Theo TS. Lê Hải Hưng, điện tái tạo chiếm dụng nhiều đất, sự thân thiện với môi trường cũng còn có tranh luận và trong 10 năm tới, chưa thể coi đây là một nguồn năng lượng tin cậy cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Giữa lúc vấn đề năng lượng tái tạo bỗng thành "điểm nóng" trở lại, PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Hải Hưng (Viện Vật lý kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội) về việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung, nhất là điện tái tạo (ĐTT) ở Việt Nam.
Phát triển quá 'nóng'
- Tại một hội thảo gần đây, do Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” của Quốc hội tổ chức, ông phát biểu rằng Việt Nam đã rút được bài học trong phát triển năng lượng tái tạo 2016-2021. Vì sao ông lại đánh giá như vậy?
TS. Lê Hải Hưng: Trước năm 2016, nước ta hầu như không có năng lượng tái tạo. Sau quyết định 11/2017/QĐ-TTg về “Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT”, năng lượng tái tạo nói chung, đặc biệt là điện mặt trời (ĐMT) ở nước ta, đã phát triển rất nhanh chóng. Từ tổng công suất khoảng vài chục MW vào năm 2016 đạt tới 4.442MW vào tháng 7/2019, nghĩa là trong vòng hơn một năm, ĐMT đã tăng trưởng khoảng 100 lần.
Sự kiện này đã đưa nước ta từ chỗ không có tên trên bản đồ năng lượng tái tạo trở thành một cường quốc ĐMT ở ASEAN, chỉ sau Indonesia (6.700MW).
Sự phát triển “nóng” đã gây ra nhiều thách thức, trước hết là gây quá tải cho hệ thống truyền tải điện lực quốc gia. Kết quả nhãn tiền là ngay trong năm 2020-2021, rất nhiều nhà máy ĐMT đã hoàn thành song vẫn chưa được phát điện vào lưới, hoặc chỉ được phát một phần vì lưới điện quá tải.
Vì vậy, ngay trong năm 2020, các nhà đầu tư hầu như đã không còn mặn mà với việc phát triển năng lượng điện tái tạo nữa.
Do đó, ngày 4/6/2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về giá ĐMT, với tinh thần là định giá ĐMT tập trung là 1.644 VNĐ/kWh, ĐMT nổi là 1.783 VNĐ/kWh, ĐMT mái nhà là 1.943 VNĐ/kWh. Với Quyết định 13/2020, các nhà đầu tư lại đổ xô làm ĐMT mái nhà, với bao nhiêu bất cập đã được phản ánh.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thông báo năm 2021 sẽ cắt giảm 1,3 tỷ kWh năng lượng điện tái tạo do phát triển đột biến. Tuy nhiên, tôi cho rằng con số phải cắt giảm cao hơn nhiều. EVN cần thông tin vào thời điểm này và năm nay, chúng ta phải xả bỏ đi bao nhiêu kWh điện tái tạo.
- Vậy theo ông, sau những bài học đắt giá đó, Việt Nam có nên phát triển mạnh điện tái tạo?
Theo thông báo của Bộ Công Thương, tính đến cuối 2020, tổng công suất lắp ĐMT cả nước đạt 19.400MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất của hệ thống; nhưng sản lượng mới chiếm khoảng 4,3% (tức khoảng 10 tỷ kWh so với 247 tỷ kWh) .
Một đặc điểm, cũng là điểm yếu của năng lượng điện tái tạo là hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết. Chỉ cần có cơn mưa, hoặc thậm chí một đám mây đi qua, là có thể dập tắt nhà máy. Con người đã chế ngự, đã điều khiển được phản ứng hạt nhân nhưng không bao giờ điều khiển được thiên nhiên, vì thế chưa thể chủ động khi sản xuất năng lượng điện tái tạo.
Chính vì vậy, đây không thể được coi là nguồn năng lượng tin cậy, chủ động cho sản xuất. Chế độ phát không liên tục của năng lượng điện tái tạo cũng gây ra kịch bản xấu cho hệ thống tải. Theo quan điểm của chúng tôi, nhà nước không thể và cũng không nên bỏ ra nhiều kinh phí để xây lắp hệ thống truyền tải lớn hơn chỉ để tiếp nhận hết được công suất lớn đột biến của năng lượng điện tái tạo.
Năng lượng này cũng có mức đầu tư ban đầu rất lớn, chiếm dụng nhiều đất và cũng không thực sự thân thiện với môi trường.
Không thực sự là "điện sạch"
- Tại sao ông lại không thực sự thân thiện với môi trường khi đây vẫn được đánh giá là “năng lượng sạch”?
Chúng ta thường nhất trí với nhau rằng, năng lượng điện tái tạo là năng lượng sạch và thận thiện với môi trường, nhưng sự thật không hoàn toàn đúng như vậy. Để chế tạo ra pin mặt trời hay Solar Panel, cần sử dụng đến rất nhiều nguyên tố nặng có độc tính cao như Bismut (Bi), Cadimium (Cd),... Khi tiến hành khai thác các nguyên tố này, người ta đã làm biến đổi môi trường thiên nhiên.
Ngoài ra, quá trình chế tạo pin mặt trời cần nhiệt lượng cao để nấu ra thạch anh và tẩy rửa các linh kiện. Để làm việc này, đương nhiên sẽ dùng nhiên liệu hóa thạch và chắc chắn sẽ thải ra một lượng lớn khí nhà kính như carbonic (CO2), dioxit lưu huỳnh (SO2), trifluoride nitơ (NF3) và các dung môi khác.
Việc thu gom, xử lý các tấm pin mặt trời đã hết hạn sử dụng cũng là một vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý môi trường. Những nhà máy ĐMT đầu tiên của thế giới được xây dựng vào năm 2000 cũng sắp phải dỡ bỏ nhưng đến nay vẫn chưa có quy trình tiêu hủy hay tái chế các tấm pin mặt trời.
Vì vậy, có nhà đầu tư năng lượng điện tái tạo “khôn ngoan” đã giữ lại một số tiền để yêu cầu nhà cung cấp có trách nhiệm thu hồi pin mặt trời khi hết hạn sử dụng.
- Vậy là chúng ta không thể dựa vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng điện tái tạo, thưa ông?
Ai cũng biết, trong số các nguồn năng lượng tái tạo, ĐMT là công nghệ phát triển nhanh nhất, hiện thực nhất có thể thay thế được một phần đáng kể các nguồn năng lượng hóa thạch trong tương lai. Nhưng trong 10 năm tới, cá nhân tôi cho rằng, chúng ta vẫn chưa thể coi ĐMT là một nguồn năng lượng tin cậy cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Vì vậy, trong khi phát triển ĐMT, chúng ta cũng phải phải tính đến những phương án để nâng cao hiệu quả sử dụng, ví như phát triển và áp dụng công nghệ lưu trữ điện năng tái tạo. Mặt khác, về lâu dài, cũng cần nghiên cứu triển khai các nguồn năng lượng ổn định, tin cậy và đủ công suất, ít phát thải, như điện hạt nhân chẳng hạn, để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển đất nước.
Cá nhân tôi cho rằng, điện hạt nhân mới là nguồn năng lượng sạch và tin cậy cho sản xuất và dân sinh. Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Anh, Nhật Bản,... là những nước phát triển và họ cùng có chung một điểm: đều lấy năng lượng hạt nhân là nền tảng.
Xin cảm ơn ông!
TheoVietnamnet.vn (LuongBang)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét