Thứ Ba, tháng 3 28, 2017

Triển khai các dự án NLMT tại VN

Khởi động Dự án điện mặt trời 2 tỷ USD tại Ninh Thuận


 - 
Tập đoàn Thiên Tân vừa có buổi làm việc với Cơ quan Thương mại và Phát triển Hoa Kỳ (USTDA) về việc thống nhất nội dung các điều khoản tham chiếu để thực hiện nghiên cứu khả thi Dự án điện mặt trời Ninh Thuận, với vốn đầu tư ban đầu dự kiến trên 2 tỷ đô la Mỹ.

Ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Thiên Tân Group cho biết, Dự án điện mặt trời Ninh Thuận là một dự án có quy mô “khủng” được coi là dự án trọng điểm trong quy hoạch điện quốc gia của Chính phủ, với công suất lên đến 1.000MW, vốn đầu tư ban đầu dự kiến trên 2 tỷ đô la Mỹ.
Thiên Tân Solar Ninh Thuận sẽ được đầu tư làm nhiều giai đoạn, với 5 nhà máy, trong đó, nhà máy đầu tiên có công suất 50 MW. Tới năm 2020, Thiên Tân sẽ hoàn tất việc xây dựng cả 5 nhà máy, trong đó, nhà máy 4 và 5 đều có công suất 300 MW. Thiên Tân đã ký hợp đồng để mua các tấmpin năng lượng mặt trời của Tập đoàn First Solar, với trị giá hàng chục triệu USD.
Đại diện USTDA đánh giá Dự án điện mặt trời Ninh Thuận là một dự án đầy tiềm năng và phù hợp với các tiêu chuẩn được tài trợ. Dự án này sẽ giúp phát triển nguồn năng lượng sạch tại Việt Nam. Hai bên cũng đã chia sẻ cụ thể hơn những thông tin, các thủ tục và hồ sơ pháp lý để thực hiện dự án…cũng như những hỗ trợ của phía USTDA cho dự án tại buổi làm việc.
Chủ tịch HĐQT Thiên Tân Group mong muốn USTDA hỗ trợ tích cực để Thiên Tân Group và Black & Veatch có thể phối hợp thực hiện nghiên cứu khả thi nhanh nhất giúp dự án được triển khai xây dựng đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng.
Đại diện USTDA nhấn mạnh, “USTDA rất vui khi được ủng hộ sự phát triển về sản xuất năng lượng tái tạo tại Việt Nam, thông qua dự án điện mặt trời của Thiên Tân. USTDA sẽ tạo mọi điều kiện để hai bên sớm tiến hành ký kết tài trợ cho Thiên Tân Group và Black & Veatch thực hiện nghiên cứu khả thi dự án điện mặt trời Ninh Thuận”.
Ngoài dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam tại Ninh Thuận thì Tập đoàn Thiên Tân đang thực hiện dự án điện mặt trời tại Mộ Đức (Quảng Ngãi) với công suất 19,2MW, nằm trên diện tích gần 30ha.
NangluongVietnam Online

UBND tỉnh Kon Tum vừa làm việc với Ban quản lý dự án Thủy điện 1 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) thống nhất đầu tư 1.245 tỷ đồng xây dựng Dự án điện mặt trời Sê San 4.

Theo EVN, Dự án có công suất thiết kế là 49 MW tại địa bàn xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum (thuộc hạ lưu đập bờ phải của công trình Thủy điện Sê San 4 đang vận hành).
Đây là dự án thuộc nhóm B, do EVN là chủ đầu tư xây dựng và vận hành, khi khánh thành sẽ là nhà máy điện mặt trời lớn nhất khu vực Tây Nguyên.
Dự án lựa chọn công nghệ quang điện SPV chuyển bức xạ mặt trời trực tiếp thành điện năng qua các tấm pin năng lượng mặt trời. Các tấm pin mặt trời sử dụng công nghệ pin silic đa tinh thể, kích thước 4 x 10 m, công suất mỗi tấm pin là 300 W.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ chính thức được thi công xây lắp vào đầu năm 2018 và khánh thành cuối năm 2018 hòa lưới điện quốc gia. Việc đầu tư Dự án này góp phần bổ sung nguồn năng lượng sạch, tăng nguồn thu cho đất nước và địa phương.
Mới đây, EVN đã phê duyệt Nghị quyết về định hướng nghiên cứu phát triển điện mặt trời, với mục tiêu bổ sung nguồn điện sạch cho đất nước.
Trên cơ sở đó, so sánh đánh giá và xác định chi phí hợp lý và hiệu quả của dự án điện mặt trời, làm cơ sở tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời, năng lượng tái tạo của Việt Nam.
EVN sẽ tập trung nghiên cứu phát triển một số dự án nhà máy điện mặt trời tại các địa phương có tiềm năng thuộc khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam Bộ.
EVN ưu tiên lựa chọn các địa điểm gần hoặc thuộc phạm vi địa giới các nguồn điện hiện có của EVN; xem xét đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt nước tại các hồ chứa thủy điện và trên quỹ đất thuộc vành đai bảo vệ và vận hành công trình thủy điện, tạo thuận lợi cho đấu nối lưới điện, giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng và hạn chế những phát sinh lớn về lực lượng quản lý vận hành khi các dự án đi vào hoạt động...
NangluongVietnam Online

UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất về chủ trương địa điểm thực hiện nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung tại khu vực thôn Thủy Ba và thôn Tân An, xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, với diện tích khoảng 70 ha.

Theo địa điểm mới, nhà máy ĐMT dự kiến sẽ truyền tải công suất lên hệ thống điện quốc gia qua đường dây 110kV khoảng 12km, điểm đấu nối dự kiến là thanh cái C12 của TBA 110V Cam Ranh (E28).
Với tiềm năng về cường độ bức xạ năng lượng mặt trời trung bình đo được là 5,34kWh/m2/ngày và tương đối thuận lợi về mặt đấu nối, hòa lưới điện quốc gia, Khánh Hòa là một trong các tỉnh được các nhà đầu tư về ĐMT quan tâm đăng ký khảo sát, thực hiện dự án.
Theo đó, tổng số dự án được khảo sát đến thời điểm hiện tại là 10 dự án với tổng công suất là 1.920MW (TP Cam Ranh: 1.470MW, H. Cam Lâm: 450MW).
Trên cơ sở thống nhất của UBND tỉnh, Ban QLDA Điện nông thôn miền Trung đã hoàn thiện hồ sơ xin cấp chứng nhận đầu tư để trình UBND tỉnh Khánh Hoà, đồng thời hoàn thiện Báo cáo phương án đầu tư để trình cấp thẩm quyền xem xét làm cơ sở để triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Thông tin từ EVN CPC cho biết: Nhà máy dự kiến đầu tư xây dựng với quy mô công suất thiết kế 50MW, sản lượng điện ước tính 83 GWh/năm. Tổng mức đầu tư của nhà máy khoảng 1.900 tỷ đồng, thời gian triển khai thực hiện dự án từ năm 2016 - 2018; địa điểm xây dựng nhà máy tại khu vực thôn Thịnh Sơn, xã Cam Thịnh Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa với diện tích xây dựng nhà máy khoảng 95 hecta.
Theo EVN CPC, dự án Nhà máy điện mặt trời Điện lực miền Trung bao gồm các hạng mục chính: Hệ thống các tấm quang điện, hệ khung giá đỡ chuyên dụng, hệ thống chuyển đổi Inverter 400VDC/400VAC (1MW/đơn vị), hệ thống trạm biến áp nâng 0,4/22kV(2÷2,5MVA), TBA nâng 22/110kV, nhánh rẽ 110kV (3 km) để đấu nối vào lưới điện 110kV hiện có, hệ thống điều khiển, giám sát, thu thập số liệu từ xa (SCADA), nhà quản lý vận hành, hệ thống đường giao thông nội bộ, thông tin liên lạc, hệ thống camera, chiếu sáng, phòng cháy chữa cháy và một số hệ thống phụ trợ khác…
Việc xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy góp phần phần nâng cao sản lượng điện từ nguồn Năng lượng tái tạo (NLTT) cho tỉnh Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo vệ môi trường.
Mục tiêu cụ thể của dự án là sản xuất điện năng từ nguồn năng lượng mặt trời (NLMT), góp phần đảm bảo nhu cầu điện năng, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo tính cấp điện liên tục, ổn định cho phụ tải khu vực.
NangluongVietnam Online

0 nhận xét: