Thứ Sáu, tháng 6 08, 2018

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư điện gió

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư điện gió

(VnMedia) - Theo Hiệp hội điện gió toàn cầu, trên toàn thế giới, năm 2017, ngành điện gió đã thu hút đầu tư trị giá 107 tỷ USD và con số này có khả năng sẽ tiếp tục tăng. Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư điện gió nếu có khung pháp lý ổn định lâu dài.
Sáng nay (7/6), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Hiệp hội điện gió toàn cầu (GWEC) tổ chức Hội nghị điện gió lần đầu tiên tại Việt Nam 2018.
Điện gió là nguồn năng lượng có sức cạnh tranh nhất toàn cầu
Theo Hiệp hội điện gió toàn cầu, điện gió là một trong những nguồn năng lượng có sức cạnh tranh nhất toàn cầu và là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong suốt 15 năm qua.
Trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Việt Nam có nhu cầu cấp thiết cần tìm kiếm một nguồn năng lượng sạch mới có giá phải chăng, và điện gió có thể góp một phần quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu này.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi công suất phát điện lắp đặt từ mức hiện tại là 42 GW lên 80 GW vào năm 2020.
Cũng theo Hiệp hội điện gió toàn cầu, hiện một số quốc gia Đông Nam Á đã nắm bắt cơ hội để phát triển ngành điện gió và năng lượng tái tạo. Các quốc gia này quyết định sử dụng điện gió không chỉ vì đây là một nguồn năng lượng có giá phải chăng mà còn vì rất nhiều lợi ích khác mà nó mang lại.
Việt Nam rất có tiềm năng phát triển điện gió. Ảnh minh họa
Theo đó, trên nhiều thị trường, điện gió là công nghệ sản xuất điện có sức cạnh tranh nhất. Tiến bộ công nghệ cũng như lợi ích kinh tế theo quy mô khiến điện gió trở thành công nghệ được ưu tiên lựa chọn nhiều nhất để sản xuất điện trên toàn thế giới.
Cùng với đó, ngành điện gió có chuỗi cung ứng dài, từ cung cấp linh phụ kiện đến sản xuất tua-bin, từ đánh giá tài nguyên gió đến phát triển dự án, từ xây dựng đến vận hành và bảo trì nhà máy điện gió. Vì vậy, điện gió tạo việc làm khi mỗi mắt xích trong ngành này đều tạo công ăn việc làm tại địa phương. Ngành điện gió hiện đang sử dụng khoảng 1,15 triệu lao động trên toàn thế giới.
Thông tin Hiệp hội điện gió toàn cầu cũng cho thấy, trên toàn thế giới, năm 2017, ngành điện gió đã thu hút đầu tư trị giá 107 tỷ USD và con số này có khả năng sẽ tiếp tục tăng. Việt Nam được xem là điểm đến hấp dẫn cho đầu tư điện gió nếu có khung pháp lý ổn định lâu dài.
Ngoài việc mang lại các giá trị kinh tế, tạo việc làm và phát triển công nghiệp, điện gió đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm và phát thải hiệu ứng nhà kính.
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về điện gió
Theo thông tin tại Hội nghị, điện gió là một trong những ngành phát triển nhanh nhất thế giới. Chỉ tính riêng năm 2017, tổng vốn đầu tư toàn cầu cho điện gió đạt mức 107 tỷ USD với hơn 1,15 triệu lao động trên thế giới. Ngày càng nhiều thị trường lựa chọn điện gió làm nguồn cung năng lượng vì đây thường là lựa chọn sản xuất điện chi phí thấp nhất.
Năm 2017, tại hơn 30 quốc gia, điện từ nguồn năng lượng tái tạo mới, khi chưa được trợ giá, có giá thấp hơn điện từ nguồn nhiều liệu hóa thạch. Tới năm 2025, đây sẽ là tình hình chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Điện gió đã trở thành động lực phát triển chính hướng tới tương lai năng lượng bền vững.
Mặc dù Việt Nam đã có khung chính sách năng lượng quốc gia vững chắc và các mục tiêu hết sức thực tế, song cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện tính hiệu quả và minh bạch trong các quy định của thị trường cũng như quy trình đấu thầu mua sắm.
Ngành điện gió ở Việt Nam sẽ có thể phát triển mạnh mẽ, mang lại những lợi ích to lớn về mặt kinh tế và môi trường, cũng như giúp Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn với các tổ chức và nhà đầu tư quốc tế.
Ông Steve Sawyer, Tổng thư ký GWEC cho biết: “Chúng tôi mong muốn giúp Việt Nam đạt được những lợi ích mà ngành điện gió mang lại: một nguồn năng lượng sạch có giá phải chăng để phục vụ phát triển kinh tế; tăng cường an ninh năng lượng. Đồng thời phát triển công nghệ tiên tiến nhất và tạo việc làm”.
Theo ông Steve Sawyer, những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội mà điện gió mang lại đang trở thành động lực chính thúc đẩy sự phát triển của ngành này ở ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích kinh tế trực tiếp, góp phần tạo việc làm và phát triển công nghiệp, năng lượng gió còn đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ô nhiễm không khí và giảm phát thải khí nhà kính.
Đại diện GWEC cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió rất lớn. Bằng chứng, theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng thế giới, nguồn tài nguyên gió tiềm năng chưa được khai thác ở Việt Nam là 27 GW. Tận dụng nguồn tài nguyên gió phong phú là một trong những lựa chọn chiến lược để Việt Nam đáp ứng được nhu cầu điện tăng cao.
Dự kiến đến năm 2025 nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng khoảng 10%. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia ban hành vào năm 2011 và điều chỉnh vào năm 2016 đề ra mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo chiếm 6,5% trong cơ cấu nguồn điện, và đến năm 2030 đạt 6,9%, tức là 800 MW điện gió vào năm 2020 và 6000 MW vào năm 2030. Với công suất các nhà máy điện gió hiện tại chỉ ở mức 197 MW, Việt Nam còn cách rất xa so với mục tiêu đề ra cho năm 2020.
Minh Ngọc(Baomoi.com)

0 nhận xét: