Thứ Ba, tháng 11 21, 2023

Giá điện Việt Nam ở mức nào là hợp lý và mức nào thì EVN mới cân đối được thu, chi?

  Sau lần điều chỉnh giá điện ngày 9/11/2023, dư luận đặc biệt quan tâm tới câu hỏi: Giá điện Việt Nam ở mức nào là hợp lý và ở mức nào thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới có thể cân đối được thu, chi? Để làm rõ thêm nội dung này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có bài viết tổng hợp, phân tích và đề xuất giải pháp dưới đây để bạn đọc tham khảo.

EVN tiếp tục thua lỗ, tiếp tục đề xuất tăng giá điện - Phân tích nguyên nhân và gợi mở lộ trình mớiEVN tiếp tục thua lỗ, tiếp tục đề xuất tăng giá điện - Phân tích nguyên nhân và gợi mở lộ trình mới
Phương pháp tính toán tác động của giá than, khí, LNG đến cơ cấu giá điện Việt NamPhương pháp tính toán tác động của giá than, khí, LNG đến cơ cấu giá điện Việt Nam

Năm 2023, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng, hạn hán nên hàng loạt hồ chứa thủy điện từ miền Bắc vào miền Trung đến miền Nam đều cạn nước. Mực nước trong hồ tiệm cận mức nước chết, hoặc thậm chí thấp hơn mức nước chết, dẫn đến phải vận hành cầm chừng, hoặc một số nhà máy thủy điện phải dừng vận hành. Trong khi các hồ chứa thủy điện cạn nước, thì một số nhà máy nhiệt điện vận hành quá tải dẫn đến sự cố, hoặc một số nhà máy đang trong thời kỳ đại tu, gây ra sự cố thiếu điện trầm trọng ở miền Bắc trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua.

Để đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong bối cảnh nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài, EVN đã phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện, trong đó có cả nhiệt điện dầu.

Ước tính cả năm 2023, sản lượng huy động thủy điện giảm khoảng 13,9 tỷ kWh so với với kế hoạch đã được Bộ Công Thương duyệt và giảm 22,5 tỷ kWh so với năm 2022. Nhiệt điện than tăng khoảng 9,3 tỷ kWh so với kế hoạch và tăng 28,2 tỷ kWh so với năm 2022. Nhiệt điện dầu tăng khoảng 1,2 tỷ kWh so với kế hoạch và tăng 1,2 tỷ kWh so với năm 2022. Năng lượng tái tạo tăng 1,3 tỷ kWh so với kế hoạch và tăng 2,8 tỷ kWh so với năm 2022.

Trong khi nhiệt điện than, dầu được huy động cao, thì giá nhiên liệu các tháng vừa qua của năm 2023 mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn còn ở mức khá cao so với giai đoạn 2020 - 2021.

Cụ thể, giá than nhập gbNewC tăng 2,97 lần so với năm 2020, tăng 1,30 lần so với năm 2021, còn giá dầu HSFO tăng 1,86 lần so với năm 2020 và tăng 1,13 lần so với năm 2021. Các thông số đầu vào cho các nhà máy điện sử dụng than nhập, than pha trộn, các nhà máy điện tua bin khí như các chỉ số gbNewC, ICI3, dầu HSFO, dầu Brent cũng tiếp tục duy trì ở mức cao so với các năm trước đây.

Giá than nhập khẩu NewC Index dự kiến tăng 186% so với 2020 và tăng 25% so với năm 2021; giá than pha trộn bình quân của Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam dự kiến tăng từ 29,6% đến 46,0% so với năm 2021; giá than pha trộn bình quân của Tổng công ty Đông Bắc tăng từ 40,6% đến 49,8% so với năm 2021, còn giá dầu thô Brent dự kiến tăng 86% so với năm 2020 và tăng 13% so với năm 2021.

Các nhà máy nhiệt điện khí (Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2.1, Phú Mỹ 2.1 mở rộng, Phú Mỹ 4, Bà Rịa, Nhơn Trạch 1 và 2) do nguồn khí Nam Côn Sơn suy giảm sản lượng nên phải tiếp nhận nhiều khí từ Hải Thạch - Mộc Tinh, Sao Vàng - Đại Nguyệt và Đại Hùng, Thiên Ưng với giá cao, đặc biệt khí Thiên Ưng, Sao Vàng - Đại Nguyệt có giá rất cao.

Giá thành sản xuất điện vẫn cao hơn giá bán:

Theo báo cáo của EVN, hiện nay cơ cấu giá thành sản xuất điện, khâu phát điện chiếm tỷ trọng tới 82,8% giá thành. Và cơ cấu sản lượng điện thay đổi theo hướng bất lợi khi các nguồn mua (từ thủy điện) có giá rẻ ngày càng giảm, nguồn mua có giá đắt thì tăng, dẫn tới chi phí sản xuất và mua điện của EVN tiếp tục tăng cao (năm 2023, các nhà máy nhiệt điện than và khí chiếm tỷ trọng sản lượng điện phát lên tới 55% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống). Trong bối cảnh tình hình tài chính gặp nhiều khó khăn, từ năm 2022 đến nay, EVN đã quyết liệt thực hiện các giải pháp tiết kiệm nhằm tiết giảm chi phí. Cụ thể, tiết kiệm tối thiểu 10% các chi phí thường xuyên theo kế hoạch định mức, cắt giảm từ 20 - 30% chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định của tất cả các đơn vị thành viên của EVN... Riêng 9 tháng đầu năm 2023, toàn ngành tiết kiệm được khoảng hơn 4.300 tỷ đồng.

Dù đã quyết liệt thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí, nhưng do yếu tố đầu vào tăng cao, giá thành sản xuất điện năng năm 2023 được ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh, vẫn cao hơn giá bán lẻ điện bình quân khoảng 178 đồng/kWh. Với điều kiện như vậy, việc sản xuất, kinh doanh của ngành điện năm 2023 tiếp tục bị thua lỗ là điều không thể tránh khỏi.

Vậy, giá điện ở mức nào là hợp lý và ở mức nào thì EVN mới có thể cân đối được thu, chi?

Đánh giá hiệu quả sử dụng điện của nước ta:

Kể từ năm 1990, ngành điện Việt Nam đã đạt nhịp độ phát triển nhanh hàng đầu thế giới, với nhịp độ sản xuất và tiêu thụ điện tăng bình quân 10 - 12%, ngang bằng với mức Hàn Quốc đạt được trong giai đoạn phát triển thần kỳ của họ. Cụ thể là vào năm 1986, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam chỉ là 68 kWh, thấp hơn 4,7 lần so với Philippines và 6,4 lần so với Thái Lan, nhưng đến năm 2020, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của chúng ta là 2.321 kWh, nhiều gấp 2,4 lần Indonesia (980 kWh), gấp 2,8 lần Philippines (839,7 kWh), gấp 2,5 lần Ấn Độ (928 kWh), gấp 4,7 lần Bangladesh (498 kWh). Con số này nhiều hơn cả các nước có GDP đầu người cao hơn Việt Nam như: Ai Cập, Jordan, Paraguay, Albania.

Trong giai đoạn 1990 - 2020 sản lượng điện tiêu thụ cuối cùng (Electricity Final Consumption) của nước ta đã có sự tăng trưởng cao nhất thế giới, tăng đến 3.386,88% và không có bất cứ quốc gia nào ở bất cứ khu vực nào, ở bất cứ nhóm quốc gia nào có thể so sánh với Việt Nam. Xem bảng 1:

TT

Tên nước

GDP 2020, USD

GDP đầu người năm 2020, USD

Dân số, triệu người

Tổng tiêu thụ điện năng (TWh)

Tiêu thụ

điện năm 2020

(người/kWh)

Điện/GDP

(kWh/USD)

1990

2020

Tăng TWh

% tăng

1

Philippines

361,75

3.326

109,58

22,35

92,01

69,66

311,68

839,7

0,254

2

Indonesia

1.062,53

3.932

273,52

29,48

268,12

238,64

809,50

980,3

0,252

3

Việt Nam

346,31

3.549

97,34

6,48

225,95

219,47

3386,88

2.321,2

0,652

4

Thái Lan

500,53

7.171

69,80

40,13

193,35

153,22

381,81

2.770,1

0,386

5

Malaysia

337,61

10.361

32,37

20,87

168,32

147,45

706,52

5.199,9

0,498

6

Singapore

348,39

61.274

5,69

15,18

52,90

37,72

248,48

9.297,0

0,159

7

Trung Quốc

14.862,6

10.525

1.410,93

579,65

7.424,99

6.845,34

1180,94

5.262,5

0,499

8

Ấn Độ

2.671,6

1.913

1.380

234,32

1.280,70

1.046,38

446,54

928,0

0,479

9

Hàn Quốc

1.644,7

31.728

51,95

101,74

559,98

458,24

450,40

10.779,2

0,340

10

Ba Lan

559,5

15.783

38,35

124,73

161,34

36,61

29,35

4.207,0

0,269

11

Rumani

208,0

13.032

19,29

42,85

52,53

9,68

-22,59

2.723,2

0,253

12

Anbani

12,5

5.268

2,84

1,82

6,68

4,86

267,03

2.352,1

0,534

13

Ai Cập

397,3

3.862

102,33

38.05

157,97

119,92

315,16

1.543,7

0,400

14

Mông Cổ

13,4

3.965

3,28

3,25

7,27

4,02

123,69

2.216,5

0,544

15

Jordan

44,1

4.336

10,20

3,33

18,93

15,60

468,47

1.855,9

0,429

16

Paraguay

40,3

4.885

7,13

2,13

14,14

12,01

563,85

1.983,2

0,351

17

Brasil

1.749,1

6.971

212,56

217,66

540,19

322,53

148,18

2.541,4

0,309

18

Băngladesh

373,9

2.270

164,69

5,14

82,01

76,87

1495,53

498,0

0,219

Bảng 1: Điện năng tiêu thụ - GDP giai đoạn 1990 - 2020 của Việt Nam, ASEAN và một số quốc gia trên thế giới [1].

Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng điện để phát triển kinh tế, xã hội của nước ta thì còn nhiều điều cần phải xem xét. Một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng điện của một quốc gia là cường độ sử dụng điện được đo bằng số kilowatt giờ (kWh) điện sử dụng để tạo ra 1 đô la Mỹ (USD) tăng trưởng GDP. Cường độ sử dụng điện càng cao, hiệu quả sử dụng điện càng thấp. Tại bảng 1, với 18 nước được thống kê cho thấy: Chúng ta sử dụng điện kém hiệu quả nhất (Việt Nam cần 0,652 kWh, 17 nước còn lại chỉ cần có 0,152 kWh đến 0,544 kWh để đạt được 1 USD). Tại sao chúng ta lại cần nhiều điện gấp 1,5 lần, gấp 2, gấp 3, thậm chí gấp 4 lần các quốc gia khác để làm ra một USD cho GDP quốc gia? Câu hỏi này cần được trả lời xác đáng và chắc chắn một phần liên quan đến giá bán điện hiện nay - đó là giá điện thấp sẽ khiến tiêu dùng điện nhiều, sử dụng điện lãng phí.

Giá điện thấp - tốt, hay không tốt cho thị trường?

Thực tế hiện nay, giá bán điện vẫn còn mang màu sắc “bao cấp”, bù trừ. Trong những năm gần đây, chi phí sản xuất điện tăng rất cao, các điều kiện đầu vào như vốn, tỷ giá hối đoái, giá các dạng năng lượng khác… đều tăng cao. Đặc biệt, khi cuộc chiến giữa Nga - Ukraine xảy ra vào đầu năm 2022 dẫn đến hàng loạt lệnh cấm vận của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga đã đẩy giá dầu, than, khí tăng rất cao, nhưng giá điện tại Việt Nam vẫn giữ ở mức thấp, chỉ tăng hầu như không đáng kể.

Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy: Giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021.

Theo tính toán, chi phí sản xuất điện năm 2023 vẫn duy trì ở mức cao, giá thành điện năm 2023 tiếp tục cao hơn năm 2022. Giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 ước tính khoảng 2.098 đồng/kWh.

Để giảm lỗ tiếp tục trong sản xuất, kinh doanh điện, đầu quý 2 năm nay (kể từ ngày 4/5), giá điện bán lẻ bình quân chính thức tăng thêm 3%, lên mức 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) và từ ngày 9/11/2023 EVN đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lên mức 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT). Mức điều chỉnh này tương đương tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Theo EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Cụ thể, theo số liệu thống kê: Năm 2022, cả nước có trên 1,27 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ. Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.

Mới đây, ngày 31/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm về “Tính đúng, tính đủ để có giá điện phù hợp” với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và kinh tế. Các chuyên gia đều cho rằng: Giá điện phải đảm bảo được khâu sản xuất điện, còn phần hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng yếu thế trong xã hội cần tách riêng vào phần an sinh xã hội, chứ không thể hạch toán vào giá điện như hiện nay. Bởi “bao cấp” sẽ làm hỏng cơ chế thị trường và đã đến lúc chúng ta phải vươn ra nguyên tắc thị trường để hạch toán, tính toán giá điện “cho đúng, đủ”.

Theo đó, đối với khâu sản xuất điện, phải rà soát quy định, tăng sự cạnh tranh trong sản xuất, còn với khâu phân phối điện, phải tăng sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tăng sự cạnh tranh trong phân phối. Cuối cùng, các chính sách khi xây dựng phải thúc đẩy hành vi của người tiêu dùng - đó là tiết kiệm điện. Bởi chỉ cần tiết kiệm được 1%, năm 2022 chúng ta đã giảm được 2,755 tỷ kWh (tổng sản lượng điện năng sản xuất năm 2022 là 275,505 tỷ kWh), tương đương với việc đầu tư xây dựng 1 nhà máy thủy điện có công suất 700 MW với mức đầu tư khoảng 25.000 - 28.000 tỷ đồng.

Tiết kiệm điện là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu biết tập trung vào những nơi tiêu thụ điện trọng điểm với những chính sách và hành động quyết liệt và triệt để một cách có hệ thống. Và nếu giá điện được tính đúng, tính đủ chắc chắn sẽ tác động đến chi phí đầu vào của những hộ tiêu thụ điện lớn, sản xuất công nghiệp (chiếm khoảng 53 - 55% lượng tiêu thụ điện năng toàn hệ thống). Khi đó, những hộ tiêu thụ điện này sẽ phải đầu tư, thay thế thiết bị lạc hậu nhằm giảm chi phí sản xuất sản phẩm của mình để cạnh tranh trên thị trường.

Để tách bạch giá điện và đảm bảo cho mọi người dân đều có thể sử dụng điện cần sửa Luật Điện lực và đẩy nhanh lộ trình xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Bởi khi đó, người tiêu dùng sẽ được phép lựa chọn đơn vị bán điện với giá hợp lý nhất, phục vụ tốt nhất. Trong thị trường bán lẻ điện, đơn vị bán lẻ điện và khách hàng sử dụng điện sẽ thỏa thuận, thống nhất về giá điện. Nhà nước chỉ quy định về biểu giá điện đối với các đối tượng khách hàng không tham gia mua điện trên thị trường. Đơn vị quản lý lưới phân phối điện sẽ đóng vai trò đơn vị cung cấp dịch vụ lưới điện cho các bên tham gia thị trường (đơn vị bán lẻ, khách hàng sử dụng điện). Có thể, khi thực sự có cạnh tranh trên thị trường bán lẻ điện, giá điện sẽ tăng, hoặc giảm (chứ chưa thể khẳng định rẻ, hay đắt), nhưng người dân có sự lựa chọn nguồn cung và EVN sẽ không bị khoác cho cái áo “độc quyền” nữa.

Để tiến tới thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường cần tiến hành các giải pháp sau [2]:

Thứ nhất: Công khai thu, chi của EVN.

Để người dân hiểu rõ về giá điện hiện hành, EVN cần công khai, minh bạch các khoản thu, chi, giá điện mua vào từng loại hình phát điện và giá bán ra cho từng đối tượng sử dụng điện, qua đó, người tiêu dùng sẽ hiểu được nguyên nhân vì sao cần phải điều chỉnh giá điện.

Thứ hai: Sửa Luật Điện lực, đưa giá điện sát thị trường và xóa bù chéo.

Sau gần 20 năm thi hành, các chính sách trong Luật Điện lực cần phải thay đổi nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển ngành điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Theo đó:

1/ Cần hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động và việc cấp, thu hồi giấy phép điện lực.

2/ Quản lý hoạt động mua, bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường cạnh tranh minh bạch, giá theo cơ chế thị trường.

3/ Quản lý vận hành hệ thống điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện cùng an toàn sử dụng điện.

4/ Đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân vào khâu phát điện.

5/ Bổ sung quy định về chính sách giá điện để giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền.

6/ Việc thực hiện chính sách giá điện cho các đơn vị điện lực được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng.

7/ Vấn đề phân cấp, phân quyền trong giá điện và hoạt động mua, bán điện, hoàn thiện quy định về thị trường điện lực (bổ sung về hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch là một hình thức giao dịch trong thị trường điện lực cạnh tranh).

8/ Mua, bán điện trực tiếp, ưu tiên điện tái tạo giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện.

Thứ ba: Thống nhất giá điện theo giá thị trường.

Việc thực hiện giá mua điện theo cơ chế thị trường và giá bán điện theo quy định của Chính phủ, thì khả năng EVN ngoài việc không thu hồi đủ vốn để tái sản xuất, mà còn tiếp tục thua lỗ lớn sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu điện cho nền kinh tế quốc dân do không thu hút được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào nguồn và lưới điện. Có thể nói đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện lộ trình tiến tới giá bán điện theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, truyền thông chính sách, quan trọng nhất là sự minh bạch, công khai để mọi người dân có thể dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ câu chuyện về giá điện. Bên cạnh đó, các bộ, ban, ngành cần đóng góp ý kiến để xây dựng chính sách, góp phần thay đổi hành vi sử dụng điện của người dân, hướng đến khuyến khích người dân tiêu dùng hiệu quả, tiết kiệm điện./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Tài liệu tham khảo:

1/ https://dantri.com.vn/tam-diem/tiet-kiem-dien-nhin-tu-co-cau-kinh-te-20230617185110550.htm.

2/ TS. Nguyễn Huy Hoạch: Giá điện Việt Nam - Nhìn lại để định hướng lộ trình mới cho tương lai. NangluongVietNam 

0 nhận xét: