14 con đường nguy hiểm nhất thế giới khiến hành khách thót tim
Tuyến đường sắt “Mũi Quỷ” được xây dựng trên núi đá cùng tên ở độ cao 800 m so với mực nước biển.
(Ảnh: Imgur)
Có lẽ bất kỳ ai đã từng một lần thử sức với tàu lượn siêu tốc sẽ hiểu được ý nghĩa của câu “mặt cắt không còn giọt máu” vì quá sợ hãi. Tuy nhiên bấy nhiêu đó dường như vẫn là khập khiễng khi so sánh với những trải nghiệm nghẹt thở mà một người phải trải qua khi đi qua những con đường nguy hiểm được xây dựng ở độ cao vài cây số với một bên là vực thẳm, hoặc trên một sa mạc hoang vắng, trên mặt nước hoặc ngập nước.
Dưới đây là 14 con đường nguy hiểm bậc nhất thế giới có thể sẽ khiến bạn từ bỏ ý định đi khám phá nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch nếu trong hành trình của bạn phải đi qua một trong số chúng.
1. Đường hầm Quách Lượng, Trung Quốc
Đường hầm Quách Lượng được xây dựng xuyên qua núi Thái Hành Sơn có chiều dài 1,2 km, nó dẫn đến một ngôi làng nhỏ cùng tên. Vào những năm 1970, cư dân trong làng đã tạo nên con đường này với 35 “ô cửa sổ” xen kẽ rải rác dọc theo đường hầm.
Điều đặc biệt của đường hầm Quách Lượng là nó được đục khoét hoàn toàn bằng tay với sự trợ giúp của các dụng cụ cầm tay thủ công, không hề có sự xuất hiện của máy móc hiện đại.
2. Đường sắt chợ Maeklong, Thái Lan
(Ảnh: Jennifer Lien/flickr)
Nếu nhìn thoáng qua, Chợ Meaklong cũng không khác gì hàng trăm khu chợ khác ở Thái Lan… Tuy nhiên, mỗi khi tiếng còi báo hiệu đoàn tàu hỏa sắp đi qua chợ vang lên, người mua hàng vội vàng chạy tới chỗ an toàn, còn người bán nhanh như cắt bê hàng hóa ra khỏi khu vực đường ray để tàu chạy qua với tốc độ 15 km/h. Và kể từ khi tàu hỏa đi qua khu chợ, đường sắt Maeklong trở thành một hành trình hấp dẫn du khách.
3. Đường Yungas, Bolivia
(Ảnh: wikimedia)
Đường Yungas nối liền hai thành phố La Paz và Coroico, dài 40 dặm. Điểm cao nhất của nó là 3.300 m và thấp nhất là 360 m so với mực nước biển.
Không chỉ vậy, con đường này nguy hiểm bởi lòng đường rất hẹp, chỉ vỏn vẹn có 3 m và không có rào chắn bảo vệ với nhiều khúc cua ngoằn ngèo trong điều kiện thời tiết thường xuyên biến động xấu, do đó con đường này còn được gọi là “con đường tử thần”, nó là nỗi ám ảnh của tài xế nói riêng và những người đi trên tuyến đường đó nói chung.
4. Cao tốc Eyre, Australia
(Ảnh: Russellstreet/flickr)
Cao tốc Eyre là huyết mạch nối đông và tây nước Úc, là đường cao tốc thẳng, dài và “cô đơn” nhất thế giới. Nếu chỉ nhìn con đường cao tốc này, thì khó để ai đó hình dung được rằng nó là con đường vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, rất nhiều vụ tai nạn đã xảy ra trên con đường cao tốc dài 1.600 km của Úc này.
Cao tốc Eyre tọa lạc ở rất xa khu dân cư, và tai nạn xảy ra chỉ đơn giản là nó quá dài, thẳng, không một lối rẽ, vô cùng vắng vẻ và đơn điệu khiến tài xế ngủ gật và mất tay lái.
5. Tuyến đường sắt tử thần “Mũi Quỷ” , Ecuador
(Ảnh: structuralia/twitter)
Tuyến đường sắt “Mũi Quỷ” được xây dựng trên núi đá cùng tên ở độ cao 800 m so với mực nước biển. Nó xuyên qua nhiều đồi núi với những khúc cua tử thần vì kế bên là vực thẳm. Trong 25 năm xây dựng con đường nguy hiểm bậc nhất này, hơn 2.000 người đã bỏ mạng bởi các cơn địa chấn, mưa lớn, sốt rét, bệnh lỵ…
Cách đây không lâu du khách mới được phép ngồi trên nóc của các toa tàu, nhưng hiện tại việc này đã bị cấm vì lý do an toàn.
6. Cầu đường sắt Pamban, Ấn Độ
(Ảnh: Feng Zhong/flickr)
Cây cầu Pamban dài 2,5 km nối liền một phần đất liền của Ấn Độ với hòn đảo Pamban. Năm 1964, cây cầu này bị phá hủy bởi những trận đại phong ở vùng eo biển Palk Strait. Đó là lý do tại sao hiện nay, khi tốc độ gió vượt 55 km/h, tuyến đường sắt này nhận được cảnh báo nguy hiểm đặc biệt.
Đây còn là tuyến đường chính cho những người hành hương đến thánh địa của đạo Hindu ở Rameshwaram.
7. Quốc lộ Karakoram, Pakistan — Trung Quốc
(Ảnh: depositphotos)
Dài 1.300 km, con đường nguy hiểm Karrakoram được cho là quốc lộ quốc tế cao nhất thế giới. Một trong những khung đường cao nhất của quốc lộ đạt độ cao hơn 4.600 m. Vào mùa hè, khi mùa mưa đến, nó thường bị rửa trôi và sạt lở. Còn khi mùa đông đến, quốc lộ này thường phải đóng cửa bởi điều kiện thời tiết xấu có nguy cơ lở tuyết cao.
8. Con đường Passage du Gois, Pháp
(Ảnh: Tudre/flickr)
Con đường Passage du Gois ở Pháp nối liền hòn đảo Noirmoutier với đất liền. Con đường này kỳ lạ ở chỗ người ta chỉ có thể đi qua nó 2 lần/ngày trong một vài giờ trước khi nó bị ngập nước. Khi thủy triều dâng cao, Passage du Gois nằm ẩn sâu từ 1,2-4m dưới những làn sóng.
Bởi mực nước cao, đường Passage du Gois không an toàn cho việc đi lại. Những biển báo được đặt dọc tuyến đường để nhắc nhở mọi người rằng con đường nguy hiểm này có thể biến mất.
9. Quốc lộ Leh-Manali, Ấn Độ
(Ảnh: wikipedia)
Quốc lộ Leh-Manali chạy xuyên qua một số ngọn núi cao và có độ cao từ 4-5 km so với mực nước biển. Tuyến đường này vô cùng hẹp, nhiều nơi xuống cấp, nhưng cũng không ngăn cản được các tay lái địa phương phóng xe qua nơi này với tốc độ cao.
Khi cần đi qua con đường này, các tài xế phải xem chừng với những nguy hiểm thường gặp như bị lũ lụt, lở đất hoặc tuyết rơi. Con đường này chỉ mở ba tháng mỗi năm.
10. Đường Thiên Môn Sơn, Trung Quốc
(Ảnh: Liu Tao/flickr)
Con đường này có độ dài 11 km và 99 khúc cua tay áo trên đỉnh Thiên Môn Sơn. Ở một số cung đường, khoảng cách giữa hai khúc cua chưa đầy 200 m, bởi vậy các tài xế phải hết sức cẩn thận khi đi trên đoạn đường này.
Mặc dù vậy, con đường nguy hiểm Thiên Môn Sơn vẫn rất thu hút nhiều du khách bởi nó dẫn lên đỉnh núi Thiên Môn, nơi có một ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng tọa lạc.
11. Con đường xuyên qua Salar de Uyuni, Bolivia
(Ảnh: Marco Verch/flickr)
Con đường này chạy xuyên qua cánh đồng muối lớn nhất thế giới Salar de Uyuni với độ cao 3.650 m so với mực nước biển. Quang cảnh và địa hình ở đây khá giống nhau, không có nhiều điểm nhấn nên các tài xế dễ bị lạc, và điện thoại cũng thường xuyên mất sóng khi đi vào khu vực này.
Khi đến đây, an toàn nhất là nên đi theo nhóm, và tránh tách đoàn, đặc biệt là vì nhiệt độ ban đêm có thể giảm xuống −30°C.
12. Đường xuyên Skippers Canyon, New Zealand
(Ảnh: Bernard Spragg. NZ/flickr)
Vô số hố sâu và vách đá cheo leo, các triền núi dốc, khúc cua đột ngột, cầu treo và những đoạn đường hẹp khiến nguy hiểm luôn rình rập với các tay lái khi đi qua Skippers Canyon. Các hãng cho thuê xe ở địa phương thậm chí còn không cung cấp bảo hiểm cho những người chinh phục tuyến đường này.
13. Đường James W. Dalton, tiểu bang Alaska, Hoa Kỳ
(Ảnh: Alaska DOT&PF/flickr)
Chỉ có 175 km trong tổng số 666 km của tuyến đường James W. Dalton được rải nhựa, còn lại là sỏi đá. Chỉ có 3 khu vực có dân cư ít ỏi, 3 trạm xăng, và 1 trung tâm y tế trên toàn bộ tuyến đường.
Cảnh sát địa phương phải kiểm tra bất cứ ai đi vào con đường nguy hiểm này để đảm bảo rằng họ có chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết để có thể sống sót trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Alaska.
14. “Chuyến tàu trên mây” ở Argentina
(Ảnh: Lep/flickr)
Trong toàn bộ hành trình trên tuyến đường sắt dài 217 km này, đoàn tàu đi qua 21 đường hầm, 42 cây cầu và cầu cạn, 2 đoạn đường xoắn ốc và hơn 2 đoạn đường zíc-zắc. Sở dĩ nó được trao cho cái tên “chuyến tàu trên mây” vô cùng lãng mạn như vậy là bởi nó có độ cao ngoạn mục, thậm chí ở một số đoạn đường, con tàu thực sự đi xuyên qua những đám mây.
Theo Bright Side
Minh Minh
Minh Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét