10 di sản kiến trúc nhân loại đã bị hủy diệt bởi chiến tranh
Chiến tranh lấy đi nhiều thứ hơn là máu và nước mắt. Tại Trung Đông, bom đạn đã cướp đi những di sản kiến trúc vô giá của nhân loại.
Palmyra: Thành phố được mệnh danh là ốc đảo giữa sa mạc Syria đã tồn tại từ thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên. Nơi đây là kết tinh của nghệ thuật kiến trúc độc đáo bậc nhất thời kỳ cổ đại. Phần lớn các công trình kiến trúc của Palmyra đã bị phá hủy dưới thời kỳ cai trị của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Ảnh: Getty.
Thánh đường Samarra, Iraq: Thánh đường lớn nhất thế giới được xây dựng vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên trên bờ sông Tigris, miền bắc Iraq. Nơi đây nổi bật với Tháp Malwiya, cao 52 m, với cấu trúc hình xoắn ốc. Người Hồi giáo có thể leo lên các bậc thang theo hình xoắn ốc lên tới đỉnh tháp để cầu nguyện. Công trình đã bị hư hại nặng sau một cuộc đánh bom vào năm 2005. Ảnh: Getty.
Hai tượng Phật ở Bamiyan, Afghanistan: Đây là di sản kỳ vĩ nhất của Phật giáo trên thế giới với bức tượng lớn cao 53 m, bức tượng nhỏ cao 35 m. Các tượng Phật được điêu khắc từ cát và đá. Kỳ quan đã tồn tại hơn 1.500 năm trước khi bị phá hủy bởi Taliban năm 2001. Ảnh: Getty.
Thánh đường Aleppo, Syria: Công trình xây dựng vào năm 715 dưới triều đại Umayyad đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài từ năm 2013 tới nay đã biến thánh đường trở thành một đống đổ nát. Ảnh: Wikimedia Commons.
Pháo đài Aleppo, Syria: Tòa thành đã tồn tại ít nhất 4.000 năm, trải qua các thời kỳ cai trị của Alexander Đại đế, La Mã, Mông Cổ và Đế chế Ottoman. Đây là di sản văn hóa thế giới nổi tiếng nhất của Syria. Trong cuộc nội chiến Syria, phần lớn diện tích pháo đài đã bị hủy hoại. Ảnh: Courtesy Guillaume Piolle.
Cyrene, Libya: Thành phố hình thành năm 630 trước Công nguyên giữ vị trí quan trọng trong lịch sử hai đế chế Hy Lạp và La Mã. Nơi đây cũng là cái nôi khai sinh ra những câu chuyện thần thoại Hy Lạp, với Cyrene là nữ chiến binh và là vợ của thần Apollo. Một phần lớn di tích của Cyrene đã bị san phẳng trong cuộc nội chiến Libya. Ảnh: Getty.
Bánh xe nước ở Hama, Syria: Những bánh xe nước có đường kính 20 m được chế tạo vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên và được coi là một trong các phát minh về thủy lợi sớm nhất thế giới. Những bánh xe nước này đã bị thiêu rụi năm 2014 trong các cuộc giao tranh. Ảnh: Wiki Commons.
Nimrud, Iraq: Thành phố trung tâm của đế chế Assyria là nơi lưu giữ vô số báu vật như các bức tượng, các công trình điêu khắc và đá quý. Thành phố đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi nạn trộm cắp trong cuộc chiến tranh năm 2003. Những báu vật bị đánh cắp khỏi Nimrud hiện có thể tìm thấy ở các bảo tàng nước ngoài. Ảnh: Flickr.
Thành phố cổ Bosra, Syria: Nơi đây một thời là trung tâm của Đế chế Đông La Mã. Những công trình của Bosra với dáng dấp của kiến trúc thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên đã đứng vững trong gần 2000 năm trước khi bị phá hủy bởi đạn pháo trong cuộc nội chiến ở Syria. Ảnh: Fulvio Spada.
Thánh đường Al Nuri, Mosul, Iraq: Thánh đường có tuổi đời 850 năm là một trong các di sản văn hóa mới nhất bị hủy hoại bởi chiến tranh khi IS phá hủy công trình này hôm 21/6 vừa qua. Ảnh: AFP.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét