Thứ Bảy, tháng 12 09, 2017

Điện gió: Cơ hội nào cho doanh nghiệp?

Điện gió: Cơ hội nào cho doanh nghiệp?

Được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển điện gió, song đến nay Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả tiềm năng này…
Điện gió: Cơ hội nào cho doanh nghiệp? - Ảnh 1
Ảnh minh họa
Nhiều tiềm năng
Tại Hội thảo “Đầu tư và lợi nhuận từ năng lượng gió”, do Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp với Tập đoàn Vestas (Đan Mạch) tổ chức hôm 7/12, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy hoạch điện VII, Chính phủ đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió lên 800 MW vào năm 2020, tăng lên gần 2.000MW vào năm 2025 và gần 6.000MW vào năm 2030. Theo ông Quân, định hướng này của Chính phủ là động lực để nhà đầu tư quan tâm phát triển điện gió.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam chỉ có 6 dự án điện gió được thực hiện và khoảng 50 dự án khác đang được đăng ký ở những mức độ khác nhau. So với tiềm năng, thực tế phát triển điện gió ở Việt Nam chưa tương xứng.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phòng Kinh tế dự báo và Quản lý nhu cầu năng lượng (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) dẫn số liệu nghiên cứu cho biết, Việt Nam có mức độ tiêu thụ điện năng khá cao so với khu vực. Trong tương lai, với tốc độ phát triển khoảng 7% GDP mỗi năm, Việt Nam cần thêm nguồn điện tăng tương đương khoảng 4,7% để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH.
Theo các chuyên gia, hiện ở Việt Nam thủy điện đã được khai thác gần như tối đa; điện nguyên tử chưa được phát triển; nhiệt điện than, khí ảnh hưởng môi trường. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió, hình thức phát triển điện thân thiện với môi trường.
Theo tính toán, chỉ trong nội địa, trừ diện tích đất nông nghiệp, tiềm năng điện gió ở Việt Nam ở mức 215 GW. Nếu tính những điểm thuận lợi cách đường giao thông trong bán kính 10km, tiềm năng điện gió là 27 GW.
Theo một nghiên cứu khác, Việt Nam có khoảng diện tích 71.562 km2 có thể thực hiện các dự án điện gió (đã trừ đất nông nghiệp), với vận tốc gió trung bình là 4,5 m/giây. Những vùng có gió tốt nhất là khu vực miền Trung, miền Nam. Đặc biệt, khu vực tỉnh Bình Thuận có tốc độ gió 8m/giây.
Doanh nghiệp còn băn khoăn
Chưa có kinh nghiệm cũng như chưa hiểu hết được mức độ rủi ro khi đầu tư điện gió đang là vấn đề các DN băn khoăn nhất khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực rất mới này.
Khẳng định đầu tư điện gió mang lại nhiều lợi ích cho DN và người dân vì khả năng sinh lời và mức độ thân thiện môi trường, song chuyên gia đến từ Tập đoàn Vestas) ông Micheal Perkins thừa nhận, nếu không có kinh nghiệm thì dự án điện gió khó thành công. Chuyên gia này đưa ra lời khuyên, rằng trước khi đầu tư vào điện gió, nhà đầu tư cần thực hiện là khảo sát địa điểm. Phải lựa chọn được nhà tư vấn tốt, khảo sát và đưa ra được địa điểm chính xác về sức gió. Thông thường, để lựa chọn địa điểm đặt nhà máy, cần ít nhất 12 tháng đo lượng gió, tuy nhiên để đảm bảo hơn, nên đo lượng gió trong thời gian từ 3-4 năm trước khi quyết định đầu tư. Bước tiếp theo là lựa chọn tua bin cho nhà máy sao cho phù hợp với lượng gió ở khu vực đặt nhà máy...
Ngoài vấn đề công nghệ, kinh nghiệm, điều khiến không ít DN lăn tăn chính là kinh phí bởi để thực hiện dự án điện gió, nhà đầu tư phải bỏ ra lượng tiền khá lớn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh phát triển nguồn điện ở Việt Nam ngày càng khó khăn, thị trường điện trong nước có nhiều dấu hiệu độc quyền thì DN nên đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, mang đến cho tương lai nguồn điện dồi dào, thị trường điện cạnh tranh lành mạnh.
“Cơ quan chức năng Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện, có chính sách hỗ trợ mặt bằng, giá để khuyến khích những dự án điện gió được thực hiện một cách tốt nhất…” – Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định.
Minh Hữu (Baomoi.com)

0 nhận xét: