Gian nan điện gió
Chi phí đầu tư cho điện gió ở Việt Nam còn đắt đỏ, thu được lợi nhuận sớm cũng không dễ, nhất là khi giá thành điện gió lại khá cao, khó cạnh tranh với giá điện sản xuất từ năng lượng truyền thống.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Viện Năng lượng (Bộ Công thương), có khoảng 50 dự án điện gió đăng ký đầu tư ở Việt Nam ở các giai đoạn khác nhau, với mỗi dự án quy mô 6 - 250 MW.
Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có 4 dự án với tổng công suất 159,2 MW đã đi vào vận hành thương mại, gồm Bạc Liêu (99,2MW), Tuy Phong (30MW), Phú Quý (6MW), Phú Lạc (24MW).
Điều đáng nói, trong Quy hoạch điện quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 có đặt ra mục tiêu phát triển điện gió của Việt Nam với tổng công suất nguồn điện gió sẽ tăng lên mức 800 MW vào năm 2020.
Nếu nhìn vào con số dự án điện gió đi vào vận hành như hiện tại thì mục tiêu đề ra là sản xuất từ nguồn điện gió sẽ chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% vào năm 2020 là khó có thể đạt được.
Trong khi đó, tiềm năng khai thác điện gió ở Việt Nam được đánh giá là khá lớn, vào khoảng10.000 MW.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu dự án điện gió lựa chọn được nguồn tài chính hợp lý, công nghệ hiệu quả, có vị trí khai thác tốt thì sẽ nghĩ đến tính khả thi cho dự án.
Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi trên toàn thị trường, theo đánh giá chung của các nhà đầu tư là với mức giá điện như hiện tại vẫn chưa ổn định, cần phải điều chỉnh.
Hiện có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến giá thành điện gió. Về chủ quan như công nghệ, nhập khẩu thiết bị, vị trí lắp đặt, khảo sát lập dự án đầu tư...
Về khách quan như thời tiết, chu kỳ thay đổi mùa, tốc độ gió hàng năm là yếu tố rất quan trọng để tăng sản lượng điện.
Theo ông Phạm Cương, cựu giám đốc của dự án điện gió Phú Quý, trong tương lai, muốn giảm giá thành điện gió để cạnh tranh với giá thành điện sản xuất từ năng lượng truyền thống thì chúng ta phải mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực chế tạo thiết bị trong nước tiến tới sản xuất được một số chi tiết nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, nhận chuyển giao công nghệ và làm chủ được công nghệ.
Có như vậy mới giảm giá thành điện và tiết kiệm được chi phí đáng kể. Hơn nữa, cần đào tạo chuyên gia trước khi thực hiện dự án để làm chủ được mọi rủi ro, hệ lụy sau này.
Đây là bài học kinh nghiệm nhãn tiền của liên doanh nhà thầu. Lập kế hoạch tăng cường tỷ trọng nội địa hóa vật tư, thiết bị ngay từ ban đầu…
Những yếu tố này, nếu chúng ta quản lý tốt và có kế hoạch hợp lý, sẽ giảm được chi phí đáng kể, kéo giá thành điện gió giảm được 7-10%.
Q.Định - Q. Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét