Việt Nam sẽ khó tiến lên 4.0 nếu bị mắc kẹt trong 'bộ máy quan liêu 1.0'
Theo Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione, Việt Nam phải nâng cấp cách thức Chính phủ vận hành.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc Gia World Bank tại Việt Nam
Phát biểu tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã thành công trong việc tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, giảm đáng kể tỷ lệ nghèo nhưng các công nghệ đột phá sẽ mang đến những cơ hội và thách thức trên con đường sắp tới.
Về mặt áp dụng kỹ thuật số, Báo cáo phát triển của WB năm 2016 về lợi ích số xếp hạng Chỉ số áp dụng kỹ thuật số của Việt Nam ở mức 0,46 trên thang điểm 1, cao hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trong bình thấp trên toàn cầu.
Tỷ lệ thâm nhập Internet của Việt Nam là 54% và có tới 40% dân số Việt Nam sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đứng ở mức thấp so các quốc gia trong khu vực dựa theo các thước đo về kỹ thuật số khác dựa trên một cuộc khảo sát gần đây của tổ chức Alphabeta.
Trên thị trường lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo 56% lực lượng lao động ở Campuchia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có nguy cơ cao sẽ bị thay thế bằng công nghệ trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới. Điều này đặt ra bài toán về cách thức vận hành để Việt Nam có thể tiến lên phía trước, hoặc thậm chí có bước tiến nhảy vọt.
Theo ông Ousmane Dione, Việt Nam phải nâng cấp cách thức Chính phủ vận hành bởi một mình công nghệ sẽ không thể giải quyết được vấn đề và “Chính phủ sẽ không thể là đối tác của công nghiệp 4.0 nếu như bị mắc kẹt trong bộ máy quan liêu 1.0”.
Công thức 3 yếu tố bao gồm công nghệ, thể chế và con người sẽ tạo thế kiềng ba chân, giúp Việt Nam đạt được khát vọng phát triển.
Ông Ousmane Dione khuyến nghị về công nghệ, Việt Nam cần nắm bắt các giải pháp kỹ thuật số tích hợp. “Chính phủ cần áp dụng một cách tiếp cận toàn diện về cách công nghệ có thể hỗ trợ cải cách nhằm tác động và chuyển đổi những kết quả phát triển của mình. Cơ sở hạ tầng có khả năng tương tác làm nền tảng sẽ tăng cường các mối quan hệ của Chính phủ, tối ưu hóa các khoản đầu tư và kết nối các cơ quan Trung ương, các cấp chính quyền tại Trung ương và địa phương”.
Dữ liệu được công khai và kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, giữa Chính phủ với doanh nghiệp và người dân sẽ cho phép chúng được sử dụng tối ưu để đem lại nhiều lợi ích to lớn trong tương lai.
Ngoài ra, đại diện WB cho rằng, Việt Nam cũng nên thúc đẩy công nghệ tài chính (fintech) cũng như sử dụng blockchain vào tăng hiệu quả và bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu.
Về thể chế, ông Ousmane Dione nhấn mạnh, Chính phủ cần đưa các thể chế vào hoạt động và tinh giản quy trình hoạt động của mình để tạo điều kiện đổi mới.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư vào kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động tương lai trong bối cảnh dân số và tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động đang già đi.
Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển được đánh giá sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam gia nhập nền công nghiệp 4.0: “Nhãn mác sản xuất tại Việt Nam” phải được thay thế bằng “Nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam”, đại diện WB nhấn mạnh.
Phương Vũ
Theo Nhaquantri
0 nhận xét:
Đăng nhận xét