Chủ Nhật, tháng 9 02, 2012

10 nước và vùng lãnh thổ giầu nhất thế giới

Các quốc gia nhiều dầu mỏ và khí đốt chiếm đa số vị trí trong danh sách này, dẫn đầu là Qatar với dân số 1,7 triệu người.


Để so sánh mức độ giàu có giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, GPD/đầu người là căn cứ được sử dụng phổ biến nhất. Xét về phương diện này, những nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa hẳn đã là giàu có nhất.
Tạp chí Forbes của Mỹ vừa đưa ra danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ giàu có nhất thế giới, xét trên GDP/đầu người. Các quốc gia nhiều dầu mỏ và khí đốt chiếm đa số vị trí trong danh sách này, dẫn đầu là Qatar với dân số 1,7 triệu người. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ chỉ đứng ở vị trí số 7. Trung Quốc và Nhật Bản thậm chí không có chân trong top 10.
Qatar có trữ lượng khí tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới và đã đầu tư mạnh để khai thác nguồn tài nguyên này phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, Qatar còn phát triển mạnh thị trường tài chính và dịch vụ giáo dục. Nhiều tập đoàn tài chính lớn của thế giới đã chọn Qatar làm cửa ngõ để tiến vào thị trường Trung Đông.
Hàng loạt trường đại học lớn của Mỹ cũng đã xây dựng học xá ở nước này. Những năm gần đây, Chính phủ Qatar đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho cơ sở hạ tầng với hy vọng gia tăng sức hút đối với các doanh nghiệp nước ngoài và phục vụ cho việc đăng cai Cúp bóng đá thế giới (World Cup) 2022.
Đứng ở vị trí thứ nhì là Luxembourg. Đất nước châu Âu với nửa triệu dân này đã trở thành một trung tâm tài chính từ nửa sau của thế kỷ 20. Một phần nhờ luật bảo mật ngân hàng chặt chẽ, giúp Luxembourg nổi danh là một “thiên đường thuế”. Xếp ngay sau Luxembourg là đảo quốc sư tử Singapore, đất nước phát triển mạnh các ngành công nghệ, công nghiệp và tài chính.
Dầu lửa chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của Na Uy - quốc gia đứng thứ 4 trong danh sách - và là nguồn đóng góp chính cho GDP/đầu người của nước này. Nauy cũng là một trong những nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới.
Tương tự, Brunei - đất nước nằm trên hòn đảo Borneo - hưởng lợi từ những mỏ dầu lửa và khí đốt khổng lồ. Nhờ nguồn tài nguyên này, Brunei đứng thứ 5 trong xếp hạng. Xuất khẩu dầu khí cũng đóng góp 25% GDP của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), quốc gia xếp ở vị trí số 6.
Đứng cuối bảng là “bộ ba” nền kinh tế châu Phi, bao gồm Burundi, Liberia và Cộng hòa Congo, với GDP/đầu người tương ứng lần lượt là 400 USD, 368 USD và 312 USD.
Để thực hiện xếp hạng này, Forbes đã rà soát GDP (đồng giá sức mua)/đầu người của 182 quốc gia trên thế giới. Số liệu được lấy từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tính đến năm 2010. Dưới đây là 10 quốc gia và vùng lãnh thổ giàu có nhất thế giới theo công bố của Forbes:

1. Qatar


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 88.222 USD.

2. Luxembourg


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 81.466 USD.

3. Singapore


GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 56.694 USD.

4. Nauy

GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 51.959 USD.

5. Brunei

GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 48.333 USD.

6. UAE

GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 47.439 USD.

7. Mỹ

GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 46.860 USD.

8. Hồng Kong

GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 45.944 USD/

9. Thụy Sĩ

GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 41.950 USD.

10. Hà Lan

GDP (đồng giá sức mua)/đầu người: 40.973 USD.
(Theo VnEconomy)

0 nhận xét: