tổng công ty đã có 4.817 khách hàng lắp đặt công tơ 2 chiều (2.840 công tơ 1 pha và 1.977 công tơ 3 pha) bán điện qua hình thức dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà, tổng sản lượng phát lên lưới là 7.563.663 kWh, với tổng công suất tấm pin là 109.229 kWp.
Ngoài doanh nghiệp, hộ dân lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời áp mái nhà, hiện có khoảng 400 vị trí văn phòng các công ty điện lực, trạm biến áp phân phối do EVNSPC quản lý với công suất khoảng 13 MWp cũng đang được thực hiện. Tính đến nay, đã có 179 vị trí văn phòng, trạm biến áp của EVNSPC đã lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà, công suất 7.369,7kWp, trong đó có 167 vị trí với tổng công suất 6.884,3kWp đã đưa vào vận hành.
Bà Nguyễn Thùy Ngân - Giám đốc thương hiệu SolarBK - cho biết, tính đến tháng 8/2019, không tính khối doanh nghiệp, chỉ riêng hộ gia đình đã có hơn 1.100 điện mặt trời BigK với tổng công suất khoảng 5,3 MW, tăng hơn 400% so với cùng kỳ năm ngoái. Để điện mặt trời thực sự trở nên phổ biến hơn với mỗi người dân Việt Nam, SolarGATES đã xây dựng chương trình khuyến mại nhân dịp mừng lễ Quốc khánh 2/9 với chủ đề “Lắp điện mặt trời BigK, balo năng lượng sạch đến nhà”. Balo năng lượng sạch là sản phẩm mới do SolarBK nghiên cứu và sản xuất với chất liệu gọn nhẹ giúp người dùng xạc pin điện thoại, các thiết bị điện khác ở những nơi không có nguồn điện.
Ông Nguyễn Ngọc Thành - Giám đốc Công ty Điện lực Đồng Nai - cho biết, đến hết tháng 7/2019, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có 640 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà, tổng công suất lắp đặt 14,9 MWp, tăng khoảng 40 lần so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 527 khách hàng sử dụng cho sinh hoạt với tổng công suất 2,7 MWp và 113 khách hàng sử dụng ngoài sinh hoạt với tổng công suất 12,2 MWp. Theo ông Thành, nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà tại địa bàn tỉnh Đồng Nai tăng mạnh là do nhận thức của doanh nghiệp, người dân về năng lượng sạch có nhiều thay đổi, đặc biệt là lợi ích của nguồn năng lượng này mang lại.
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Mặt trời năng lượng xanh (TP. Biên Hòa) - ông Phạm Quyến - chia sẻ, ở TP. Biên Hòa nhu cầu lắp đặt điện mặt trời áp mái nhà đã tăng hơn 100% so với thời điểm cách đây khoảng một năm và xu hướng gắn hệ thống điện mặt trời áp mái nhà tiếp tục phát triển khi lợi ích của việc đầu tư này mang lại hiệu quả cao và không ngừng lan tỏa sâu rộng cùng với những chính sách khuyến khích, hỗ trợ khách hàng của nhà nước trong đầu tư, mua bán điện dư thừa.
Tháng 10/2018, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) đầu tư hơn 600 triệu đồng lắp đặt năng lượng mặt trời mái nhà với nguồn pin năng lượng nhập khẩu từ châu Âu. Ông Lâm Thanh Đức, Giám đốc Công ty Thanh Đức tính toán, so với trước hệ thống điện mặt trời áp mái nhà đã giúp công ty tiết kiệm 40% tổng lượng điện cần sử dụng. Tháng 6/2019, ông Đỗ Trường Sơn, ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất đầu tư hơn 60 triệu đồng gắn điện mặt trời áp mái nhà. Hệ thống điện mặt trời áp mái nhà đã giúp gia đình ông Sơn giảm được khá nhiều tiền điện, mặt khác còn thu về hơn 350.000 đồng tiền bán điện hòa lưới.
Ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc EVNSPC - cho hay, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc khuyến khích, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, tổng công ty đang nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Để đạt mục tiêu về phát triển hệ thống điện mặt trời áp mái nhà, năm 2019 EVNSPC đã triển khai nhiều giải pháp như phổ biến, quảng bá khuyến khích sử dụng điện mặt trời trên mái nhà; tư vấn lắp đặt, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán; lắp đặt miễn phí công tơ đo đếm 2 chiều; ký hợp đồng mua bán điện dư từ doanh nghiệp và người dân.
Thấy rõ lợi ích từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cùng với “Chương trình thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam", Bộ Công Thương khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư vào điện mặt trời áp mái với mục tiêu 100.000 hệ thống sẽ được lắp đặt, vận hành vào cuối năm 2025. Đây là cú huých giúp nhiều doanh nghiệp, hộ dân ở khu vực miền Nam đã bỏ vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái, đối với họ, gói đầu tư này vừa lợi nhà, ích nước và góp phần bảo vệ môi trường sống.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét