Theo AFP, Indonesia mới đây khánh thành trang trại điện mặt trời nổi mang tên Cirata. Công trình trị giá 100 triệu USD này được coi là một cột mốc lớn trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo ở quốc gia này.
Trang trại Cirata được xây dựng ở trên một hồ nước rộng tới 200 ha tại Tây Java, cách thủ đô Jakarta khoảng 130 km. Các trang trại điện mặt trời nổi rất hấp dẫn đối với các quốc gia như Indonesia, bởi tình trạng dân số ngày càng tăng và nguồn tài nguyên đất đai khan hiếm.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “ Đây là một sự kiện lịch sử vì giấc mơ phát triển năng lượng tái tạo quy mô lớn của chúng tôi đã đạt được. Chúng tôi đã xây dựng được một trang trại điện mặt trời nổi lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ ba trên thế giới ”.
Dự án Cirata là sự hợp tác của công ty điện quốc gia Indonesia với công ty năng lượng tái tạo Abu Dhabi Masdar. Dự án bắt đầu được xây dựng vào tháng 12/2020 và hoàn thành trong 3 năm với chi phí khoảng 100 triệu USD.
Tiềm năng của trang trại điện mặt trời nổi
Trang trại Cirata dự kiến sẽ giúp Indonesia giảm khoảng 214.000 tấn khí thải carbon mỗi năm. Trang trại điện mặt trời mới được khánh thành này nằm ở một khu vực xanh mát với các cánh đồng lúa bao quanh, bao gồm 340.000 tấm pin.
Với công suất tối đa là 192 MW, trang trại này đang sản xuất đủ điện để cung cấp cho khu vực Cirata. Công ty điện quốc gia Indonesia với công ty năng lượng tái tạo Abu Dhabi Masdar đang thảo luận để mở rộng quy mô trang trại điện mặt trời nổi lên 500 MW
Trang trại Cirata được khánh thành trong bối cảnh Indonesia đang nỗ lực để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 hoặc sớm hơn. Quốc gia này cũng đang cố gắng đạt được mức phát thải ròng ngành điện bằng 0 vào năm 2050 nhằm đổi lấy khoản tài trợ cho kế hoạch chuyển đổi năng lượng Just Energy Transition Partnership trị giá 20 tỷ USD.
Cụ thể, theo kế hoạch, Indonesia cam kết cắt giảm mức phát thải carbon ngành điện xuống mức tối đa là 250 triệu tấn vào năm 2030.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết: “ Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ sở về năng lượng tái tạo được xây dựng ở Indonesia, chẳng hạn như năng lượng mặt trời, thủy điện, địa nhiệt và gió ”.
Trên thực tế, điện mặt trời và gió, mỗi loại này chỉ chiếm chưa tới 1% trong cơ cấu điện của Indonesia. Do đó, quốc gia này vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để tạo ra điện.
Hiện nay, Indonesia đặt mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 23% trong cơ cấu năng lượng vào năm 2025.
Dù Indonesia đã cam kết về việc ngừng xây nhà máy nhiệt điện than mới, nhưng vẫn tiếp tục xây các nhà máy đã được lên kế hoạch từ trước. Mặt khác, Indonesia đang cố gắng để trở thành một quốc gia quan trọng trên thị trường xe điện, với tư cách là nhà sản xuất niken lớn nhất trên thế giới. Niken là một thành phần thiết yếu ở trong pin lithium-ion.
Theo Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), việc mở rộng quy mô năng lượng tái tạo có thể tiết kiệm cho Indonesia tới 51,7 tỷ USD mỗi năm (bao gồm ảnh hưởng của cả ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu).
Theo các nhà khoa học, pin mặt trời nổi giúp tiết kiệm đáng kể về chi phí bởi chúng không tốn diện tích trên mặt đất, đồng thời có thể tận dụng được những đường dây sẵn có nối với lưới điện và các hồ chứa thủy điện. Hơn nữa, những tấm pin mặt trời nổi ở trên mặt nước không chỉ giúp chống lại biến đổi khí hậu mà còn không cần đến việc giải phóng bề mặt để lắp đặt, hạn chế sự bốc hơi của nước…
Điện mặt trời nổi là công nghệ sản xuất điện đầy hứa hẹn. Do đó, việc đầu tư và lắp đặt những tấm pin mặt trời nổi hiện đang gia tăng trên thế giới. Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng các trang trại điện mặt trời nổi để có thể sản xuất nhiều năng lượng bền vững nhất.
Bài viết tham khảo nguồn: AFP, The national news
phunumoi.net.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét