Thứ Năm, tháng 11 23, 2023

Đâu là thứ Việt Nam cần để phát triển các dự án năng lượng xanh?

 


Việt Nam – một trong những đất nước tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á – cần đưa ra các quy định và chính sách rõ ràng hơn để hỗ trợ cho cơn sốt năng lượng xanh, đồng thời phục vụ cho tham vọng sản xuất của đất nước hình chữ S, theo một báo cáo vừa công bố trong ngày 21/11.

Nền kinh tế đang lên này đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử, như Apple, đang chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam một phần để tránh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Tuy vậy, làn sóng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam đang gây căng thẳng cho hệ thống điện và ngành năng lượng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh năng lượng tái tạo.

Theo Kế hoạch Năng lượng “Made in Vietnam” 3.0 do Nhóm công tác Năng lượng và Điện thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam công bố trong ngày 21/11, Việt Nam thiếu sự rõ ràng về chính sách và giá cả, điều này làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và làm chậm các cuộc đàm phán về các biện pháp giúp đẩy nhanh tiến độ, chẳng hạn như cho phép mua điện trực tiếp từ các nhà sản xuất năng lượng.

“Việc không có một khuôn khổ pháp lý dành riêng cho năng lượng tái tạo đang là một rào cản lớn đối với các khoản đầu tư năng lượng”, trích từ báo cáo.

Trước đó, trong năm 2022, Việt Nam đã tiến tới thỏa thuận 15.5 tỷ USD để tài trợ cho kế hoạch chuyển dịch theo hướng năng lượng sạch hơn và đạt mục tiêu phát thải vào năm 2030. Tuy nhiên, cũng tương tự với thỏa thuận của Indonesia, kế hoạch đầu tư cũng gặp phải vấn đề về chi phí tài trợ.

Theo thỏa thuận này, Việt Nam phải có tỷ trọng năng lượng tái tạo ở mức 47% vào năm 2030, cao hơn nhiều so với dự báo 39% trong kế hoạch phát triển năng lượng của Chính phủ Việt Nam.

Trong báo cáo, các chuyên gia cho rằng để thu hút thêm khoản đầu tư năng lượng tái tạo, các thỏa thuận mua điện cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

“Về khả năng thanh toán của các hợp đồng mua bán điện ở Việt Nam, đang có lo ngại chính đáng về rủi ro hạn chế công suất (curtailment risk), nhất là với sự gia tăng đáng kể về công suất năng lượng mặt trời được ghi nhận trong giai đoạn 2019-2020”, trích từ báo cáo. “Công suất năng lượng mặt trời tăng mạnh đã tác động đáng kể đến hoạt động của hệ thống điện, khiến một số dự án năng lượng mặt trời phải dừng sản xuất một cách không cần thiết, gây khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn”.

Trong một diễn biến liên quan, Orsted - Tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới đã quyết định dừng toàn bộ kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam sau hơn 1 năm triển khai.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

0 nhận xét: